Thêm “vị” cho phim Việt

Từ 24 đến 28-11-2017, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX sẽ diễn ra tại thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Nhìn vào danh sách 16 phim truyện điện ảnh vượt qua vòng thẩm định của Hội đồng tuyển chọn để lọt vào danh sách tranh giải, khán giả dễ dàng nhận thấy “quốc tế hóa” đoàn làm phim đang trở thành một xu hướng được phần lớn nhà sản xuất trong nước lựa chọn, khi đông đảo những cái tên lạ, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ồ ạt xuất hiện trong hầu hết các vị trí quan trọng nhất trên generique, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đến giám đốc hình ảnh, thiết kế mỹ thuật, sáng tác nhạc phim...

Cô hầu gái, bộ phim có tới một nửa ê-kip là người nước ngoài.
Cô hầu gái, bộ phim có tới một nửa ê-kip là người nước ngoài.

Anh tài hội tụ

Nếu vài năm trở lại đây, Ban tổ chức giải thưởng thường niên Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam vẫn kiên quyết nói “không” với phim làm lại (remake) thì cánh cửa bước vào Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần này đã chính thức mở rộng với những tác phẩm điện ảnh lấy hồn cốt từ một kịch bản hoặc được khơi gợi cảm hứng từ một phim nước ngoài như Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ kịch bản 200 pounds beauty của Hàn Quốc) hay Bạn gái tôi là sếp (làm lại từ kịch bản ATM: Er Rak Erro của Thái - lan). Theo quy định của Ban tổ chức, nếu vượt qua sự sàng lọc của Hội đồng tuyển chọn, phim tranh giải sẽ được xét các giải thưởng dành cho cá nhân (trừ giải cho biên kịch và giải cho phim). Một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, trên cơ sở bắt nhịp đời sống thực tế của điện ảnh nước nhà thời gian gần đây. Bởi đặt làn sóng các nghệ sĩ nước ngoài - những người đang thổi một hương vị độc đáo, khác biệt và một sắc màu chuyên nghiệp, đa diện, hấp dẫn cho những tác phẩm dán nhãn “made in Vietnam” - bên lề đời sống điện ảnh là một cách nhìn nhận thiếu công bằng.

Dăm năm trở lại đây, những đạo diễn Việt kiều tài năng và say nghề đã đem lại một sắc vóc, diện mạo khác lạ cho phim Việt. Có cảm giác “sân nhà” đã được chuyển giao phần lớn cho các tên tuổi nghệ sĩ điện ảnh gốc Việt như Dustin Nguyễn, Hàm Trần, Victor Vũ, Charlie Trực Nguyễn, Derek Nguyễn, Jame Ngô... Nhiều người trong số đó đã trở thành “đạo diễn triệu đô”, với những bộ phim thay nhau xô đổ kỷ lục phòng vé. Nhiều người đã trở thành con dấu bảo chứng cho một tác phẩm chất lượng và chắc chắn ăn khách. Những đạo diễn gốc Việt đó đa phần được đào tạo, học hỏi từ những ngành công nghiệp điện ảnh lớn đã mang theo phong cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản cùng một ê-kíp hiểu việc, say nghề, sáng tạo ăn ý vào những dự án phim Việt của chính mình. Nhờ thế, khán giả mới có cơ hội xem những khuôn hình đẹp của giám đốc hình ảnh (D.O.P) Garry Weller (Bao giờ có yêu nhau), Sam Chase (Cô hầu gái)... Mới được thưởng thức phần nhạc phim tuyệt vời của các nhạc sĩ Seth Tsui (12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy), Christopher Wong (Bao giờ có yêu nhau, Em chưa 18), Lee Dong June (Cha cõng con), Jerome Leroy (Cô hầu gái)... Và chiêm ngưỡng phần thiết kế mỹ thuật của hoạ sĩ Jose Mari Pamituan (Sắc đẹp ngàn cân, Cô hầu gái)... Đó là chưa kể tới dàn diễn viên Việt kiều, ngoại quốc với diễn xuất sinh động, chân thực đã mang lại mảng màu đa sắc cho những bộ phim giải trí nhẹ nhàng như Jun Vũ (Cho em gần anh thêm chút nữa), Jean Michel Richaud, Rosie Feller, Svetlan Kovalenko (Cô hầu gái), Kaity Nguyễn, Kathy Uyên (Em chưa 18), Bryan Trần (Sài Gòn, anh yêu em)...

Thêm “vị” cho phim Việt ảnh 1

Phần âm nhạc của nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong June mang lại cho phim Cha cõng con sắc màu lạ lẫm thú vị.

Những đối thủ đáng gờm

Là sản phẩm văn hóa, nhưng cũng như nhiều ngành kinh doanh khác, điện ảnh cũng rất cần xúc tiến đầu tư thương mại, hợp tác trao đổi nhân lực và kỹ thuật để có được những tác phẩm chất lượng cao, không chỉ đặt đích chinh phục khán giả trong nước mà còn phải vươn ra ngoài biên giới. Một dự án phim hiện nay thường có vài ba, thậm chí cả chục cổ đông hùn vốn. Gu thưởng thức cũng như yêu cầu khán giả ngày càng cao khiến nhà sản xuất phải đặt chất lượng phim lên cao nhất, nếu muốn chạy đường dài. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng thừa thãi rủi ro khiến nhà đầu tư phải tính toán thật kỹ càng. Và sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực làm phim chất lượng cao, chuyên nghiệp trong nước đã khiến họ phải đặt lòng tin vào những “ngoại binh thiện chiến”, như một lựa chọn tối ưu.

Đã đúc kết thành một công thức, ê-kíp chuyên nghiệp trong nước cộng với nhân sự giàu kinh nghiệm của nước ngoài sẽ bảo đảm tới 90% thành công của dự án. Vì thế, Tấm Cám - chuyện bây giờ mới kể “chấm” biên kịch - đạo diễn người Mỹ Aeron Toronto, Truy sát mời bằng được Trung Lý - chuyên gia chỉ đạo võ thuật xuất sắc của điện ảnh Australia cùng Ross Clarson - nhà quay phim với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Mỹ và Hongkong. Vệ sĩ Sài Gòn xuất hiện đạo diễn người Nhật Bản Ken Ochiai và nhà sản xuất Niv Fitchman. Ống kính của nhà quay phim Mỹ Dominic Pereira đã thổi phong cách Hollywood vào từng khuôn hình của Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để Mai tính. Chuyên gia dựng phim Folmer M. Wiesinger mang lại nhịp điệu ấn tượng cho Cánh đồng bất tận. Chuyện của Pao không thể tái hiện một Hà Giang đẹp mê hoặc đến thế, nếu thiếu đi ống kính của quay phim người Australia Coordelia Beresfort. Không thể không nhắc tới hàng loạt diễn viên nổi tiếng đã, đang và sẽ xuất hiện trong phim Việt như Roger Yuan (Lửa Phật), Gary Daniels (Quyên), Mã Đức Chung (Tình không biên giới) hay Mike Tyson, Trương Quân Ninh, Tiết Khả Kỳ, Trần Y Hàm trong Girl 2: Những cô gái và gangster...

Thêm “vị” cho phim Việt ảnh 2

Ống kinh của nhà quay phim Christopher Wong mang lại những khuôn hình đẹp như mơ cho phim Bao giờ có yêu nhau.

Không chỉ mang lại sự khởi sắc cho điện ảnh thương mại, sự góp mặt của họ đã truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ cho các đồng nghiệp nội địa. Nói như một nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, “Tiêu chuẩn chất lượng trong phim của họ là cái đích mà nghệ sĩ Việt hướng đến. Và sự hợp tác - với các “ngoại binh” sẽ dần đưa điện ảnh nước nhà tiệm cận quỹ đạo phát triển chung của điện ảnh thế giới”. Dưới góc nhìn của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “nhân lực nước ngoài đang tiếp sức cho chúng ta trên hành trình cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại, mang lại cho ta cơ hội học hỏi, cọ xát. Mặt tích cực nhất, họ buộc đội ngũ nghệ sĩ trong nước không còn có thể bình chân như vại. Liên tục học hỏi, nâng cao tay nghề cũng như cung cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản là con đường duy nhất nâng cao tính cạnh tranh nghề nghiệp. Nếu tụt lại, cơ hội làm nghề của lực lượng làm phim nội địa sẽ ngày càng bị thu hẹp”. Trong thực tế, theo như tiết lộ của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Bá Vũ thì thù lao cho nghệ sĩ nước ngoài không hề tốn kém như số đông thường mặc định, thậm chí có khi cũng chỉ ngang với ê-kíp Việt bởi họ thường lấy đam mê sáng tạo làm chuẩn mực cho quan hệ hợp tác. Thêm một động lực để đội ngũ “nội binh” vốn hay bị kêu ca “vừa thiếu vừa yếu” phải nhanh chóng thay đổi tư duy, nếu không muốn sớm bị đào thải.

Một diện mạo mới, một hơi thở mới, một sinh khí mới - đó là những gì mà các nghệ sĩ nước ngoài đang mang lại cho điện ảnh Việt. Một tín hiệu đầy lạc quan, cho công chúng luôn dành tình yêu cho phim ảnh trong nước.

“Ngoại binh” cũng đã được ghi nhận, bằng những giải thưởng cá nhân tại những ngày hội điện ảnh trong nước. Quay phim người Australia Coordelia Beresfort nhận giải Quay phim xuất sắc tại Cánh diều 2005. Còn Christopher Wong, cái tên quen thuộc với phần âm nhạc cho hàng loạt phim ăn khách như Dòng máu anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Gái già lắm chiêu... nhận giải Nhạc sĩ xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ XV.