Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống mua bán người

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và kể từ năm 2013, chọn ngày 30-7 hằng năm là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.

Để thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người sang Trung Quốc. Từ đầu năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc, với 1.187 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các đối tượng thường lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, qua lại biên giới, quan hệ lâu đời giữa hai nước, nhất là các địa phương biên giới; khó khăn kinh tế, thiếu việc làm, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, để lừa bán sang Trung Quốc. Lực lượng Công an đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc “đẻ thuê” với giá từ 400 đến 500 triệu đồng.

Các đường dây này lo “trọn gói” từ việc đưa người đến Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra. Xuất hiện một số đường dây lừa đưa phụ nữ từ Cam-pu-chia, Lào, chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển rồi đưa sang Trung Quốc, hoặc một số đối tượng người Trung Quốc lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam để lừa gạt, đưa phụ nữ đã có con qua biên giới, sau đó khống chế, dụ dỗ con của nạn nhân với lý do “sang Trung Quốc thăm mẹ” để lừa bán.

Thực tiễn đấu tranh, triệt phá tội phạm mua bán người của lực lượng công an cho thấy, đối tượng phạm tội thường là những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người, cấu kết hình thành những đường dây khép kín. Trong khi đó, công tác phòng, chống mua bán người còn một số tồn tại. Một số ban, ngành, đoàn thể được giao nhiệm vụ về công tác này song chưa quan tâm, chú trọng, chưa phát huy hết trách nhiệm, chưa tạo được phong trào rộng khắp và thu hút được đông đảo người dân, nhất là phụ nữ. Nhiều nơi tổ chức mang tính hình thức, thiếu các kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, quản lý đối tượng chưa đánh giá đúng thực trạng tình hình, chưa chủ động đề ra kế hoạch, biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Chưa tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong phòng, chống mua bán người.

Thời gian qua, Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em đã được phê chuẩn. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người; Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan tội phạm mua bán người đã điều chỉnh theo hướng mở rộng hành vi và tăng mức hình phạt, tiếp cận với pháp luật quốc tế. Trong lĩnh vực di cư lao động, Quốc hội đã thông qua Luật Người Việt Nam đi làm ở nước ngoài và Chính phủ, bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự; Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự. Đáng chú ý, ngày 15-9-2010, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cơ quan chức năng hai nước đã ký Hiệp định song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người nói chung, mua bán người sang Trung Quốc nói riêng, các bộ, ngành, địa phương cần tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; tổng kết giai đoạn 2016-2020 và nghiên cứu, xây dựng Chương trình 130/CP về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025.

Lực lượng công an, chủ công là cảnh sát hình sự, cần phối hợp lực lượng biên phòng các cấp triển khai kế hoạch nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung điều tra, thu thập, bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, hợp tác quốc tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán. Hằng năm, tổ chức triển khai cao điểm tiến công tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là tuyến biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Quan trọng hơn cả là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng tới người dân về vấn nạn mua bán người, công tác tuyên truyền miệng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân để tạo chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, giúp mỗi người dân tự bảo vệ cho bản thân và gia đình trước tội phạm mua bán người.