Lao động là vinh quang (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 3: Khát vọng từ thay đổi tư duy lao động

Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Phải (người thứ tư từ phải sang) giới thiệu hệ thống máy lập trình tự động trong ngành may. Ảnh: ĐỨC THANH
Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Phải (người thứ tư từ phải sang) giới thiệu hệ thống máy lập trình tự động trong ngành may. Ảnh: ĐỨC THANH

Nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài, ít ai ngờ rằng người đàn ông đã bước qua tuổi lục tuần ấy không phải nghệ sĩ mà chính là một doanh nhân điều hành hàng chục nghìn công nhân. Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Phải chia sẻ về hành trình biến một doanh nghiệp may mặc đứng bên bờ vực phá sản thành một đối tác uy tín của nhiều nhãn hiệu thời trang lớn trong nước và thế giới với những con số đáng mơ ước.

Rèn luyện tác phong công nghiệp

Dưới ánh sáng chiều vẫn đậm đặc mầu nắng, bên ly cà-phê sữa đá, đục nhiều như mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của ông, doanh nhân Nguyễn Hữu Phải có phong thái giản dị, điềm tĩnh mà vẫn toát lên sự cứng cỏi, quyết liệt của người làm chủ doanh nghiệp lớn. Câu chuyện của ông Phải được kể theo trình tự thời gian, bắt đầu từ những năm đất nước sau ngày giải phóng.

Năm 1976, doanh nhân Hữu Phải được Nhà nước cử sang Liên Xô cũ để học đại học ngành chế tạo máy. Sau bốn năm học tập và rèn luyện ở xứ sở bạch dương, đến năm 1980 ông về nước làm trong ngành giao thông vận tải của tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh). Năm 1982, ông Hữu Phải quay trở lại làm đội trưởng kiêm phiên dịch cho hai đội: Công nhân xây dựng và đội dệt trong thời gian hơn 5 năm. “Nhờ những năm tháng ấy, tôi học được nhiều điều ở các nền công nghiệp hàng đầu châu Âu và rút ra một điều có thể coi là chân lý cho bản thân: Làm kinh doanh là phải trung thực. Đó cũng chính là chìa khóa cho sự thành đạt trong kinh doanh của chúng tôi sau này. Thêm vào đó là sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có thể thất bại nhưng không bao giờ bỏ cuộc”, doanh nhân Hữu Phải chia sẻ. 

Trở về nước, đầu những năm 1990, doanh nhân Hữu Phải kinh doanh từ xăng dầu cho đến dây điện thoại, thức ăn gia súc... “Tôi luôn tìm kiếm cơ hội và thực hiện bài bản, hợp pháp các công việc để quyết tâm làm giàu trên chính những kiến thức kinh tế học được ở nước ngoài”, ông Phải tự hào cho biết. Đến năm 1998, khi đang làm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Hữu Phải được điều sang làm Phó Giám đốc Công ty May Bắc Giang. Ông Phải kể rằng, nhiệm vụ mới là điều hành một đơn vị sản xuất nhưng không còn gì đáng giá, tất cả đều tan hoang, vách nhà thủng lỗ chỗ, thậm chí không có cả nước và máy móc thì cũ kỹ, lạc hậu, công nhân có 250 người, rệu rã và hầu như không còn tia hy vọng nào... “Nhìn những di sản ấy, làm gì có ai không sợ. Tôi sợ chứ, nhưng kịp trấn tĩnh bản thân ngay. Bao khó khăn gian khổ mình còn vượt qua được. Nghĩ vậy và tôi quyết tâm thay đổi thực tại, làm lại từ đầu”, ông Phải nhớ lại.

Bao nhiêu tiền kiếm được khi làm việc ở châu Âu mới mua được căn nhà cho vợ con, nhưng rồi lại phải mạo hiểm thế chấp vay ngân hàng 3,7 tỷ đồng để bắt đầu công cuộc cải tổ công ty. Ông Phải dùng toàn bộ số tiền đó mua máy móc, xây dựng xưởng may số 1. Kết hợp với những mối quan hệ kinh doanh ở nhiều nước châu Âu như Đức, Séc... doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Phải là đơn vị may mặc đầu tiên trong nước biết làm hàng FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công), đạt lợi nhuận khá cao ngay từ những khởi đầu. Từ 250 công nhân, doanh nhân Hữu Phải đã phát triển doanh nghiệp của mình lên 500 công nhân, từ một xí nghiệp thành ba xí nghiệp, rồi bảy xí nghiệp. Nhớ lại những năm tháng khó khăn nhưng đầy ắp kỷ niệm ấy, ông Phải bồi hồi: “Những năm tháng học tập và làm việc ở nước ngoài đã cho tôi kiến thức nền tảng công nghiệp và một con người có tác phong công nghiệp. Muốn làm tốt điều gì, chỉ cố gắng thôi là chưa đủ, chúng ta cần có kiến thức thật vững về lĩnh vực đó thì mới có những hướng đi chính xác và bền vững”.

Rèn luyện ý thức người lao động

Gần 20 năm là người đứng đầu doanh nghiệp may mặc lớn, nhưng có đến 10 năm doanh nhân Hữu Phải đi làm sớm hơn 15 phút, đứng ở cổng bảo vệ lúc sáng sớm khi công nhân đi làm và chiều đến khi công nhân tan ca để theo dõi ý thức, tác phong của mỗi người. Nói cách khác, không chỉ chú ý nâng cao tay nghề mà người lao động còn được rèn luyện ý thức công nghiệp để trở thành những công nhân lành nghề chuyên nghiệp.

“Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, ở đâu tôi cũng thấy tay nghề, tính tự giác, kỷ luật của công nhân nước bạn cao hơn công nhân nước mình. Đó là những điều khiến tôi luôn trăn trở. Tôi luôn mong muốn rèn luyện làm sao để công nhân của mình có tay nghề và ý thức cao như công nhân các nước phát triển. Chỉ có như thế chúng tôi mới có thể làm những việc lớn hơn nữa, đưa doanh nghiệp vươn xa hơn nữa”, doanh nhân Nguyễn Hữu Phải chia sẻ.

Tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Liên hiệp châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... tính đến cuối năm 2003, công ty đạt doanh thu 40 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 triệu USD với 1,5 triệu sản phẩm may mặc. Năm 2005, khi doanh nghiệp được cổ phần hóa 100%, doanh nhân Nguyễn Hữu Phải như được tiếp thêm động lực để quyết tâm xây dựng Công ty cổ phần May Bắc Giang trở thành một trong những đơn vị may mặc hàng đầu cả nước. Luôn khát khao tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và người nghèo, muốn đời sống của công nhân ngành may Bắc Giang ngày một nâng cao, ông đã chuẩn bị mọi nguồn lực thật tốt để hiện thực hóa những hoài bão của mình. Đến năm 2011, doanh nhân Nguyễn Hữu Phải lại một lần nữa là người đầu tiên khi xây dựng xí nghiệp may ở vùng sâu, vùng xa (huyện Lục Nam, Bắc Giang). Trong 4.000 công nhân đang làm việc tại đây thì có tới hơn 50% là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển đảng từ bộ phận nòng cốt

Tháng 11-2014, Công ty cổ phần May Bắc Giang chính thức chuyển sang mô hình tổng công ty và đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang với vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng. Đến tháng 7-2018, công ty chia tách doanh nghiệp và đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang BGG gồm bốn công ty thành viên: Hai công ty trong nước và hai công ty liên doanh với Hàn Quốc.

Hơn 12 nghìn công nhân với hơn 300 đảng viên trước khi chia tách công ty và hiện nay có tổng số hơn sáu nghìn công nhân với 216 đảng viên là những con số mà Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hữu Phải rất tự hào khi kể về các doanh nghiệp của mình. Với nhiều đơn hàng bền vững với các đối tác lớn như GAP (Mỹ) 18 năm, Uniqlo (Nhật Bản) 15 năm, Adidas (Đức)... tạo thu nhập bình quân tám triệu đồng/tháng/công nhân ở TP Bắc Giang và 7,5 triệu đồng/tháng/công nhân đang làm việc ở các huyện. Để tạo dựng uy tín đối với khách hàng đã khó, nhưng để có được sự tin tưởng từ chính các cổ đông và nhân viên của mình, ông Hữu Phải luôn minh bạch mọi việc: Từ chất lượng sản phẩm cho đến doanh thu, lợi nhuận.

Chia sẻ một trong những bí quyết phát triển doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy công ty Nguyễn Hữu Phải cho biết: “Chúng tôi luôn ý thức vai trò lãnh đạo của Đảng trong từng công việc cụ thể và ưu tiên phát triển đảng viên từ nòng cốt của công ty, đó là bộ phận sản xuất. Từng đồng chí đảng ủy viên công ty đều phải nêu cao tinh thần tiên phong của người đi đầu, gương mẫu, phấn đấu và rèn luyện mỗi ngày. Mỗi đảng viên luôn ý thức làm việc với mức độ cao hơn, thể hiện sự nỗ lực và có thái độ phấn đấu tốt hơn, chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ cũng cao hơn quần chúng. Những tấm gương đảng viên sáng ấy đã thuyết phục người lao động cùng cố gắng để gìn giữ uy tín, tiếp tục xây dựng và phát triển công ty”.

Chưa từng thất bại từ khi đứng đầu công ty, nhưng khi nhắc đến lợi nhuận trong năm nay, ông Hữu Phải giọng trầm hẳn: “Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó khăn như lúc này. Dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới đã khiến mọi thứ đều chững lại. Nhiều đơn vị may mặc phá sản vì không có việc và không trả được lương cho công nhân. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tìm mọi cách lo đủ việc cho người lao động để cầm cự qua đại dịch”.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Phải vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 811/QĐ-CTN ngày 27-5-2011 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhìn lại hành trình hơn 20 năm lao động và lãnh đạo doanh nghiệp, ngoài nền tảng tri thức, khát vọng mang lại những giá trị thiết thực cho nền kinh tế đất nước, rèn luyện con người của công nghiệp, dám nghĩ, dám làm, thì một bí quyết thành công của doanh nhân Nguyễn Hữu Phải còn gói gọn trong hai chữ: Tiết kiệm (tiền, thời gian...). Chủ tịch Nguyễn Hữu Phải chia sẻ về bài học làm kinh tế với thế hệ trẻ: “Tôi chỉ muốn nói rằng: Tôi sinh ra không phải anh hùng. Gia đình bố tôi ba đời làm nông. Tuổi trẻ của tôi là những năm tháng dành phần lớn thời gian cho học tập và làm việc. Nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác áp lực trong công việc, vì đó là đam mê. Tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt trong kinh doanh ngoài việc luôn nhắc mình phải giữ vững đạo đức người đứng trong hàng ngũ của Đảng, khiêm tốn không được thỏa mãn trước bất kỳ thành quả nào. Những người trẻ hoàn toàn có thể trở thành những doanh nhân có tài chính tốt, nếu bản thân các bạn biết tin vào sự lựa chọn của chính mình, chăm chỉ và đừng bao giờ quên: Tiết kiệm”.

*  *  *

Đồng hành trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước suốt nhiều năm qua đã có rất nhiều tấm gương lao động, kinh doanh giỏi. Họ không những làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ mọi người cùng vươn lên trong cuộc sống, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của xã hội. Nhiều người trong số họ đã đến tuổi được nghỉ ngơi; nhưng không, họ vẫn ngày đêm miệt mài làm việc, vẫn không ngừng tìm tòi cái mới để vượt qua giới hạn của bản thân, với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho đất nước. Và hơn hết, đối với họ, sự lao động, sáng tạo chính là lẽ sống, là vinh quang.

Những con người như Anh hùng Lao động Lê Văn Kháng, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Phải - những đảng viên tiên phong, gương mẫu, đã và đang là những tấm gương sáng soi chiếu, góp phần làm nên niềm tin vững chắc về con đường phát triển tươi sáng của đất nước. Bằng chính bàn tay, khối óc, nỗ lực vượt khó và sự trung thực của mỗi cá nhân, mọi khát vọng vươn tới sự thành công để có điều kiện đóng góp tích cực, thiết thực hơn cho cộng đồng và xã hội đều có thể trở thành hiện thực.

Tôi đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với May Bắc Giang. Ở nơi này, tôi được làm việc kiếm sống, tìm thấy đam mê trong công việc và có được tình cảm thân thiết với các đồng nghiệp. Chúng tôi là một tập thể đoàn kết, chăm chỉ dưới sự chỉ dẫn, lãnh đạo của bác Nguyễn Hữu Phải. Bác Phải có lối sống tình cảm, giống như người cha, người chú trong gia đình, luôn chăm lo đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên. Tôi hiểu rằng, những lúc này, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được, để ổn định công việc và thu nhập cho mấy nghìn người lao động là áp lực rất lớn đối với những người đứng đầu như bác Phải. Chúng tôi luôn tự nhắc nhau làm việc thật tốt để không phụ công bác Phải và không để ảnh hưởng uy tín của công ty.

PHẠM THỊ THẾ

Công nhân Tổ 17, Xí nghiệp may 2,

Công ty CP TCT May Bắc Giang BGG

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4-10-2020.