Mưa về trên phố

Tôi sống ở đây, trong một thành phố luôn chuyển động, luôn đổi thay với nhiều cái mới, bởi nó là thủ đô, là Hà Nội. Chỉ những cơn gió mùa sang và những cơn mưa bao giờ cũng cũ, cũng đúng hẹn. Lời hẹn về của những dòng sông trong nhạc Trịnh, là những cơn mưa vẫn về tự ngàn đời. Như mào đầu của mọi câu chuyện, bài viết này cũng bắt đầu bằng chuyện thời tiết, chuyện gió mưa nơi thành thị.

Một ngày mưa mùa đông. Tranh: PHẠM LUẬN
Một ngày mưa mùa đông. Tranh: PHẠM LUẬN

Sau Tết Nguyên đán, Hà Nội vào tiết mưa xuân. Mưa phui phúi giăng qua nền những ô cửa tối trong lòng phố cũ. Mưa bám mờ vách kính quán cà-phê nhỏ góc ngõ Hàng Hành. Trần mây sà xuống thấp, đôi khi che kín đỉnh các cao ốc Lotte, Keangnam. Mưa mà như không mưa, hạt mưa nhỏ như một dấu chấm vô hình. “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh”. Nguyễn Bính đã viết tài hoa thế, thiết tưởng không còn gì để nói thêm.

Mưa cùng ẩm độ không khí 100%, nén không gian quánh lại trong một bầu khói sương mờ ảo. Gánh hàng rong hoa bưởi vừa lướt qua trong màn mưa cổ tích ấy, để lại một vết hương dài loang phố. Có người đàn bà khoác tay chồng qua ngõ, bỗng cúi đầu nhớ chiếc khăn tay đã từng gói hương một ngày xanh thắm, và một kẻ đi mãi không về.

Sau tiết mưa xuân, sẽ đến cơn mưa rửa đền, ngôi đền Hùng Vương linh thiêng của con dân nước Việt. Cơn mưa thường đến vào ngày mồng 8, mồng 9 tháng ba âm lịch, trước giỗ Tổ ngày mồng 10 và tiếp sau đó một hai hôm, khi hết dịp Quốc giỗ. Cữ này thường trùng với lễ kỷ niệm đất nước thống nhất, ngày 30 tháng tư hằng năm. Mưa rửa đền thường ngắn cơn nhưng ào ạt, đặc biệt thường diễn ra lúc không ai ngờ, vào quãng nửa đêm về sáng.

Có khi nào các thần linh phù hộ độ trì, ẩn mình trong những cơn mưa đêm ấy, tẩy đi bao hờn oán hận thù, tẩy đi vất vả toan lo thường nhật, cho con cháu về vui vầy dưới mái ấm tổ tiên ngày sum họp hòa bình. Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên. Gió mưa tơi bời quét đi cành khô lá cũ mùa trước. Lá sấu rụng, trải dày một thảm vàng trên đường Phan Đình Phùng. Lộc cây xanh mướt phố phường. Chuông nhà thờ Cửa Bắc chói lói vang một ngày nắng mới. Hết tháng ba nụ cà hoa mướp. Anh lính cũ mở toang cửa sổ, hít thật sâu làn gió tươi trong trẻo, đọc thầm những câu thơ tháng tư tự viết riêng cho mình.

Tôi xin tháng tư một ngày yên tĩnh

Nắng hong êm mây hạ thổi sau hè

Tôi xin tháng tư một ngày thành thật

Gạt khói trầm vương mắt thánh đang che

Cường tráng và vô tư nhất là những cơn mưa rào tháng năm mùa hạ. Cơn đằng đông vội vàng, cơn đằng tây chớp giật, cơn đằng nam đủng đỉnh... Những cơn mưa đến từ khắp phương trời, mang theo hương lạ từng vùng đất nó vừa đi qua. Gió lùa theo hơi nước mát lạnh, tràn qua mặt đê sông Hồng dồn mây đến thật nhanh. Có khi dừng đèn đỏ giữa đại lộ, nghe mùi hương lúa chín từ một cánh đồng rất xa. Có khi mở cửa sổ chung cư cao ốc, bắt gặp mùi hăng ngái một cánh rừng đại ngàn sâu thẳm.

Những cơn mưa mùa hè phóng túng và mãnh liệt, cuốn theo bề bộn mây ngàn. Mưa tháng sáu máu rồng. Chớp cơn giông nhiệt đới giần giật trên đầu, khai sáng nhiều liên tưởng lớn lao mới vỡ vạc trong buổi chiều nhá nhem. Một buổi chiều không tên, dưới hàng hiên con hẻm không tên, đợi chờ cơn mưa thường nhật đi qua thì nước đã dâng thành sông trên phố. Chuyến mưa qua xối xả nhiệt thành như tuổi trẻ, hào sảng kiểu được ăn cả ngã về không, đâu nào so đo như cặp trung niên trầm lặng kia nơi góc quán, ngồi đếm từng hạt thanh long trong một cơn giông khác vừa được khuấy lên trong lòng cốc sinh tố nhạt phèo, bởi cữ kiêng đường ngọt.

Giờ đã sang tháng bảy. Mặt trời bắt đầu ngả phương nam, có xu hướng dịch dần về Văn Điển. Ngọn nồm già đã đuối đi những cơn vùng vẫy. Bầu không khí nóng ẩm, chậm chạp dềnh dàng, trùm chăn xông kín một thành phố đang hâm hấp sốt. Len vào giữa khoảng trống không gian bức bối chợt thoáng đâu đây một loài gió lạ. Ban đầu chỉ lướt gợn mặt hồ, sau mạnh dần lên, lật ngược đáy những lá xà cừ, lá cơm nguội lên trời như một cảnh báo đổi thay. Chính nó! Chính cơn gió heo may đã về, những ngày mưa mát mẻ đang theo gió về. Có gã trọc đầu yêu nhạc Scorpions trên phố, khoái trá chúm môi huýt gió khẽ khúc ca Wind of Change.

Ngọn gió lạ từ phương bắc, ngọn gió trẻ trai nồng nhiệt bỗng phổng phao dần, xoắn quấn lấy ngọn nồm nam cơn gió cái già giơ. Dữ dội ái ân cuộc tình chênh tuổi trong điệu luân vũ luôn ngược chiều kim đồng hồ, do ảnh hưởng chiều quay Trái đất. Đó đích thị là những trận bão rặt mang tên phụ nữ, hay tệ lắm cũng là những ngày sụt sùi áp thấp, tiền đề của tuần mưa ngâu ròng rã mang mầu nước mắt tình đời.

Huyền thoại Ngưu Lang - Chức Nữ được diễn đạt lại dưới dạng văn chương vật lý nó là như vậy. Chuyện tình già nghìn tuổi tựa như món ốc len xào. Lớp vỏ ốc cứng khô hình thức, được tráng lên lớp bơ tỏi đường ớt, được gia nhiệt bởi ngọn lửa lên đồng, cũng đủ vị béo bùi cay ngọt cho người ta mút mát. Để rồi hết lớp tráng men, nhọc nhằn, khều mút mãi mới ra ruột con ốc. Than ôi, cái nhân sự thật teo tóp, bé như con kiến bống. Chỉ khổ cho dương gian ướt nhèm trong các ca khúc nỉ non hay não nề thơ phú, dưới trời mưa giăng giăng mái phố chẳng lúc nào ngừng.

Qua những cơn mưa đền cây sau mùa bão lũ, đến tiết mưa rươi tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm. Đường phố rộng dài vắng vẻ hơn, trùm trong thứ mưa mau hạt nhỏ, chợt đến chợt đi. Gió bấc hiu hiu, sếu kêu trời rét. Trời lạnh se se khiến đời như trống trải, xúi dại những kẻ còn cô lẻ ký đại vào tờ đăng ký kết hôn. Đỏ thắm đôi chữ Song Hỷ dưới mưa, dán trên tường mấy nhà có đám tăng thêm phần thôi thúc. Ngay cả nắm vỏ quýt hôi kia cũng vội vã tác thành với một loài giun tơ chân đốt trong thức món thời trân, mà người ta gọi là chả rươi đặc sản.

Rồi gió bấc về thật, rồi lê thê tím tái mưa phùn cho đến tận những cơn mưa đầu xuân năm tới... Cứ thế, những cơn gió mưa trôi qua niên lịch, đến với đô thành không nhanh chẳng chậm. Những cơn mưa cũ kỹ, bất chấp cả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mưa thuận gió hòa như vàng như bạc, như quà tặng tuyệt vời của mẹ Thiên nhiên. Và mưa xuân đã đến chiều nay, khẽ gieo ngoài cửa sổ, cho người viết ngừng tay gõ phím trông ra.