XÃ LUẬN

Nỗ lực góp phần thúc đẩy thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham gia Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), tại thành phố Niu Oóc của Mỹ.

Sự kiện này tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy vai trò hiệu quả tại các cơ chế hợp tác đa phương.

LHQ chính thức ra đời ngày 24-10-1945. Trải qua hơn 70 năm phát triển, đến nay LHQ trở thành tổ chức toàn cầu lớn và toàn diện nhất, với sự tham gia của toàn bộ các quốc gia độc lập trên thế giới. Vai trò hoạt động của LHQ ngày càng được mở rộng về mọi mặt, hướng tới thực hiện các mục tiêu đề ra, qua đó đem tới những tác động tích cực, có ý nghĩa to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc. Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập năm 1945, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm sáu cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và năm Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới…

Với những thành tựu quan trọng đạt được, LHQ được cộng đồng quốc tế ghi nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng LHQ năm nay có chủ đề: “Làm cho LHQ gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”. Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về công việc chung của tổ chức năm 2018 nhấn mạnh và đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của LHQ trong việc ứng phó các thách thức mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, một số xung đột trên thế giới leo thang căng thẳng, bất bình đẳng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng…

Trước tình hình đó, các quốc gia thành viên đều nhất trí việc cải tổ LHQ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp tình hình quốc tế mới là yêu cầu cấp thiết và khách quan, nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả các hoạt động của LHQ.

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20-9-1977. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ ngày càng phát triển tốt đẹp. Quan hệ giữa Việt Nam và LHQ là thí dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các thành viên LHQ cũng như vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa và nhân đạo. Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ, cũng như các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy LHQ phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu, công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại.

Việt Nam và LHQ mới đây đưa ra cam kết thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan LHQ. Việc triển khai hiệu quả các sáng kiến này giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm hơn trong tương lai, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam tại LHQ cũng như trên trường quốc tế. Tháng 5-2018, Việt Nam được nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhất trí đề cử là ứng viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việc nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam.

Tham dự kỳ họp quan trọng lần này của Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao mang tới các thành viên LHQ và các nước trên thế giới thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về việc tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân. Là một thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm, nêu cao tầm quan trọng của việc cải tổ để LHQ trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của LHQ, nhất là hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Chúc chuyến tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành công tốt đẹp, tiếp tục nâng cao thế và lực, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện niềm tin của Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.

NHÂN DÂN