Phá rừng ở Đác Nông chưa 'hạ nhiệt'

NDO -

NDĐT- Trong năm 2013, tỉnh Đác Nông phấn đấu giảm đến 50% số vụ và diện tích phá rừng so với năm 2012. Tuy nhiên, thực tế những gì xảy ra trong bốn tháng đầu năm nay cho thấy, tình trạng phá rừng ở Đác Nông vẫn chưa “hạ nhiệt” và mục tiêu địa phương này đề ra khó thực hiện.

Rừng già ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bị phá trắng để lấy đất sản xuất.
Rừng già ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bị phá trắng để lấy đất sản xuất.

Còn nhiều “điểm nóng” phá rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, tình trạng phá rừng trong bốn tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa “hạ nhiệt” và còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện như Đác Glong, Đác R’lấp, Đác Song, Krông Nô và Tuy Đức vẫn còn nhiều “điểm nóng” phá rừng.

Tại huyện Tuy Đức, các “điểm nóng” phá rừng được xác định thuộc lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, Nông - lâm trường cao su Tuy Đức và tại một số dự án sản xuất nông - lâm nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân quản lý, bảo vệ trên địa bàn xã Đác Ngo, Quảng Trực… trong đó “nóng” nhất là trên địa bàn xã Đác Ngo.

Chủ tịch UBND xã Đác Ngo Lê Văn Minh cho biết: Trong những tháng mùa khô vừa qua, trên địa bàn xã đã có hàng chục hộ dân cư trú tại địa bàn các thôn Tân Lập, Ninh Hòa, Đoàn Kết đã kéo nhau phá rừng để lấy đất sản xuất. Gần đây nhất, trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua có 16 hộ dân ở thôn Tân Lập kéo nhau vào phá rừng tại Tiểu khu 1523 để lấy đất sản xuất. Trước tình trạng người dân kéo nhau đi phá rừng với số lượng đông, buộc Chủ tịch UBND xã Đác Ngo Lê Văn Minh phải cầu cứu Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức tăng cường lực lượng vào ngăn chặn. Tuy nhiên, đã có nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị phá trắng.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, trong bốn tháng đầu năm, toàn huyện đã xảy ra gần 50 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại 16,5 ha rừng. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện cũng diễn biến hết sức phức tạp. Hạt kiểm lâm huyện đã phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ mua bán lâm sản trái phép, tịch thu hơn 280 m3 gỗ các loại.

Mới đây nhất là từ ngày 23 đến 26-4, qua tuần tra, kiểm soát, đội kiểm lâm cơ động số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đã phát hiện bắt giữ ba vụ vận chuyển, cất giấu lâm sản, động vật hoang dã trên địa bàn huyện Đác R’lấp và Tuy Đức, thu giữ năm hộp gỗ sao kích thước lớn và năm gốc cây gỗ cà te, đều thuộc nhóm II với tổng khối lượng hơn 5,4 m3, không có chủ.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn bắt được đối tượng Nông Văn Sỹ, sinh năm 1987, là nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Minh Phúc, xã Đác Ngo cất giữ hơn 2.500 thanh gỗ bằng lăng thuộc nhóm III, với tổng khối lượng hơn chín m3, không giấy tờ hợp lệ…

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức Nguyễn Duy Tân cho biết: trên địa bàn huyện hiện có 36 tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nông - lâm nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, đồng thời Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã thành lập nhiều trạm quản lý, bảo vệ rừng tại những “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn xã Đác Ngo, Quảng Trực… Thế nhưng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2004 đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có hơn 2.600 ha rừng bị người dân chặt phá và chiếm giữ đất trái phép để sản xuất. Các đơn vị chủ rừng để xảy ra mất rừng nhiều là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, Nông-lâm trường cao su Tuy Đức, Hợp tác xã dịch vụ thương mại Hiệp Thành, Công ty TNHH Kiến trúc mới, doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc….

Một “điểm nóng” phá rừng khác là tại Tiểu khu 1680, xã Quảng Sơn. huyện Đác Glong. Đây là diện tích rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đác Glong đã phát hiện và xử lý bốn vụ phá rừng tại Tiểu khu này, làm thiệt hại hơn bốn ha rừng phòng hộ.

Một ngày đầu tháng 5, khi chúng tôi vào tìm hiểu công tác phá rừng tại đây thì được một người dân tên Hùng cho biết: tình trạng phá rừng ở đây diễn ra liên tục trong những tháng mùa khô vừa qua, thế nhưng không thấy các cơ quan chức hay chính quyền địa phương vào ngăn chặn.

Sau khi phá rừng xong, các đối tượng bán lại cho người khác làm rẫy với giá từ 70 đến 90 triệu đồng/ha. Đối với những diện tích rừng chưa bị phá, “lâm tặc” đã ngang nhiên khắc dấu trên những thân cây để đánh dấu khu vực này đã có chủ. Mỗi khoảnh đánh dấu như vậy có diện tích từ ba đến năm ha rồi tiến hành chặt phá dần, nhưng không thấy ai ngăn chặn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Ngô Anh Sáng cho rằng, cán bộ Ban Lâm nghiệp của xã thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tổ chức kiểm tra và truy bắt các đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn phá rừng và bắt giữ “lâm tặc” gặp nhiều khó khăn do chúng thường hoạt động vào ban đêm và hết sức manh động.

Cũng tại xã Quảng Sơn, thời gian gần đây nổi lên một “điểm nóng” phá rừng nữa là rừng thông hơn 30 năm tuổi nằm ngay trung tâm xã. Rừng thông này có diện tích gần 400 ha hiện được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, kể từ khi UBND tỉnh Đác Nông công bố quy hoạch thành lập huyện mới Đức Xuyên, rừng thông này trở thành “điểm nóng” phá rừng. Thời gian gần đây, người dân địa phương và các xã lân cận kéo đến phá rừng thông bằng nhiều cách thức như: đẽo vỏ, đốt gốc, đổ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… để cây thông chết dần rồi chiếm dụng đất, xây dựng nhà trái phép để ở và chờ nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng phá rừng thông quý này của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn và chính quyền địa phương không có hiệu quả.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn Ðặng Văn Dư trăn trở: Trong thời gian qua, đơn vị đã tăng cường lực lượng ngày đêm tuần tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng thông này, có đợt đã phát hiện và bắt giữ được một số đối tượng xâm hại rừng thông, chuyển cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, tình trạng chặt phá rừng thông vẫn không giảm và hiện nay công tác quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng phá hoại rừng thông quý này, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cần sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ dân cư trên địa bàn và các ngành chức năng phải xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại rừng thông để giáo dục, răng đe cho các đối tượng khác.

Ngoài các “điểm nóng” phá rừng nêu trên, trên địa bàn tỉnh Đác Nông hiện còn nhiều “điểm nóng” phá rừng khác mà các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Chính vì vậy, mục tiêu tỉnh Đác Nông đề ra trong năm 2013 là giảm 50% số vụ và diện tích phá rừng so với năm 2012 là khó thực hiện.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra hàng trăm vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại 105 ha rừng, trong đó địa phương để mất rừng nhiều nhất là huyện Đác Song với diện tích 49 ha; huyện Tuy Đức 16,5 ha; huyện Krông Nô 14 ha; thị xã Gia Nghĩa 14 ha…

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã phát hiện 100 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 581 m3 gỗ các loại, xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Cần biện pháp mạnh

Trước tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh trong bốn tháng đầu năm vẫn chưa “hạ nhiệt”, trong một cuộc họp của UBND tỉnh Đác Nông vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Lê Diễn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các cấp và các đơn vị chủ rừng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt phải có những “biện pháp mạnh”, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng cũng như các đơn vị chủ rừng để mất rừng thì mới kéo giảm được số vụ cũng như diện tích phá rừng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, mới đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông đã tổ chức hội nghị bàn và tìm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để kéo giảm số vụ cũng như diện tích phá rừng mà tỉnh đã đề ra đầu năm, điều quan trọng nhất là các ngành chức năng của tỉnh phải kiểm soát và hạn chế được dân di cư tự do từ các nơi kéo đến sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhất là kéo vào sinh sống trong rừng.

Đối với các vụ vi phạm lâm luật, các ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện quyết liệt và xử lý nghiêm minh hơn, nhất là những vụ việc đủ điều kiện khởi tố hình sự, cơ quan công an tiến hành khởi tố để răn đe, giáo dục chung.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cần phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng cương quyết cưỡng chế giải tỏa những điểm lấn chiếm đất rừng, phá rừng, buộc các đối tượng phá rừng phải trồng lại rừng. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn những “điểm nóng” phá rừng, đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép… trên địa bàn.

Đề nghị UBND tỉnh xem xét và xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị là chủ rừng cũng như chính quyền địa phương, kiểm lâm trong trường hợp để mất rừng, bởi lâu nay trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ha rừng bị phá trắng nhưng chưa thấy một chủ rừng hay người đứng đầu chính quyền địa phương nào bị kiểm điểm, xử lý.

Phá rừng ở Đác Nông chưa 'hạ nhiệt' ảnh 1

Rừng tự nhiên ở xã Đác Ngo, huyện Tuy Đức bị phá không thương tiếc.