Góc cuối tuần

Chuyện người xưa giữ suối, giữ rừng

NDO -

NDĐT - Nhân loại sẽ không bao giờ quên hình ảnh những cơn sóng thần khổng lồ tràn đến, vùi dập những thành phố, làng mạc ven biển Nhật Bản năm 2011. Thảm họa kép động đất - sóng thần cướp đi sinh mạng khoảng 16 nghìn người. Nhưng trong thảm họa đó, vẫn có những ngôi làng thoát nạn, dù họ nằm ở ngay nơi có sóng thần đi qua.

Cơn lũ dữ vừa qua làm sập cầu ngòi Thia ở Yên Bái.
Cơn lũ dữ vừa qua làm sập cầu ngòi Thia ở Yên Bái.

Điển hình là ngôi làng ở khu vực Kyrgyzstan (TP Miyako, vùng Đông Bắc Nhật Bản). Đơn giản bởi người dân đã tuân thủ cảnh báo của người xưa, được khắc trên tấm bia đá cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Trên đất nước Mặt trời mọc, có hàng trăm tấm bia cảnh báo về sóng thần của người xưa để lại.

Cũng giống như người Nhật Bản xưa, mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam lại có cả kho tri thức về việc thích ứng với thiên nhiên.

Người Thái cư trú chủ yếu ở Tây Bắc Việt Nam. Từ xa xưa, người Thái đã có hệ thống luật tục ứng xử với rừng của bản, của mường. Mỗi bản, mường có rừng cửa hồn. Đồng bào coi đây là nơi chứa đựng hồn thiêng của bản mường. Cũng có nơi gọi đây là rừng thiêng. Người Thái có câu "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn". Khi qua đời, người ta được an táng trong rừng, gọi là rừng ma.

Với quan niệm phải giữ gìn nơi an nghỉ của tổ tiên, giữ gìn nơi che chắn cho đời sống tâm linh, chung quanh những bản, mường người Thái, những khu rừng tâm linh ấy luôn là rừng nguyên sinh, cây cao bóng cả, nhiều thú rừng, chim muông. Người Thái còn cho rằng mỗi nguồn nước đều có "chủ đầu nguồn". Chủ đầu nguồn thích trú ngụ ở những cây to lớn, rậm rạp. Nếu phá rừng, chủ đầu nguồn sẽ bỏ chạy, nguồn nước sẽ cạn khô. Người Thái còn có một số khu rừng cấm khác, chỉ được hái măng, săn bắn vào một số ngày nhất định trong năm.

Đồng bào dân tộc Dao cũng có rất nhiều câu chuyện về ma, về sự linh thiêng được gửi gắm trong rừng. Rừng thiêng là khu rừng thờ thần làng, tượng trưng cho linh hồn thiêng liêng của làng. Mỗi làng người Dao đều có một khu rừng thiêng, có miếu thờ thần làng. Người Dao có quy ước không vào rừng thiêng, không lấy củi, săn bắn, hái lượm ở rừng thiêng. Các nhánh người Dao cư trú ở nhiều vùng khác nhau, tuy tập tục có khác biệt nhưng đồng bào đều có rừng cấm đầu nguồn. Khu rừng cấm đầu nguồn là nơi thờ thần cai quản cho cả vùng, và cũng được cộng đồng quản lý nghiêm ngặt.

Ở nhiều làng người Dao đỏ còn giữ được cuốn sách cổ gọi là hướng dẫn các nghi lễ cúng rừng, các phép thuật, nghi thức bảo vệ rừng. Trong đó có nhiều nghi lễ mở cửa rừng, khai mạch nước, làm phép cầu mong cho rừng có nhiều cây to xanh tốt, dạy cách bảo vệ cây non, bảo vệ hoa rừng, làm phép cho rừng phát triển...

Đã có một thời, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số bị coi là "lạc hậu". Nhưng quá trình nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều điều. Những kiến thức khoa học là điều còn xa lạ với đồng bào. Song, trải qua nhiều thế hệ, đồng bào đã học được cách thích nghi với môi trường tự nhiên, để có cuộc sống vững bền. Bóc đi cái lớp vỏ có vẻ "mê tín, dị đoan", là những cách ứng xử hết sức khoa học. Các dân tộc Tây Nguyên xưa kia cũng có những quy định chặt chẽ về bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú. Đọc lại Luật tục Ê-đê, có cảm giác như đang đọc các tư liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường ngày nay: "...Cây bờ suối không được chặt trụi. Cây đầu nguồn không nên chặt phá. Mất cây rừng sẽ gây hạn hán. Mất cây rừng sẽ gây lũ lụt…".

Nhà dân tộc học Cầm Trọng là người con xứ Thái ở Tây Bắc, trong một gia đình quý tộc. Sau này, ông trở lại nghiên cứu chính văn hóa của mình. Khi nhà dân tộc học Cầm Trọng còn sống, tôi từng có dịp trò chuyện với ông. Ông đã giải thích về tập tục giữ rừng thế này: Tri thức của người Thái về ứng xử với môi trường luôn được những người có uy tín nắm giữ. Sở dĩ người xưa "mã hóa" tri thức ấy thành các nghi thức thiêng vì điều kiện dân trí còn thấp. "Thiêng hóa" là cách đơn giản nhất để người dân bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sông suối. Vì thế, quanh bản mường người Thái, rừng luôn xanh tốt, nước suối trong lành.

Chúng ta còn nhớ rằng, cách đây chưa phải là xa lắm, chỉ vài chục năm về trước. Mỗi khi có mưa bão, nơi bị thiệt hại nặng nhất thường là vùng ven biển. Miền núi hiếm khi xảy ra những đợt lũ lớn, sạt lở đất nghiêm trọng. Câu chuyện đang có chiều hướng ngược lại. Mà điển hình là đợt mưa lũ vừa qua. Những tỉnh miền núi phía bắc, những huyện miền núi của các tỉnh miền trung, lại là nơi thiệt hại nhiều hơn cả. Nhìn dòng lũ quét đi sinh mạng, tài sản tính mạng của bao người mà không ai có thể cầm lòng.

Nhưng cùng với thiên tai, còn có "nhân tai". Chúng ta "lên rừng" với tâm thế khác so với đồng bào miền núi - những người sinh ra từ rừng. Những dự án thủy điện, những dự án khai thác mỏ vùng này, quặng vùng kia cứ liên tục được vẽ ra. Chúng ta quá chú trọng với những con số tăng trưởng, mà quên mất kinh nghiệm đồng bào các dân tộc đã tích lũy qua bao đời sinh sống. Rừng cứ thế mất đi. Đồng hành với nó là lũ ngày một hung dữ hơn.

Nhìn cảnh tang thương của mưa lũ, chợt thấy rằng, nếu chúng ta tôn trọng hơn tri thức, văn hóa bản địa, nhất là trong ứng xử với môi trường, hẳn câu chuyện đã rẽ sang hướng khác...