Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu: Công nghệ giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu

NDO -

Ngày 23-4, trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được chụp qua màn hình trong phiên họp ngày 22-4 Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu toàn cầu. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được chụp qua màn hình trong phiên họp ngày 22-4 Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Mỹ mong muốn hợp tác với Nga phát triển công nghệ loại bỏ carbon dioxide

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do ông Biden chủ trì diễn ra trong hai ngày 22 và 23-4 nhằm tập hợp khát vọng của thế giới để giảm sự nóng lên toàn cầu. "Các quốc gia hợp tác cùng nhau để đầu tư vào một nền kinh tế sạch hơn sẽ mang đến những thành quả có lợi cho người dân của mình", Tổng thống Mỹ kêu gọi.

Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, đã công bố mục tiêu mới của Mỹ là giảm 50-52% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. "Những cam kết mà chúng tôi đã đưa ra phải trở thành hiện thực", ông Biden nói.

Ông Biden rất phấn khởi trước lời phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi thế giới hợp tác trong công nghệ tiên tiến để loại bỏ carbon dioxide và Mỹ mong muốn được hợp tác với Nga và các nước khác về công nghệ này.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Mỹ là cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới - gồm G7 và G20 - trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) của Liên hiệp quốc vào tháng 11 tại Scotland. COP26 sẽ là thời hạn cuối cùng để gần 200 quốc gia cập nhật các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định Paris.

Tại cuộc họp ngày 23-4, tỷ phú Bill Gates, một doanh nhân giàu có giờ trở thành người hoạt động từ thiện, cho biết, ông đang làm việc với các đối tác trong chương trình mang tên Chất xúc tác năng lượng đột phá nhằm huy động tiền từ các chính phủ, các nhà từ thiện và các công ty để đầu tư vốn nhằm giảm giá thành của công nghệ sạch.

Ông Bill Gates đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD để phát triển sản xuất và lưu trữ điện công nghệ cao. “Chúng tôi có thể xây dựng các ngành công nghiệp và công ty mới hỗ trợ các cộng đồng trên toàn thế giới có việc làm tốt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch”, ông nói.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu: Công nghệ giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu -0
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu trong phiên họp ngày 22-4. Ảnh: AP.

Thành lập Diễn đàn Nhà sản xuất không phát thải ròng

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, công nghệ sạch là "ánh sáng của thế hệ chúng ta" và Mỹ sẽ công bố các mục tiêu mới về "bước nhảy vọt trong công nghệ thế hệ tiếp theo", như thu giữ carbon, lưu trữ năng lượng và nhiên liệu công nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của các công nghệ loại bỏ carbon để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu, bà Granholm đã công bố quan hệ đối tác với Canada, Na Uy, Qatar và A-rập Xê-út khi thành lập Diễn đàn Nhà sản xuất Net Zero (không phát thải ròng).

Cũng trong ngày 23-4, các bên tham gia đã ra Tuyên bố chung về việc thành lập Diễn đàn nhằm mục đích phát triển "các chiến lược dài hạn để đạt được toàn cầu không phát thải ròng".

Theo đó, Canada, Na Uy, Qatar, A-rập Xê-út và Mỹ, đại diện cho 40% sản lượng dầu và khí đốt toàn cầu, sẽ cùng nhau thành lập một diễn đàn hợp tác để phát triển các chiến lược phát thải ròng thực dụng, bao gồm giảm thiểu khí mê-tan, thúc đẩy phương pháp tiếp cận nền kinh tế carbon, phát triển và triển khai các công nghệ thu giữ và lưu trữ năng lượng sạch và carbon… và các biện pháp khác phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của mỗi nước.

Bà Granholm cũng đã công bố hợp tác với Đan Mạch để giảm thiểu phát thải trong ngành vận tải biển toàn cầu.

Nhà trắng đã tìm cách bảo đảm với các quốc gia khác rằng họ có thể đáp ứng mục tiêu phát thải mới của Mỹ, ngay cả khi chính quyền mới tiếp quản, vì ngành công nghiệp Mỹ cũng đang hướng tới năng lượng sạch hơn, xe điện và nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden, cho biết: “Không một chính trị gia nào, cho dù họ có năng lực như thế nào đi chăng nữa, sẽ có thể thay đổi những gì thị trường đó đang làm”.

Ông Biden đã tìm cách kết nối các nỗ lực chống biến đổi khí hậu với các cơ hội tạo việc làm, đồng thời cho rằng hành động này sẽ tốt cho nền kinh tế, nhằm phản biện lại những lo ngại của Đảng Cộng hòa về việc chống biến đổi khí hậu có thể làm chậm tăng trưởng.

Gói cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của ông là một phần không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát thải mới của Mỹ, nhưng cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.