Nội lực mới cho mỹ thuật Việt Nam

Tranh giả, tranh bị mạo danh tác giả, sáng tác thì ít mà tiếp thị thì nhiều, nghệ sĩ mà như chủ doanh nghiệp với đủ mánh lới chào mời khách mua tranh... Mỹ thuật Việt Nam gần đây được đề cập trên truyền thông chính thống và truyền thông xã hội theo những khía cạnh nhuốm màu tiêu cực. Đó là mặt trái đương nhiên của một lĩnh vực nghệ thuật đang tự tìm cách vận hành theo mô hình thị trường. Nhưng ẩn sâu bên dưới bề mặt ấy, luôn tồn tại sự vận động mạnh mẽ của rất nhiều nguồn lực lớn nhỏ, trong đó đáng kể là sự chiếm ưu thế của các nguồn nội lực, hé mở nhiều hy vọng tốt đẹp hơn cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

 A.Farm có không gian trưng bày ngoài trời rộng thoáng, nơi nghệ sĩ và công chúng có thể vừa thưởng ngoạn vừa chơi đùa cùng nghệ thuật đương đại (Ảnh do A.Farm cung cấp).
A.Farm có không gian trưng bày ngoài trời rộng thoáng, nơi nghệ sĩ và công chúng có thể vừa thưởng ngoạn vừa chơi đùa cùng nghệ thuật đương đại (Ảnh do A.Farm cung cấp).

Liên kết hỗ trợ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam

Cuối năm 2013, Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật là văn bản dưới luật quan trọng nhất chính thức công nhận sự hiện diện của các hình thức nghệ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật video, nghệ thuật đa phương tiện trong đời sống mỹ thuật ở Việt Nam với các quy định cụ thể hơn về chế tài kiểm duyệt, xin phép triển lãm.

Sự cởi mở và tiến bộ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nói trên là tín hiệu tích cực, gián tiếp khuyến khích những nguồn lực trong nước tiếp tục hỗ trợ cho các hình thức nghệ thuật này. Tháng 6-2018, mô hình lưu trú nghệ thuật A.Farm được ra mắt công chúng, ngụ tại một khu nhà máy cũ ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh, do ba đơn vị hợp tác thực hiện: Mot plus, Nguyễn Art Foundation và Sàn Art. Cả ba đều thuộc sở hữu của một số cá nhân người Việt Nam, hoặc là nghệ sĩ, hoặc đã từng thầm lặng sưu tập nghệ thuật đương đại Việt Nam và tiếp tục muốn cổ vũ, khuyến khích các tiềm năng sáng tạo của Việt Nam mạnh dạn tiếp bước các thế hệ đi trước.

A.Farm có chương trình lưu trú lâu dài tới sáu tháng liên tục tại trụ sở, mỗi kỳ bao gồm hai nghệ sĩ Việt Nam và một nghệ sĩ trong khu vực Đông - Nam Á. Nghệ sĩ được tài trợ tiền làm tác phẩm lên đến 850 USD, tiền phụ cấp sinh hoạt 180 USD và phụ cấp đi lại tối đa 220 USD. Bên cạnh đó là hàng loạt các sự kiện khác như lưu trú ngắn hạn, mở xưởng, triển lãm nhằm liên kết nghệ sĩ trong khu vực và trên thế giới tại A.Farm, thêm cơ hội để Việt Nam thành một điểm đến của nghệ thuật đương đại trong tương lai.

Mot plus còn có những hoạt động riêng đáng chú ý như liên kết với các không gian, tụ điểm cà-phê trong thành phổ để tổ chức trưng bày tác phẩm cho nghệ sĩ mới trong mạng lưới mở của mình, đem lại các cơ hội cho nghệ sĩ trẻ và công chúng rộng rãi tiếp cận nhau. Địa chỉ này cũng có các chương trình nghệ thuật đương đại riêng cho các nghệ sĩ, mà gần đây nhất sáu tháng (từ tháng 3 đến tháng 9-2018) dành riêng cho nghệ thuật trình diễn với các sự kiện, chương trình lưu trú cho nghệ sĩ trình diễn đến từ Hà Lan, Mông Cổ, Thái Lan, Việt Nam. Sàn Art tiếp tục có các khóa hỗ trợ đào tạo giám tuyển (curator) trong nước. Nguyễn Art Foundation vẫn lặng lẽ đầu tư sưu tập nghệ thuật đương đại trong nước để gây dựng một bảo tàng...

Cùng với sự xuất hiện của các nguồn hỗ trợ cá nhân từ trong nước, điều đáng vui mừng là một số hình thức sáng tác như video art, nghệ thuật đa phương tiện lần đầu tiên được góp mặt trong một dự án nghệ thuật quan trọng tại tòa nhà Quốc hội. Dự án này đang ở giai đoạn hoàn thiện việc lắp đặt tác phẩm và các thủ tục hành chính khác trước khi mở rộng cửa đón khách. Đây cũng là kết quả của một nỗ lực kết nối rất nhiều phía, từ trung ương đến Hà Nội, trong đó phải nhấn mạnh đến sự cởi mở, thay đổi tư duy tiếp cận với nghệ thuật của giới chức lãnh đạo đất nước. Chắc chắn, đây sẽ là những cú hích mới, thúc đẩy sự lan tỏa và làm phong phú hơn đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Nội lực mới cho mỹ thuật Việt Nam ảnh 1

Thuyết trình và bình luận về sáng tác mới trong một chương trình Nghệ sĩ cư trú ở Sàn Art Lab (ảnh do Sàn Art cung cấp).

Đầu tư xuất bản sách về mỹ thuật Việt

Kể từ khi ông Tira Vanichtheeranont, một nhà buôn tranh và đồ cổ người Thái Lan đầu tư tiền làm sách về một phần sưu tập của ông, Những tác phẩm quan trọng và vô giá của nghệ thuật Việt Nam hiện đại (2010), giới buôn bán tranh Việt Nam như được đánh thức bởi một tiềm năng tiếp thị khác từ việc làm sách liên quan đến sưu tập hoặc tác giả mà họ sở hữu. Một loạt sách tiếp theo do ông Tira Vanichtheeranont đầu tư như về các ký họa của Tô Ngọc Vân, tranh của các họa sĩ Tôn Đức Lượng, Nguyễn Thụ... đã tạo ra một hiệu ứng tích cực trong giới mộ điệu mỹ thuật Việt Nam, bất luận mục đích làm sách là như thế nào bởi trước hết, họ có được những ấn phẩm giá trị về mặt tư liệu. Từ năm 2015 trở lại đây, ngày càng có nhiều cá nhân người Việt đầu tư cho việc xuất bản này. Sách chỉ giới hạn về sưu tập của họ cũng có, sách về một giai đoạn hội họa có liên quan đến sưu tập của họ cũng có, sách chuyên khảo về từng tác giả cũng có. Không chỉ dừng lại là sách phiên bản tiếng Việt, đã xuất hiện những giao dịch tiềm năng cho việc một số tư nhân sẽ đầu tư xuất bản sách bằng tiếng Anh, đưa ra thế giới một cách hệ thống và bài bản hơn các thông tin về mỹ thuật Việt Nam do chính người Việt Nam viết, trước tiên là thông tin một cách chuyên sâu và có hệ thống về thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương - bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Cần phải nói thêm là do hạn chế về ngoại ngữ và chi phí, cho đến nay, hầu hết sách, tài liệu chuyên khảo về mỹ thuật Việt Nam đều dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt, nếu có bản tiếng Anh thì thường ở định dạng song ngữ và không kết nối được với hệ thống phát hành sách quốc tế. Trong khi đó, ở bên ngoài Việt Nam, dữ liệu về nghệ thuật Việt Nam bắt buộc sử dụng tiếng Anh nên thường rất ít ỏi và hầu hết do người nước ngoài viết. Rõ ràng, đây là một bất lợi cho một nền mỹ thuật giàu có như Việt Nam trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới lâu nay, bởi chúng ta chưa đưa ra được những cái nhìn từ bên trong, tường tận, và sâu sắc về nền mỹ thuật của đất nước để làm cân bằng lại với những cái nhìn từ bên ngoài của người ngoài.

Hướng tới mô hình kinh doanh bài bản

Sau những ồn ào của nhiều sự việc tranh giả - tranh thật trong kinh doanh mỹ thuật ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay, sự xuất hiện của các nhà đấu giá ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng đem đến hy vọng về sự minh bạch cho thị trường manh nha này ở Việt Nam, khuyến khích ngày càng nhiều hơn người Việt đầu tư dài hạn cho nền mỹ thuật của nước nhà và thu về lợi nhuận cho chính mình. Trong quá trình vận hành, rõ ràng là có một sự thanh lọc về tư duy kinh doanh. Những cách làm manh mún, chụp giật sẽ bị đào thải trước sức ép của dư luận xã hội. Gần đây, việc Nhà đấu giá Chọn (Hà Nội) buộc phải lên tiếng xin lỗi các bên liên quan về những sai lầm gần đây trong công việc thẩm định tranh của họ cho thấy rằng, nhà đấu giá này đã thấm thía tác động nhanh chóng của những tiêu cực trong kinh doanh mà do vô tình hay hữu ý, họ tự gây ra. Đây chính là tín hiệu cho thấy bước chuyển mình của một mô hình kinh doanh mỹ thuật bài bản hơn do chính người Việt đầu tư cho hiện tại và tương lai của mỹ thuật nước nhà.

Như vậy, nhìn trên một bình diện phổ quát hơn, dễ dàng nhận ra sự nhập cuộc ngày càng mạnh mẽ của các nguồn nội lực dành cho tất cả các khía cạnh quan trọng vận hành nên một đời sống mỹ thuật giàu có truyền thống và tiềm năng phát triển. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nào.

Hy vọng rằng, sự đầu tư được mong đợi này sẽ sớm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng lên một bước mới, khuyến khích nghệ sĩ đóng góp, cống hiến những giá trị sáng tạo mới mẻ cho công chúng trong nước cũng như đưa ra thế giới bảng màu tươi mới của một Việt Nam đương đại giàu sức sống.