May

Các cụ nhà ta ngày xưa thương nói “May hơn khôn”. Suốt cuộc đời mỗi chúng ta thế nào cũng có lúc gặp may. Ấy là sự may mắn trong cuộc sống thường ngày.

May

Nhưng May mà tôi muốn nói trong bài viết này chính là tên tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Lê Quốc Hán.

... Tất cả đã vèo trôi tất cả sẻ vèo trôi

Giấc hồ điệp

May

Còn sót lại muôn đời

Cái đẹp (trích bài thơ May)

Người ta thường nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” quả không sai. Không hiểu sao buổi sáng nay tôi cứ ngân nga mấy câu thơ trong bài thơ “Sao” in trong tập thơ “May” của nhà thơ Lê Quốc Hán: “Cỏ xanh rờn sắc cỏ/ Trời nhuộm biếc sắc trời/ Mắt đen huyền hạt đỗ/ Trái tim hồng máu tươi...”.

Trong bài viết in trang đầu tập thơ May, nhà thơ Lê Quốc Hán tâm sự “Tôi thích cách ví von: Thơ chảy giữa đôi bờ tình cảm và trí tuệ”. Đúng vậy, tôi muốn thêm: “Và, giữa đôi bờ hư thực”. Thơ là dòng chảy giữa đôi bờ tình cảm và trí tuệ, giữa hư và thực, giữa có và không... Tôi thích những bài thơ, câu thơ như vậy trong tập thơ này: “Ta vốn sinh ra nơi tiên cảnh/Vướng phải bùa mê chốn bụi trần/Muốn trở về trời quên đôi cánh/Xác phàm giờ nặng đến ngàn cân... (Suối Tiên) “... Rất cũ và rất mới/Xa lạ và thân quen/Tình yêu không có tuổi/Trước tháng ngày ngủ quên (Tình yêu).

“Ga thời gian” là bài thơ mà tôi đọc gần như thuộc lòng, là dòng chảy cảm xúc giữa đôi bờ hư và thực, có và không, hòa quyện giữa tình và ý: “Đêm đêm thường mơ/ Chuyến tàu thời gian/ Giật lùi phía trước/ Đêm đêm thường mơ/ Cây thời gian đôi bờ/ Mọc ngược/ Ga cuối cùng/ lạnh ngắt/ Hoa thẹn thùng/ Cúi mặt”.

“Sám hối muộn” cũng là một bài thơ với ý tưởng sâu xa. “Đời là bể khổ, quay đầu lại là bờ” Đức Phật khuyên con người như thế, nhưng khi ta quay đầu quá muộn, thì sự ăn năn hối lỗi đó khó mà bù đắp lại những đau thương mất mát do chính con người tạo ra, càng ngày chúng ta càng nhận ra điều đó khi chính chúng ta đã tàn phá môi trường mình đang sống: “Núi cao nghiêng đổ/ Rừng cây sạch chồi/ Đường làng ngập cỏ/ Sông quê cát bồi/ Chim ca lạc giọng/ Hoa nở khác màu/ Biển im lìm sóng/ Mắt huyền trũng sâu/ Trời xanh nhợt nhạt/ Đất nâu cỗi cằn/ Trái tim lầm lạc/ Trở về ăn năn”.

Trong tập thơ May, nhà thơ Lê Quốc Hán cũng tự làm mới mình, làm mới thơ, đi sâu vào những ý tưởng mang tính quy luật mà tôi gọi là minh triết. Những ý tưởng này thấm đẫm trong tâm hồn nhà thơ nên khi viết ra có sức lay động: “... Chim khôn bất ngờ/ Gặp bão/ Chọn cành nào/ Đậu/ Để nương thân/ Người ngoan bất chợt/ Phong trần/ Biết ai chính ai tà/ Nương bóng/ Hót hay không cao giọng/ Nguy khốn chớ hạ mình...” (Chim).

Nhà thơ suốt cuộc đời viết ra bao nhiêu câu thơ, in ra bao nhiêu tập thơ, nhiều hay ít sách đã in ra không quan trọng bằng có bao nhiêu bài thơ, câu thơ, tập thơ đến với bạn đọc, được bạn đọc đón nhận, còn lại với thời gian dù là một bài thơ, một câu thơ, hay chỉ là một chữ cũng quý lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi, tôi thiển nghĩ vậy.

Trong tập thơ May, nhà thơ Lê Quốc Hán cũng có nhiều bài thơ “văn xuôi” với nhạc điệu du dương, vần điệu cũng rất uyển chuyển. Những bài thơ này mang yếu tố hiện đại không những trong ý tưởng mà còn trong cả cấu tứ và hình tượng thơ, ví như bài “Hoa đêm”. Bài thơ đề “Tặng con gái yêu”, nhưng sâu xa hơn chính là triết lý sống của con người, sống bình dị, khiêm nhường, hài hòa với cỏ cây trời đất, đấy mới là lẽ sống cao nhất, con người cuối cùng lại trở về với cội nguồn như thủa ban đầu con người sinh ra, buông bỏ những tham vọng trần tục... ấy mới an lành, hạnh phúc!

Bây giờ đọc những dòng này trong bài mở đầu tập thơ May của nhà thơ Lê Quốc Hán, tôi càng tâm đắc hơn: “...Nhà thơ phải như con ong hút nhụy trăm hoa về làm mật. Không có một nền văn hóa sâu rộng, một vốn sống dồi dào không thể trở thành nhà thơ lớn” (Thơ).

Lê Quốc Hán đã xuất bản năm tập thơ: Lời khấn nguyện, Bến vô cùng, Mạc khải, Bất biến, May. Đọc tên những tập thơ của ông, ta thấy cảm thức vũ trụ và tâm linh xuyên suốt, cảm thức của một nhà thơ, một nhà giáo, một tiến sĩ toán học luôn thấm đẫm nghĩa tình...