Sáng tạo trong đổi mới

Tính đến Xuân Kỷ Hợi này, công cuộc đổi mới do Đảng và nhân dân ta tiến hành đã tròn 32 năm. Hơn ba thập kỷ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho chúng ta nhiều bài học quý để vững tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc trong tình hình mới.

Những chủ nhân tương lai của đất nước.
Những chủ nhân tương lai của đất nước.

Mệnh lệnh đổi mới

Đại hội VI (tháng 12-1986) đưa ra mệnh lệnh đổi mới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta diễn ra trầm trọng, cải tổ và cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu chao đảo, việc thực hiện đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập đã dẫn đến hiện tượng phủ định sạch trơn quá khứ cách mạng. Lợi dụng tình hình ấy, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản, vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, dao động với chủ nghĩa xã hội và đòi đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc ấy, mới thấy những gì chúng ta đạt được hôm nay thật đáng tự hào.

Nếu so với chiều dài lịch sử dân tộc, thì 32 năm chỉ là cái chớp mắt. Nhưng điều đáng nói ở đây là công cuộc đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu nhiều ý nghĩa.

Đó là một sự thật hiển nhiên.

Chỉ cần đưa ra một vài so sánh sẽ nhận thấy ngay rằng, bức tranh đất nước đã có nhiều đổi thay tích cực và to lớn đến nhường nào.

Cách đây 32 năm, Đại hội VI họp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta đang diễn ra trầm trọng với những biểu hiện: Nền kinh tế trì trệ, phân phối lưu thông ách tắc, cơ chế kế hoạch hóa vận hành trục trặc, ngân sách nhà nước thâm hụt lớn, lạm phát cao, đời sống nhân dân rất khó khăn, lòng tin của cán bộ và đảng viên giảm sút. Hạ tầng cơ sở cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới ở vạch xuất phát. Là nước nông nghiệp, mà mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu nửa triệu tấn lương thực để bù đắp cho những thiếu hụt của một nền sản xuất manh mún, mang nặng tư duy bao cấp, ỷ lại. Đại hội VI đã mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém, trì trệ ấy là do những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Những sai lầm đó bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Với tinh thần dũng cảm kiên quyết, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI đã đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta với việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới hệ thống chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân ta đã giúp nước ta từng bước vượt qua khủng hoảng và dần đạt được những thành quả quan trọng. Tổng kết 10 năm đổi mới, Đại hội VIII (tháng 6-1996) khẳng định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục làm rõ hơn quan niệm về chặng đường đầu tiên và chặng đường tiếp theo trong thời kỳ quá độ. Đến Đại hội XI năm 2011, chúng ta tự hào tuyên bố nước ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tại Đại hội XII năm 2016, tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đã tạo ra thế và lực mới rất quan trọng cả về kinh tế, chính trị, củng cố vững chắc an ninh, quốc phòng. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao, giúp chúng ta thêm tự tin trong công cuộc hội nhập sâu rộng.

Với tổng kết 32 năm đổi mới, có thể khẳng định rằng, công cuộc đổi mới do Đảng và nhân dân ta khởi xướng và tiến hành là sự sáng tạo đúng đắn từ thực tiễn và vận động của lịch sử. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với những trải nghiệm sâu sắc và cả những cái giá đắt phải trả đã tạo tiền đề cả về lý luận và thực tiễn để chúng ta đưa ra quyết định và tầm nhìn sáng suốt, đưa đất nước và dân tộc vào quỹ đạo phát triển đúng hướng.

Khơi nguồn sáng tạo mới

Bước vào năm Kỷ Hợi, với hành trang kinh nghiệm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta tự tin vào bản lĩnh Việt Nam, vào những gì đã đạt được trong thời gian qua để có thể nắm bắt những cơ hội, thời cơ tạo ra, nhưng không khỏi băn khoăn trước những thách thức đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lúc bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, khi ấy, in-tơ-nét còn chưa xuất hiện. Đất nước ta đang bị bao vây, cấm vận, thông tin liên lạc với thế giới rất hạn chế. Chỉ sau hơn ba thập kỷ, chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Loài người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đặc trưng cơ bản là kho dữ liệu lớn, in-tơ-nét kết nối vạn vật, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, tự động hóa phát triển... Chưa bao giờ, loài người lại có năng lực sản xuất dồi dào đến thế. Những phát minh mới trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghệ số đã giúp sức sản xuất tăng lên gấp nhiều lần so với trước kia, giải phóng đáng kể số lượng lao động chân tay. Những biến chuyển nhanh chóng về tốc độ phát triển, về quá trình xây dựng đô thị thông minh, Chính phủ điện tử trên các quốc gia trên thế giới đang diễn ra với mức độ ngày càng nhanh. Đây là những kinh nghiệm quý để chúng ta tiếp thu, nắm bắt, đóng góp trực tiếp cho quá trình xây dựng đất nước.

Khi thử hình dung về một tương lai phát triển trong vòng 50 đến 100 năm nữa, nhìn lại ba thập kỷ qua, ta hiểu vì sao đất nước ta đã có những thay đổi thần kỳ. Điều cần chú ý, đó chính là nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu để chúng ta phát huy, nhân lên những cái tốt đẹp, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém để đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển.

Đòi hỏi lớn nhất hiện nay chính là làm thế nào để nắm bắt và theo kịp được “con tàu” 4.0. Trong ba cuộc cách mạng trước, do điều kiện lịch sử và cả những sai lầm chủ quan trong tư duy, quản lý và con người, chúng ta đã có những bỏ lỡ đáng tiếc. Lần này, nếu để lỡ “chuyến tàu” 4.0 thì tiến trình xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ chậm lại. Trong những vấn đề cần và đủ để thực hiện được thành công những mục tiêu do Đảng đề ra, vấn đề quan trọng bậc nhất vẫn là con người. Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc đào tạo cán bộ liên quan trực tiếp đến đào tạo con người. Vì thế, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ phải được coi là quốc sách hàng đầu. Trong kỷ nguyên thông tin và kỷ nguyên số như hiện nay, kinh tế tri thức đang dần chiếm vị trí thống lĩnh, vì vậy, có tri thức là điều quan trọng nhất, bởi có tri thức mới nắm bắt và làm chủ được khoa học - công nghệ.

Cùng với đầu tư lớn cho giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, việc đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đầu tư thích đáng cho văn hóa để văn hóa giữ vai trò là nền tảng tinh thần, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, giữ được cốt cách, những giá trị văn hóa nhân văn trong thời kỳ hội nhập.

Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, để thành công, đòi hỏi chúng ta phải có nội lực vững vàng, đủ sức ứng phó với những đổi thay nhanh chóng, những thách thức lớn do bối cảnh quốc tế tác động. Sức mạnh nội sinh đó có được là nhờ một nền tảng văn hóa lâu đời, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có trí tuệ, bản lĩnh, luôn đoàn kết nhất trí, một lòng một dạ phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Những kinh nghiệm và bài học của lịch sử cho thấy, muốn tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải nhanh chóng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm. Sự sáng tạo trong đổi mới cách đây hơn ba thập kỷ phải được thể hiện sáng tạo hơn nữa để nhanh chóng bắt kịp và tiến lên sánh vai cùng các nước phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.

Sáng tạo là một mệnh lệnh đổi mới trong thời kỳ mới mà mỗi chúng ta, khi bước vào năm Kỷ Hợi, đều thấy có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc, khẩn trương!