Giải bài toán rác thải

Cuộc họp bất thường của Chi bộ thôn Như Hạ kéo dài tới tận 22 giờ khuya mà vẫn không đưa ra được kết luận cho những nội dung vốn là nguyên nhân phải triệu tập cuộc họp. Trong đó vấn đề rác thải là nội dung càng bàn lại càng thấy rối. Thôn cũng đang phấn đấu trở thành thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, nhưng vấn đề môi trường vẫn vô cùng nan giải.

Nhìn những mái đầu đã bạc đang chụm lại bàn thảo về kinh phí nên đề nghị xã hỗ trợ hay huy động người dân đóng góp để việc thu gom rác thải được tiến hành hằng ngày (thay vì 3 ngày/ tuần) mà ông Hậu không khỏi chạnh lòng. Nhiều tháng qua, những đảng viên trong chi bộ đã đến từng hộ dân tuyên truyền nhằm duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp, thành quả của xã NTM, nhưng khi đoàn đi rồi, thì rác thải vẫn được chất đống ở đầu các xóm, ngõ. Ngày nắng rác bốc mùi, ngày mưa trôi lềnh bềnh khắp các hang cùng ngõ hẻm, gây ô nhiễm môi trường... Đang mải suy nghĩ, ông Hậu giật mình bởi tiếng nói đầy quả quyết:
 
 - Thưa các bác, các chú, thưa các đồng chí. Đoàn Thanh niên chúng tôi xin nhận giải bài toán rác thải, nước thải sinh hoạt ạ!
 
 - “Giải bằng cách nào?”, ông Hậu và các thành viên trong cuộc họp không ai bảo ai, đồng loạt hỏi.
 
 - Đoàn thanh niên sẽ kết hợp hội phụ nữ tổ chức thu gom rác thải vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Còn lại các ngày trong tuần, sẽ do bên thu gom rác thực hiện.
 
 - “Tôi đồng ý!”, ông Hậu nói. Đây cũng là phương án rất hay và thiết thực. Thế nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để khi mà công ty thu gom rác vẫn thu gom 3 ngày/tuần.
 
 Ông Nhân trong hội Cựu chiến binh lúc này mới lên tiếng:
 
 - Theo tôi thấy, ngoài việc xin ít kinh phí để mua thùng chứa rác đặt ở một số nơi trong thôn thì việc nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường là quan trọng nhất. Bởi dù có được đầu tư hiện đại đến đâu mà ý thức người dân còn kém thì không thể giải bài toán về môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nên xây dựng một quy ước thôn. Quy ước đặt ra yêu cầu các hộ xây mới, hay sửa sang nhà cửa phải có phương án thoát nước thải phù hợp. Thôn Như Hạ còn nghèo, nếu chúng ta yêu cầu dân đóng góp sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Vì thế, theo tôi chúng ta nên vận động, tuyên truyền để người dân tự nguyện giữ vệ sinh, xóm nào, tổ dân nào có điều kiện làm đường, chúng ta hỗ trợ nhân lực để giúp họ thực hiện...
 
 Ông Nhân vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay hưởng ứng, cho thấy sự đồng thuận của chi bộ thôn vang lên. Hướng đi đã có, việc còn lại là bắt tay thực hiện. Như Hạ chắc chắn sẽ giải được bài toán rác và nước thải.