Nghệ sĩ tre nứa

Trong các liên hoan nghệ thuật toàn quốc, dàn nhạc tre nứa đến từ Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của khán thính giả. Những thanh âm, hình ảnh mộc mạc mà tràn đầy sinh lực đại ngàn.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường với cây đàn VioKram.
Nghệ sĩ Nguyễn Trường với cây đàn VioKram.

Đã nhiều lần Cục Nghệ thuật biểu diễn chọn Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk (ĐCMDTĐL) làm “đại sứ” văn hóa, đem... tre đi gõ xứ người. Với hàng chục loại nhạc cụ độc đáo tự chế tác thủ công từ nguyên vật liệu thô sơ, những nghệ sĩ da nâu cứ đóng khố chân trần mà hồn nhiên đưa khán giả về với cội nguồn, qua các tiết mục nồng nàn khí chất yêu đời của người miền núi.

Góp phần xây dựng “thương hiệu tre nứa” cho ĐCMDTĐL, nhiều nghệ sĩ (NS) đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chế tác, sáng tạo nhạc cụ bản địa. Gần 40 năm trước, ĐCMDTĐL đã lập tổ KPVAT (tên viết tắt cụm từ “Khai thác-Phát triển vốn Âm nhạc truyền thống”) để tạo điều kiện cho một số NS chuyên tâm nghiên cứu. Nòng cốt của nhóm, gồm các NS Vũ Lân, Nguyễn Trường, Trương Ân... do nhạc sĩ Niê Sơn làm Tổ trưởng. Nhiều chuyên gia đánh giá trong số nhạc cụ được tổ KPVAT chế tác, đặc sắc, nổi bật là cây đàn vỗ Đing Pah của nhạc sĩ Niê Sơn, và Đing Cing Kram (chiêng tre) cùng cây sáo vỗ không lỗ nổi tiếng của nhạc sĩ, NSƯT Vũ Lân. Các loại nhạc cụ này đều gọn nhẹ, tiện dụng, được giới trẻ yêu chuộng, dễ phổ biến.

Giai đoạn 1995 - 2000 được xem là thời kỳ vàng son của ĐCMDTĐL, với nhiều tài năng nổi bật, hàng loạt giải thưởng, huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Có lần Đoàn được Bộ Văn hóa - Thông tin chọn đại diện Việt Nam dự liên hoan Xylophone quốc tế tại Thái Lan, sang Cộng hòa Madagascar biểu diễn, rồi dự Festival âm nhạc khối cộng đồng Pháp ngữ ở Paris, du diễn gần một tháng rưỡi, tới đâu cũng được chào đón, hoan nghênh nồng nhiệt.

Trò chuyện với tôi, NSND Y San Alio - người kế tục vị trí Trưởng ĐCMDTĐL từ NS Vũ Lân - tâm tình: “Nhiều nghệ sĩ biết ơn NSƯT Vũ Lân vì ông đã sáng tạo ra cây sáo vỗ cực kỳ gọn nhẹ, độc đáo và hoàn hảo, tạo cơ hội cho anh em sử dụng thành danh. Ông cũng định hướng đúng về việc Đoàn nên đầu tư chuyên sâu về nhạc cụ dân tộc và tận tình dìu dắt. Dù mình đã về hưu nhưng ông vẫn là vị thầy đáng kính. Mong các lãnh đạo tiếp theo của Đoàn không ngừng phát huy truyền thống đó”.

Tinh anh và bận rộn ở tuổi 75, NSƯT Vũ Lân tới nay vẫn liên tục tham gia các khóa hướng dẫn thế hệ trẻ chế tác nhạc cụ dân tộc, làm giám khảo những cuộc thi sáng tác ca khúc, trình diễn dân ca, dân vũ.

“Sô diễn cuộc đời”

Trong số những người tâm huyết được NSƯT Vũ Lân, NSND Y San Alio nhắc tới, có hai anh em Nguyễn Trường - Nguyễn Đức. Tôi trò chuyện với hai ông, nhận ra dòng đời dù huyên náo, vui buồn tới đâu cũng chẳng lay chuyển được niềm say mê nghiên cứu, chế tác nhạc cụ núi rừng của đôi nghệ sĩ  “phải lòng tre nứa” này.

Mùa Tết. Hoa xuân rực rỡ giăng đầy phố phường. Góc sân nhỏ trước nhà ông anh Nguyễn Trường và gian xưởng dưới tán cây rợp mát nhà ông em Nguyễn Đức đều ngổn ngang tre nứa, quả bầu khô. Tới lúc nào, tôi cũng thấy chủ nhân cặm cụi đục đẽo, trau chuốt, tiếng gõ giòn giã, tiếng thổi chỉnh âm ò e vang lừng. May mắn, là ông nào cũng được vợ con thuận thảo ủng hộ. “Ổng mê tre, dù sao cũng tốt hơn mê nhiều thứ khác. Thỉnh thoảng, ổng “lặn” mất mấy ngày. Mình chẳng lo vì biết ổng chỉ về buôn làng hỏi han ghi chép, hay lội vào rừng sâu tìm nguyên vật liệu làm đàn thôi”, vợ ông Nguyễn Đức tủm tỉm cười, chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành sáo trúc Trường Quốc gia âm nhạc Huế, NS Nguyễn Đức làm cán bộ văn hóa qua nhiều cơ quan khác nhau. Sau hơn chục năm cộng tác với ĐCMDTĐL, NS Nguyễn Đức đã phục chế thành công các nhạc cụ  thổi hơi gần như thất truyền của người M’Nông, như Wao, M’Blodit, M’ blodơng, Lôt N’hum... tặng Bảo tàng Đắk Lắk.

NS Nguyễn Đức còn cải tiến thành công đàn Cing Kram, mở rộng từ âm vực thấp  tiếng trầm âm u thành dàn Cing Kram chromatic cộng hưởng nhỏ gọn, dễ  tháo ráp di chuyển. Trên cây đàn cải tiến, hai dải thanh tre được sắp như bàn phím piano, tương ứng phím trắng hàng dưới, phím đen hàng trên, âm sắc cao vút. Được nâng đỡ chắc chắn, dãy “phím” chuốt từ cật tre già không bị lệch âm theo thời tiết, gõ mạnh không sợ vỡ như thanh đàn T’rưng, thoải mái độc tấu, hòa tấu, giữ vai dẫn dắt trong dàn nhạc Tây Nguyên.

Gần đây, Đài HTV7 từ TP Hồ Chí Minh đã lên Buôn Ma Thuột tổ chức đêm nhạc “Sô diễn cuộc đời”, chủ đề “Lời của tre”, trước sân Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đắk Lắk, ghi hình các tiết mục biểu diễn đặc sắc toàn nhạc cụ tre nứa của hai anh em Nguyễn Trường - Nguyễn Đức. Đêm lạnh, nhưng hàng trăm khách mời vẫn thích thú nán lại đến cuối chương trình. “Cái đinh” đêm nhạc là VioKram, cây đàn Violin làm bằng tre, do NS Nguyễn Trường chế tác.

So với Violin, hình dáng VioKram khác hẳn, nhưng thanh âm gần tương đương. Tiếng VioKram mộc ấm, bổ sung được âm hưởng ngân rung dìu dặt của loại đàn dây cho dàn nhạc tre nứa. Với cây đàn tre ngộ nghĩnh, lạ mắt này, NS Nguyễn Trường thoải mái kéo đệm từ dân ca, nhạc cổ truyền, tới ca khúc Âu-Mỹ sôi động cho các ca sĩ trẻ.

Độc đáo đàn Mõ

Từng là nhạc công Đoàn Ca múa Đắk Lắk, giảng viên chuyên ngành Violin, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk suốt 37 năm, NS Nguyễn Trường dành phần lớn đời mình cho nhạc cụ dân gian. Trong các loại nhạc cụ đã chế tác, ông tâm đắc nhất là chiếc đàn Mõ.

Ba năm trước, một chiều dạo bộ tận hưởng cảm giác thảnh thơi của người mới về hưu, Nguyễn Trường dừng chân bên sườn đồi buôn Dhă Prong. Ông bất ngờ nhận ra tiếng chuông khua vang vọng từ chiếc Mõ treo ở cổ bò, người Ê đê gọi K’kong Emo, chính là nguồn âm thanh nguyên sơ vô cùng hấp dẫn.

Trở về, Nguyễn Trường kỳ công sưu tầm hàng chục chiếc K’kong Emo, cặm cụi nghiên cứu nguyên lý tự thân vang, rồi tìm các loại tre khác nhau để chế tạo đàn Mõ. Để từng chiếc đàn phát được cao độ chuẩn theo thanh mẫu (diapason), ông chọn cưa lấy các ống tre có độ dày, lớn, ngắn, dài khác biệt, đẽo gọt, lắp ráp, vi chỉnh từng tí để cột hơi của ống tre và hai thanh lá đồng âm. Kết quả, ông đã tạo ra chuỗi đàn Mõ âm thanh vang to, sáng rõ chất mộc, không lẫn với bất kỳ nhạc cụ nào xưa nay.

NSƯT Vũ Lân nhận xét: Đây là loại nhạc cụ hoàn toàn mới, mà vẫn giữ nguyên vẹn được các phẩm chất độc đáo của chiếc mõ bò nguyên thủy. Chỉ cần mở rộng âm vực lên hai bát độ, chuỗi đàn mõ sẽ rất phù hợp để diễn tấu hoàn hảo các giai điệu Tây Nguyên.

Kể tội chồng, vợ NS Nguyễn Trường tiết lộ: “Có lần nửa đêm ổng bật dậy khua đàn Mõ um xùm, nói vừa nảy ra ý tưởng mới, không thử nghiệm sợ quên mất. Sợ hàng xóm mất ngủ, mình chạy ra nhắc ổng bớt ồn. Ổng vừa lắc, vừa gõ, lại còn hỏi “Em nghe có giống âm thanh của tình yêu không?”. Chết cười. Sao mà giận nổi?”.

Vừa qua Tết Nguyên đán Tân Sửu, Nguyễn Trường lại hào hứng tìm cách “lên dây” cho chuỗi Mõ trâu K’kong K’bao. Ông cực kỳ thán phục nghệ nhân buôn làng từ thuở xa xưa đã rất tài tình trong việc chế tác mõ. Từ Mõ bò, Mõ trâu tới Mõ dê, loại nào cũng tinh tế thú vị. “Chơi với trâu, bò, mà nó dạy mình học hoài, học hoài không hết...” - NS Nguyễn Trường vui vẻ kể.

Mấy năm trở lại đây, ĐCMDTĐL vài lần được mời đại diện khu vực miền Trung - Tây Nguyên trình diễn trong các liên hoan nghệ thuật. Thời dịch Covid-19, hoạt động du lịch, biểu diễn càng ngưng trệ. Tuy nhiên, niềm vui của những nghệ sĩ gắn bó đời mình với nhạc cụ tre nứa vẫn cứ dẻo dai, bền bỉ, xanh tươi như chính đời nứa tre.

4_1-1617091911167.jpg
 Hai anh em song tấu sáo vỗ và Cing Kram cộng hưởng tại xưởng của nghệ sĩ Nguyễn Đức.

“Những nghệ sĩ cả đời tâm huyết, bền bỉ tìm tòi cải tiến, sáng tạo giá trị, vun đắp kho tàng nhạc cụ dân tộc, chính là vốn quý không chỉ riêng của Đắk Lắk hay Tây Nguyên, mà của cả nền nghệ thuật nước nhà. Xã hội cần trân trọng, ghi nhận công lao. Nếu được, cũng nên có chính sách đãi ngộ, động viên họ, khích lệ họ một cách xứng đáng” - NSƯT Vũ Lân chia sẻ, gửi gắm.