Hiện thực giấc mơ khám phá vũ trụ

Vượt lên khó khăn, ham học hỏi, đam mê chinh phục không gian, tập thể 36 kỹ sư, thạc sĩ - cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, học tập tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản, đã chế tạo thành công vệ tinh lớp micro.

Vệ tinh MicroDragon được lưu trữ tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) chờ ngày phóng.
Vệ tinh MicroDragon được lưu trữ tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) chờ ngày phóng.

Sản phẩm đầu tiên, vệ tinh MicroDragon đã sẵn sàng lên bệ phóng, mang theo trí tuệ và khát vọng chinh phục không gian của tuổi trẻ Việt Nam.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Việt Nam sẽ phóng hai vệ tinh là MicroDragon (2019) và NanoDragon (năm 2020). MicroDragon có khối lượng 50 kg, sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy của Nhật Bản, có nhiệm vụ quan sát, chụp ảnh, theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, phát hiện độ bao phủ của mây, nhằm phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất, sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất,…

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn còn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ vũ trụ trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sau vệ tinh MicroDragon, vệ tinh NanoDragon đang được đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, có trọng lượng dưới 10 kg. NanoDragon có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng vệ tinh nano. Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy trước đó, năm 2013, VNSC đã có kinh nghiệm chế tạo vệ tinh PicoDragon nặng 1 kg; nhưng để chế tạo được vệ tinh nặng 50 kg như MicroDragon là cả một bước tiến dài. Để thực hiện nhiệm vụ khoa học quan trọng này, trong suốt quá trình thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2017, cứ khoảng ba tháng, các học viên và các thầy hướng dẫn sẽ tập trung họp để thẩm định lại các thiết kế của mình lần lượt tại các trường khác nhau. Phương pháp và nội dung thẩm định tuân thủ chặt chẽ theo quy trình phát triển hệ thống vệ tinh của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).

Các học viên có điều kiện được tham gia trực tiếp từ giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh MicroDragon. “Toàn bộ quá trình sản xuất diễn ra ở Nhật Bản, với mục đích đào tạo là chính, nên có thể gọi đây là vệ tinh chế tạo bởi người Việt Nam” - Phó Tổng Giám đốc VNSC Vũ Việt Phương chia sẻ.

MicroDragon là vệ tinh quang học, được trang bị ống kính quang học có thể hoạt động trên 12 dải phổ khác nhau. Tuy nhiên, độ phân giải hình ảnh chụp của vệ tinh MicroDragon là khoảng 70 mét (chỉ phân biệt được những vật có độ lớn từ 70 mét trở lên), thích hợp quan sát ngoài biển, quan sát “màu đại dương” để giúp có những nghiên cứu, đánh giá về các loài sinh vật phù du trong nước biển. “Ý nghĩa lớn nhất của việc chế tạo thành công MicroDragon là nằm ở mục đích đào tạo làm chủ công nghệ vệ tinh, và các bạn trẻ của chúng ta đã làm được. MicroDragon vượt qua các thử nghiệm mặt đất, và được Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chấp nhận phóng vào giữa tháng 1-2019” - ông Phương nói.

TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế hệ thống không gian VNSC, sau khi giới thiệu những thông tin về vệ tinh MicroDragon, một dự án nghiên cứu - đào tạo sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đã chia sẻ thêm những khó khăn, vất vả mà các kỹ sư trẻ tài năng đã vượt qua trong suốt thời gian tham gia học tập, nghiên cứu và chế tạo vệ tinh tại nước bạn. “Vệ tinh MicroDragon gồm nhiều thành phần, kết cấu, linh kiện và công đoạn khác nhau, rất phức tạp. Việc tổ chức nghiên cứu và phát triển được giao cho từng nhóm kỹ sư nghiên cứu tại 5 trường đại học, dựa trên cơ sở năng lực chuyên môn của từng nhóm nghiên cứu tại các trường này. Do điều kiện, phương pháp làm việc ở các trường là khác nhau, khoảng cách địa lý lại trải dài từ bắc đến nam của Nhật Bản nên đội ngũ cũng gặp phải nhiều khó khăn khi cùng tích hợp và thử nghiệm toàn hệ thống” - TS Huy cho biết.

Cảm biến quang học của vệ tinh là bộ phận đặc biệt quan trọng, được coi là “con mắt” của vệ tinh, và thú vị ở chỗ, “con mắt” này lại do một nữ cán bộ đầu tiên theo học ngành công nghệ vũ trụ của VNSC - ThS Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1989, thiết kế. Cùng mang bầu nhiệt huyết và niềm đam mê khoa học vệ tinh như ThS Thảo, các nhà khoa học trẻ Việt Nam được cử sang Nhật Bản học tập các đợt sau đều nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, và đạt kết quả xứng đáng.

Thời điểm 36 kỹ sư trẻ của VNSC kết thúc khóa học tại Nhật Bản, cũng là lúc vệ tinh MicroDragon - sản phẩm trí tuệ mang tinh thần Việt Nam hoàn thành, hiện đang được bảo quản đặc biệt tại Nhật Bản, sẵn sàng lên bệ phóng.

Thảo, Minh, Đông cùng các tài năng khoa học trẻ của VNSC đã về nước, tiếp tục cần mẫn trong các phòng thí nghiệm để theo đuổi đam mê nghiên cứu vũ trụ, với tâm nguyện “dành cả tuổi trẻ cho giấc mơ khám phá vũ trụ của người Việt”.

Vệ tinh MicroDragon do Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhật Bản được phóng lên không gian, sẽ từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ vệ tinh và chinh phục không gian của người Việt.