Lao động là vinh quang

Học Bác từ những điều giản dị, những đảng viên, Anh hùng Lao động của hôm nay vẫn luôn sống và nỗ lực sáng tạo từng ngày, từng giờ để đưa doanh nghiệp của mình trở thành những điểm sáng đáng tự hào trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy xuất thân từ những môi trường, nền giáo dục khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là bước ra từ gian khó, vẫn luôn học và làm theo những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng để cùng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển.

Anh hùng Lao động, Chủ tịch Công ty Coimex Lê Văn Kháng kiểm tra các khâu chế biến chả cá Surimi.Ảnh: VĂN HÒA
Anh hùng Lao động, Chủ tịch Công ty Coimex Lê Văn Kháng kiểm tra các khâu chế biến chả cá Surimi.Ảnh: VĂN HÒA

Bài 1: Ngọn hải đăng giữa biển khơi 
 
 Bà Rịa - Vũng Tàu một chiều nắng. Trong căn phòng làm việc chỉ có hai bộ bàn ghế, một để làm việc, một để họp với anh em công ty, Anh hùng Lao động Lê Văn Kháng (Hai Kháng) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng nhọc nhằn, quyết tâm thực hiện lời hứa với đồng chí, đồng đội đã bị giam cầm, tù đày và ngã xuống vì đất nước, để góp phần làm nên một Côn Đảo tươi đẹp của hôm nay. 
 
 Giữ trọn lời hứa
 
 Sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Thanh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ông Hai Kháng là một trong số năm người đỗ tú tài của xã. Bí mật tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, 17 tuổi, cậu học trò Hai Kháng hồi ấy đã biết rà soát, theo dõi mọi động tĩnh của từng tuyến đường để khi màn đêm buông xuống sẽ đưa cán bộ và bộ đội qua lộ. Sau hai năm, ông Hai Kháng được tổ chức đưa vào làm nội tuyến ở Quân khu 9, bộ đội Sư đoàn 4 Sóc Trăng, rồi đóng quân ở Hậu Giang, Rạch Giá cho đến trước ngày giải phóng, ông được điều động chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.
 
 Tham gia cách mạng, chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh, ông Hai Kháng quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh trong những ngày hòa bình. Ông hào hứng nhận nhiệm vụ mới khi là một trong những người đầu tiên được phân công tiếp quản Côn Đảo. Thuyền cập bến, ông Hai Kháng đến ngay Nghĩa trang Hàng Dương. “Đúng mùa gió chướng, hàng ngàn bộ xương nổi lên trên mặt cát trắng, sự hy sinh của đồng chí, đồng đội nằm đó như cắt cứa vào tim, vào óc tôi. Ngay lúc ấy, tôi có một lời hứa: Tôi xin thưa với các đồng chí, tôi may mắn được sống, hôm nay được ra với các đồng chí đây. Tôi hứa với các đồng chí, tôi sẽ làm hết trách nhiệm của một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, làm hết khả năng của mình để xây dựng đất nước và Côn Đảo. Xin các đồng chí hãy yên lòng”. Kể đến đây, giọt nước mắt xót xa chưa từng nguôi ngoai nỗi đau trước hy sinh của đồng đội như thắt lại, nhòe đi trên gương mặt người đàn ông đã trải qua nhiều khổ đau và vinh quang.
 
 Thông thường, những cuộc khai sơn phá thạch chưa bao giờ là dễ dàng. Phục hồi một hòn đảo đã tổn thương, kiệt quệ sau chiến tranh còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng người anh hùng ấy đã quyết tâm, có khi đơn độc, có lúc chao đảo, vẫn bằng mọi cách vượt lên tất cả thử thách, gian truân, đã trụ vững như vách núi sừng sững giữa biển khơi và giờ đang bình dị kể cho thế hệ sau về câu chuyện đời mình.
 
 Anh hùng của biển
 
 Đó là biệt hiệu thương mến mà nhiều người đã dành tặng Anh hùng Lao động Hai Kháng. Ông từng lăn lộn hàng tháng trời trên biển với các thuyền viên, cùng đội mưa bão, bán từng ki-lô-gam cá với nhân viên kinh doanh, thấu hiểu nỗi khổ của ngư dân mỗi mùa biển động không có sản lượng đánh bắt, đau lòng cùng ngư dân mỗi chuyến được mùa, cá đầy khoang nhưng lại không thể tiêu thụ... Không chịu đầu hàng trước khó khăn, ông đau đáu nghĩ cách làm thế nào để thay đổi phương thức khai thác và tiêu thụ cá biển.
 
 Năm 1989, đúng vào thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, Xí nghiệp Khai thác hải sản Bến Đầm ra đời và ông Hai Kháng được giao nhiệm vụ làm giám đốc. Hoạt động của xí nghiệp ban đầu chỉ là đánh bắt hải sản và bảo vệ ngư trường Côn Đảo; vận tải hàng hóa, hành khách từ đất liền ra Côn Đảo và ngược lại. Sau ba lần đổi tên và hơn chục năm là công ty nhà nước, đến tháng 6-2006, công ty được cổ phần hóa với tên gọi chính thức: Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex). Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và quốc phòng - an ninh, mang tính đột phá, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng phát triển huyện Côn Đảo giàu mạnh, trở thành hòn ngọc sáng tiền tiêu trên vùng biển đông nam của Tổ quốc.
 
 Trăn trở với nghề cá, thực hiện lời hứa với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Côn Đảo, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Coimex Lê Văn Kháng đã tìm một hướng đi mới cho nghề cá Việt Nam: Tìm đầu ra cho cá biển bằng cách chế biến chả cá Surimi, được chế biến từ nhiều loại cá với nhiều kích cỡ khác nhau tạo ra một sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, đem lại ngoại tệ cho đất nước. Với chất lượng ổn định và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, Coimex không những giữ được khách hàng từ những ngày đầu mà còn phát triển mở rộng tại nhiều thị trường với số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng.
 
 Nhiều năm trước đây, công ty đã xuất khẩu hơn 20 nghìn tấn sản phẩm Surimi các loại mỗi năm, đạt kim ngạch hơn 40 triệu USD, trở thành đơn vị đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU). Năm 2012, trong khi nhiều doanh nghiệp thủy sản phải sản xuất cầm chừng thì Coimex không có đủ hàng để bán và con số xuất khẩu đạt doanh thu kỷ lục là 43,5 triệu USD. Hiện nay, do lượng cá ngày càng ít, tàu phải đi xa hơn, nhưng Coimex vẫn giữ được con số gần 10 nghìn tấn sản phẩm Surimi xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Công ty cũng không còn trực tiếp tham gia đánh bắt mà tập trung khâu chế biến. “Để có thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính như châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết”, ông Hai Kháng cho biết.
 
 Thương hiệu Surimi Việt Nam - một thương hiệu quốc gia đang ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế. Vì thế, không chỉ là anh hùng của biển, ông Hai Kháng còn được nhiều người yêu mến gọi là “Ông vua Surimi Việt Nam”. Đây cũng chính là phần thưởng tinh thần từ thành quả mà ông đã làm được cho Côn Đảo, cho ngư dân, cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
 Giữ vững phẩm chất tiên phong, gương mẫu
 
 Từ người chiến sĩ cách mạng cho đến câu chuyện của một doanh nhân thành công là quãng đường ai cũng nghĩ rằng khó nhọc, cực khổ. Nhưng với Anh hùng Hai Kháng, mọi việc đều trở nên nhẹ nhàng. Chất lính trong con người ông cũng như ý thức của người đứng đầu Đảng ủy công ty đã giúp doanh nhân Hai Kháng làm việc gì cũng rất nền nếp, chặt chẽ, kỷ luật. “Như người lính, nếu làm sai quân lệnh, điều lệnh có thể sẽ hy sinh. Là Bí thư Đảng ủy, tôi luôn nhắc các đồng chí của mình phải luôn gương mẫu, trung thực, mạnh dạn đi đầu, là những người sẵn sàng đứng mũi chịu sào, biết đặt lợi ích của người lao động lên trên lợi ích của bản thân. Khi làm kinh tế, tôi cũng vẫn luôn tâm niệm như thế, để không bao giờ làm điều gì pháp luật không cho phép, không dùng thủ đoạn và tuyệt đối không làm điều gian dối thì doanh nghiệp mới có thể vượt qua mọi gian khó, đứng vững được trên thị trường”, Anh hùng Hai Kháng chia sẻ. Bắt đầu với ba đảng viên trong những ngày đầu thành lập, hiện Đảng bộ Coimex có gần 100 đảng viên đều là những người tiên phong trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Nhiều đồng chí cán bộ đảng viên trưởng thành từ thực tiễn lao động, sản xuất của công ty đã trở thành những cán bộ chủ chốt ở địa phương: Một đồng chí giữ vị trí Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo và một đồng chí phát triển, giữ vị trí Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu.
 
 Khi Coimex trở thành công ty cổ phần với hơn 300 nhân viên, ông Hai Kháng khẳng định, đó là chủ trương rất đúng đắn của Nhà nước. “Khó khăn hay không là do mình. Thật kỹ càng, chính xác, trung thực, luôn đặt quyền lợi của cán bộ, công nhân viên lên hàng đầu thì sức mạnh tập thể sẽ vượt qua mọi thách thức”, là lời khẳng định của Chủ tịch Coimex trước câu hỏi: Trở thành công ty cổ phần, phải tự làm tự ăn thì có khó khăn nhiều không?
 
 Với mức lương mỗi tháng từ 7 đến 10 triệu đồng/công nhân, Công ty Coimex không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn ngư dân, mấy trăm công nhân, mà còn mở ra một hướng đi mới cho ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Hơn 20 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, từ một doanh nghiệp địa phương với số nhân viên ít ỏi, trang thiết bị lạc hậu, vốn kinh doanh không đủ hoạt động, Coimex đã có những bước tiến dài trong sự phát triển vươn tầm quốc gia và quốc tế, để vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba... và nhiều giải thưởng, chứng nhận về an toàn thực phẩm toàn cầu.
 
 Năm 2013, người con thân thương của biển cả, của Côn Đảo, của bà con ngư dân đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Có thể nhiều thứ sẽ bị lãng quên theo thời gian, nhưng lời hứa của người chiến sĩ cộng sản kiên trung trong thời kỳ đổi mới với những đồng chí, đồng đội ngã xuống tại Côn Đảo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã được giữ trọn vẹn. Để hôm nay, một Côn Đảo thật sự hồi sinh sau những năm mang danh “địa ngục trần gian”, trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, là vùng đảo có những đóng góp đáng ghi nhận vào nền kinh tế của tỉnh, của đất nước là nhờ vào những con người đầu tiên trở lại mảnh đất này để xây dựng và phát triển như Anh hùng Lao động Hai Kháng.
 
 Bước sang tuổi 71, đã đến tuổi được nghỉ ngơi, vui thú điền viên nhưng vì những lo lắng, trăn trở trong tâm can giản dị của một đảng viên, một chiến sĩ cách mạng ông nghĩ: Còn sức còn làm. Bởi thế, Anh hùng Hai Kháng vẫn đang tiếp tục cống hiến, làm việc, để giữ vững Công ty cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) là thương hiệu có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho kinh tế nước nhà.
 
 (Còn nữa) 
 

 Hai Kháng là một đảng viên trung kiên, sống có lý tưởng rõ ràng, tận tâm, tận lực với Đảng và sự nghiệp cách mạng. Ngay từ những ngày đầu giải phóng, đồng chí ấy đã gắn bó mật thiết với Côn Đảo. Khi còn làm việc cùng, tôi thấy Hai Kháng luôn trăn trở, suy nghĩ về việc làm thế nào để xây dựng Côn Đảo thành đảo ngọc. Trong số những cán bộ dưới thời tôi là chủ tịch, Hai Kháng là người tài năng và tâm huyết nhất. Nhận ra những tố chất và tình cảm đó cho nên hồi ấy tôi đã chọn mặt gửi vàng, ký quyết định thành lập Xí nghiệp Côn Đảo và bổ nhiệm ông Lê Văn Kháng làm giám đốc.
 
 Ông ĐOÀN NGỌC GIAO
 
 Nguyên Chủ tịch UBND quận Côn Đảo (đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) thời kỳ 1985 - 1990