Uống trà với nàng Hương

Tôi đã nhúng mấy ngón tay xuống mặt nước sông Hương vào lúc năm giờ sáng.

Cả dòng sông còn chìm trong bóng tối, thẫm mầu. Trừ một vài chấm sáng ở tít phía xa, có lẽ là ánh đèn của một nhà hàng mở sớm nào đó phía trên bờ hắt xuống mặt nước, còn thì cả dòng nước uốn cong cong đều được bao phủ bằng một mầu chì đen thẫm.

Minh họa: Đào Hải Phong
Minh họa: Đào Hải Phong

Dòng sông yên tĩnh. Chưa khi nào tôi bắt gặp một dòng sông nào yên tĩnh như sông Hương. Không biết ở những đoạn sông khác thì sao, nhưng ở đây, không ghềnh thác, không có cả tiếng sóng. Dòng sông phẳng lặng như không hề chảy, gần như một mặt hồ, mịn màng. Tôi đến sớm để chờ hai cô gái, hai trà nương của quán trà Di Nhiên trà thất. Họ sẽ thực hiện nghi lễ dâng trà cho dòng sông, một sự tiếp nối tục lệ tuyệt đẹp có trong truyền thuyết về việc người xưa ngày ngày dâng trà, hoa cho thần sông với nguyện ước dòng sông mãi thanh sạch, thơm ngát. Thật là một ước nguyện đẹp đẽ. Và nó đẹp đẽ hơn khi đến tận hôm nay vẫn có những người yêu dòng sông đến thế, và tự hào về nó, và ước ao được gìn giữ nó như vốn có từ thuở khai thiên lập địa.

Hai trà nương cuối cùng cũng đến. Không phải họ đến muộn, mà do tôi sốt ruột nên đến sớm. Buổi sáng ở Huế trời khá lạnh. Mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng vẫn thấy cái lạnh trong suốt đang ngấm vào cơ thể. Hai cô gái bày biện ấm, chén, tống, phích, trà… trên một khay làm từ gỗ lũa, lại đặt tất cả trên một tấm vải có họa tiết rất đẹp, mà sau thì tôi nhận ra đó là tấm khăn quàng của Quỳnh, tên một trong hai cô gái. Cô còn lại tên Trang. Quỳnh và Trang bắt đầu pha trà. Vừa pha họ vừa nói về nghệ thuật pha trà của người Huế. Cả hai đều còn rất trẻ. Mới tốt nghiệp đại học. Nhưng vì một chữ duyên nào đó, cuối cùng họ đã bị niềm say mê trà lôi cuốn.

Quỳnh nói giọng Huế, Trang - khá bất ngờ - nói giọng bắc. Hóa ra Trang từ Hải Dương vào Huế học đại học và tốt nghiệp thì ở lại. Giọng Trang khiến tôi thấy mình bớt lạc lõng khi đã sang ngày thứ hai ở Huế, tôi luôn phải cố gắng nghe, hiểu cho bằng hết những câu, những chữ từ giọng Huế. Còn Quỳnh khiến tôi tin rằng mình đang ở Huế thật. Quỳnh nói, cùng một loại trà, nhưng mỗi người pha sẽ mang đến một hương - vị khác nhau. Chẳng có gì bí hiểm ở đây cả, đơn giản chỉ là mỗi trà nương sẽ pha trà theo thói quen, mà thói quen ấy được hình thành từ cảm nhận của chính bản thân, rằng thế nào là một chén trà ngon. Từ thói quen ấy mà liên quan đến lượng trà cho vào ấm, nhiệt độ của nước khi pha, thời gian để trà ngấm… Tất nhiên, các công đoạn pha trà luôn có một quy tắc chung nhất định.

Trong lúc Quỳnh chuẩn bị ấm chén thì Trang thận trọng bóc một bông sen. Bên trong bông sen ấy, lẫn với nhụy sen là một phần trà. Tôi đã từng ngồi cả buổi xem người ta gói trà vào những bông sen Hồ Tây. Đấy là cách ướp để giữ được vẹn nguyên nhất hương sen cho trà. Trà ướp sen từ lúc mùa đang rộ, bảo quản lạnh, nên khi bóc để lấy trà những cánh sen buộc phải rã ra. Nhưng mầu hồng của cánh sen thì vẫn còn nguyên và bông sen thì tỏa hương rạng rỡ như vừa được nở ra trên đầm lầy. Quỳnh pha trà một cách thuần thục và cẩn trọng. Không một giọt nước rớt ra ngoài. Tiếng nước rót vào tống, vào ấm, ra chén khi thanh, khi đậm. Đều căn cứ vào trực giác của Quỳnh.

Mặt trời bắt đầu nhô lên ở phía đông, tức là từ phía cuối của dòng sông, thì trà được pha xong. Một mặt trời đỏ ối và có lẽ do vị trí của chúng tôi đang đứng đã khiến tôi thấy ông ấy nhô lên từ mặt nước. Trong đời tôi mới chỉ nhìn thấy mặt trời nhô lên từ biển, hoặc từ sau những ngọn núi, chứ chưa bao giờ thấy mặt trời nhô lên từ sông. Trông như thể sông đang chảy thẳng về phía mặt trời. Thật là kỳ lạ. Trong ánh sáng mầu hồng kỳ ảo ấy, Quỳnh dâng một chén trà lên ngang mặt, nhắm mắt cầu nguyện trước khi chậm rãi rót xuống mặt nước tĩnh lặng. Về sau Quỳnh nói, em nguyện cầu cho dòng sông luôn thanh sạch, cho cuộc sống của những người sống bên dòng sông được yên bình, hạnh phúc. Em cũng nguyện cầu cho bản thân được mãn nguyện, như ý trong cuộc sống.

Chúng tôi ngồi thưởng trà bên sông sau nghi lễ mà Quỳnh thực hiện. Chỉ ít phút thôi, mặt trời đã biến mất. Sương mù từ đâu đó ùa tới một cách đột ngột khiến tất cả ngồi lặng đi, kinh ngạc. Quỳnh thốt lên: Chị nhìn kìa, sương đang bò về phía mình. Đúng như Quỳnh nói, sương như khói, lăn tăn cuộn tròn và đang lăn từ bờ nam sang phía chúng tôi ngồi. Mặt sông biến mất trong phút chốc. Tất cả chỉ là một khối đặc quánh, mờ mịt, kỳ ảo như không thể nào có thật. Mà vẫn chưa hết, từ trong sương mờ ấy, một con thuyền rồng từ từ hiện ra. Ngoại trừ tiếng máy của nó khiến tôi tin rằng nó có thật, còn thì sự vắng lặng trống rỗng với cái mũi thuyền cong cong vẽ hình đầu rồng chỉ có thể tạo ra một cảm giác gì giống như là ảo giác. Vào cái giờ đấy thì chẳng có du khách nào đi chơi trên sông cả. Chiếc thuyền từ từ trôi qua trước mặt chúng tôi và để lại những lớp sóng sương mù lăn tăn. Nó đã đi xuyên qua lớp sương giống như thể không chạm vào nước.

Tôi không nhớ là khoảng bao lâu thì sương tan và mặt trời xuất hiện trở lại. Nhưng bây giờ ông ấy không đỏ rực nữa, mà trắng như một viên ngọc. Tôi nghĩ rằng, cho dù trí tưởng tượng của mình có phong phú đến đâu đi nữa thì cũng không thể nào hình dung ra mặt trời có lúc lại trắng như một viên ngọc. Viên ngọc ấy đã nhô hẳn lên mặt nước theo sự xoay chuyển của địa cầu, còn tôi thì vẫn ngồi yên bên dòng sông và để cho hương trà sen vấn vít không thể nào đứng dậy nổi.

Sông Hương, rốt cuộc đã giữ chân tôi bằng chính vẻ đẹp bất biến đầy bí hiểm của nàng ấy, hay là vì cái cách người ta sống chung với nàng ấy qua nhiều thế kỷ mà vẫn vẹn nguyên niềm yêu mến quấn quýt với nhau? Thật sự là tôi không thể trả lời được.