Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải nguy hại

Việc quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung và chất thải nguy hại (CTNH), chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Do vậy, quản lý và xử lý an toàn các loại chất thải nói trên, nhất là nghiên cứu các công nghệ xử lý nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các tác động xấu tới sức khỏe con người, đang là một trong những vấn đề cấp bách đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

Theo báo cáo của các địa phương, lượng CTNH phát sinh trong cả nước khoảng 800 nghìn tấn/năm (CTNH này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình). Trong khi đó, hiện cả nước có 83 doanh nghiệp, với 56 đại lý thu gom rác có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN và MT) cấp phép; khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trước sự gia tăng nhanh chóng của chất thải, công tác quản lý, xử lý trong thời gian qua ở nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường. Do vậy, việc quản lý và xử lý chất thải không an toàn, nhất là đối với CTNH, CTRSH đã để lại những hậu quả nặng nề về môi trường; gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng như các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi rác không hợp vệ sinh, lò đốt chất thải rắn, các bãi đổ chất thải của các nhà máy sản xuất…, nhất là hiện nay chưa có công nghệ xử lý chất thải rắn hoàn thiện, đạt được các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế - xã hội và môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam…

Cục trưởng Quản lý Chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN và MT) Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Tại Việt Nam, hiện đang áp dụng một số công nghệ xử lý CTRSH và CTNH như nhóm công nghệ lò đốt tĩnh hai cấp và lò quay; công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi-măng; công nghệ chôn lấp để xử lý chất thải; công nghệ tái chế chất thải... Trong đó, nhóm công nghệ lò đốt hai cấp (lò tĩnh, hoặc lò quay) là loại công nghệ được sử dụng phổ biến nhất để tiêu hủy các loại hóa chất thải phát sinh hiện nay đối với cả CTNH và CTRSH. Tính đến tháng 7-2015, Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) đã cấp phép cho 50 cơ sở xử lý CTNH có áp dụng công nghệ, với số lượng là 69 lò đốt tĩnh, có công suất từ 100 đến 200 kg/giờ. Ưu điểm của công nghệ lò đốt tĩnh hai cấp là công nghệ đơn giản, có sẵn (nhập khẩu hoặc chế tạo trong nước), chi phí đầu tư hợp lý, dễ vận hành, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, quy trình kiểm soát, vận hành còn thủ công, hoặc chưa tự động hóa cao, cho nên khó có thể đốt các CTNH đặc biệt độc hại như các chất có chứa ha-lo-gen, nhất là thường không đốt được, hoặc đốt không hiệu quả đối với các chất thải khó cháy và có độ kết dính cao như bùn thải.

Bên cạnh đó, hiện cả nước có khoảng 50 lò đốt CTRSH, nhưng đa số là các lò đốt công suất nhỏ (dưới 500kg/giờ). Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, nhiều lò đốt hiệu quả chưa cao, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ phát sinh khí đi-ô-xin, Fu-ran, là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chung quanh. Ngoài ra, công nghệ chôn lấp để xử lý chất thải cũng đang được triển khai và áp dụng tại các địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… với dung tích của mỗi hầm chôn lấp từ 10 nghìn đến 15 nghìn m3. Ưu điểm của các hầm chôn lấp CTNH có khả năng cô lập các CTNH chưa có khả năng xử lý bằng công nghệ khác, công suất lớn và giá thành rẻ so với nhiều phương pháp tiêu hủy khác như đốt. Hơn nữa, CTNH tương lai có thể đào lên để xử lý nếu có công nghệ xử lý phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn diện tích, CTNH không được xử lý triệt để, dẫn đến nguy cơ rò rỉ vẫn còn cho nên cần giám sát lâu dài sau khi đóng hầm…

Cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết thêm: Mặc dù các công nghệ xử lý CTNH hiện có của Việt Nam còn chưa thật sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại CTNH và thường có quy mô nhỏ, nhưng cũng đã từng bước đáp ứng được phần nào nhu cầu xử lý CTNH của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc thu gom chất thải, cho nên việc đầu tư quy mô lớn hiện chưa phát triển được, nhất là Việt Nam chưa có quy định cụ thể về chất thải, sản phẩm tái chế, dẫn đến việc kiểm soát các sản phẩm tái chế từ CTNH chưa được thực hiện một cách đồng bộ. Ngoài ra, một số công nghệ xử lý CTNH thành phần hữu cơ được nghiên cứu và áp dụng trong nước đã đáp ứng được tiêu chí hạn chế chôn lấp, nhưng việc hoàn thiện công nghệ và triển khai nhân rộng còn gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tính đồng bộ, hiện đại, mức độ tự động hóa của hệ thống thiết bị trong dây chuyền công nghệ chưa cao; các công nghệ xử lý CTR chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp…

Để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải trong thời gian tới, Bộ TN và MT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về CTNH, nhất là việc xây dựng các quy chuẩn quốc gia đối với từng công nghệ xử lý, tái chế CTNH nhằm tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc áp dụng các công nghệ xử lý, tái chế nêu trên. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để bảo đảm các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về các công nghệ xử lý, tái chế các loại CTNH đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đồng thời xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở khoa học cho việc triển khai công nghệ xử lý chất thải…

Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm lượng CTR chôn lấp; tăng cường tỷ lệ chế biến, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Triển khai xây dựng mô hình điểm áp dụng các công nghệ nghiên cứu, để lựa chọn các mô hình với công nghệ phù hợp, đạt được các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế - xã hội và môi trường, từ đó nhân rộng trên phạm vi toàn quốc...