Nhiếp ảnh gia Hà Ðào:

Giấc mơ của nhiếp ảnh đương đại

Từ hai năm trở lại đây, trang thông tin trực tuyến về nhiếp ảnh đương đại của thế giới và Việt Nam, Matca (hay còn gọi là Mắt cá - www.matca.vn) đã trở thành một địa chỉ rất thú vị của những người yêu nhiếp ảnh. “Được vận hành song ngữ Việt - Anh, trang tin đăng tải những bài viết, phỏng vấn chuyên sâu về đa dạng chủ đề; bày tỏ những góc nhìn mới về nhiếp ảnh đương đại; cung cấp nhiều thông tin về các cuộc thi, festival, workshop nhiếp ảnh đương đại trong khu vực và thế giới. Và không e ngại những tranh luận mang tính phản biện. Đặc biệt, Matca còn hướng tới gây dựng một cộng đồng những người trẻ quan tâm và thực hành các dự án nhiếp ảnh độc lập” - Hà Đào, thành viên cốt lõi trẻ nhất của Matca chia sẻ.

Một ảnh chân dung các đô vật trẻ tham gia kushti akhara, một môn đấu vật dưới bùn truyền thống của Ấn Độ, trong dự án Gan dạ, Foundry Photo Workshop 2018, Ấn Độ. Ảnh | Hà Đào
Một ảnh chân dung các đô vật trẻ tham gia kushti akhara, một môn đấu vật dưới bùn truyền thống của Ấn Độ, trong dự án Gan dạ, Foundry Photo Workshop 2018, Ấn Độ. Ảnh | Hà Đào

Muốn lấp khoảng trống thông tin về nhiếp ảnh đương đại

Matca là một trang tạp chí trực tuyến về nhiếp ảnh và dần gây dựng một cộng đồng nhiếp ảnh trẻ, cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời. Mong muốn của các bạn, khi bắt tay vào dự án này là gì?

Dự án Matca được thành lập bởi ba nhiếp ảnh gia hoạt động độc lập, đều dưới 30 tuổi. Có thể là do đi học, đi làm nhiều ở bên ngoài Việt Nam nên họ cùng cảm thấy ở trong nước đang thiếu một điểm kết nối cộng đồng hoạt động nhiếp ảnh đương đại. Dự án bắt đầu với trang tạp chí online chuyên sâu, sau đó mở rộng ra các hoạt động mang tính giáo dục và trong tương lai là một không gian vật lý chuyên biệt cho nhiếp ảnh. Tôi tham gia từ tháng 3 năm 2017, làm công việc biên tập, viết và dịch song ngữ.

Khái niệm về nhiếp ảnh đương đại và cộng đồng của nó có gì khác so với nhiều hội nhóm, câu lạc bộ nhiếp ảnh vốn tồn tại lâu nay ở trong nước?

Có lẽ, điểm khác biệt là nhiếp ảnh được nhìn nhận như một bộ môn nghệ thuật thị giác. Một nhiếp ảnh gia giờ đây không cần phải so sánh mình với ai đó, với cả thế hệ trước để thấy ta khác họ, cũng không cần phải phân chia thứ bậc trong nhiếp ảnh đương đại, như là ảnh nghệ thuật thì hay hơn dạng tài liệu hoặc ngược lại. Điều quan trọng nhất là tác phẩm của chúng ta có thể đem tới cho bản thân và cho người xem những cách nghĩ khác, những cách hình dung khác về các câu chuyện, vấn đề trong cuộc sống, để từ đó cùng nhận ra thực tế tồn tại rất đa dạng của dòng chảy đời sống nhiếp ảnh Việt Nam.

Matca quan tâm đến những câu chuyện từ ảnh và thông qua ảnh, những lớp nghĩa khác nhau được chuyên chở trong cùng một bức ảnh hoặc tồn tại trong ý niệm của tác giả. Đặc biệt, chúng tôi muốn hỗ trợ các dự án nhiếp ảnh độc lập, hỗ trợ những bạn trẻ muốn đi theo cách riêng của mình nhưng còn đang loay hoay với định hướng và hình dung về sản phẩm cuối.

Bạn có thể thí dụ về một câu chuyện như thế ở Matca?

Tôi nhớ, một bạn trẻ đã kể lại câu chuyện đón Tết ở quê. Trong đó, có cảnh một gia đình trước đây sống ở nông thôn nhưng nay tất cả đều ra thành phố. Tết đến, họ tất bật đồ đạc cùng về quê để rồi chiều mùng Một lại quay trở về thành phố. Dù đây là trải nghiệm cá nhân của người chụp song những tâm tư về ý nghĩa của ngày Tết, về mối quan hệ gia đình và khoảng cách thế hệ có lẽ không của riêng ai.

Những câu chuyện như thế được chia sẻ qua các buổi được gọi là Xem ảnh buôn chuyện, dựa theo mô hình Portofolio Review trong các festival nhiếp ảnh đương đại chuyên nghiệp hiện nay trên thế giới. Ở các festival đó, các chuyên gia cùng nhiếp ảnh gia uy tín, các giám đốc gallery hoặc biên tập viên đóng vai trò xem xét các bộ ảnh sáng tác của người tham dự. Đây cũng là cơ hội học hỏi quý giá cho những tay máy trẻ. Ở Matca, chúng tôi tiến hành các cuộc thảo luận mở, các thành viên cùng bàn bạc, trao đổi và góp ý cho tác giả, bên cạnh ý kiến của một số chuyên gia.

Giấc mơ của nhiếp ảnh đương đại ảnh 1

Ươm những hạt mầm sáng tạo cho tương lai

Trong cuộc trò chuyện, bạn hay đề cập tới khái niệm “hoàn cảnh của mình”, đó là hoàn cảnh của riêng Matca hay của chung nhiếp ảnh đương đại Việt Nam?

Có lẽ cả hai. Với Matca, chúng tôi có bốn thành viên cốt lõi nhưng không thường xuyên ở Việt Nam để có thể trực tiếp điều hành các buổi gặp gỡ như vậy. Vì thế, tất cả đều đang cố gắng thu xếp để có các lịch hẹn tương đối định kỳ. Trong số các bạn trẻ đăng ký tham gia, không hẳn ai cũng có ý hướng muốn gắn bó chuyên sâu với nhiếp ảnh. Có thể họ đang muốn thử, muốn kể, muốn thể hiện một điều gì đó từ góc nhìn cá nhân với nhiếp ảnh và như vậy đã là rất thú vị đối với chúng tôi rồi. Matca mong muốn giúp các bạn ấy dần có được một sản phẩm hoàn chỉnh, xứng đáng với thời gian và công sức của họ. Thông qua đó, hy vọng chúng ta có thể cùng nhau ươm mầm những nghệ sĩ, những tay máy chuyên nghiệp của tương lai.

Nhưng theo tôi được biết, Matca vẫn đang vận hành hoàn toàn bằng tiền túi của bốn thành viên cốt lõi. Các bạn cho rằng mình đủ sức đi đường dài, một khi đã chọn hướng ươm mầm?

Chúng tôi cảm thấy may mắn, khi cùng nhau xác định từ đầu là không trông chờ vào bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính nào từ bên ngoài, bởi hướng đi đó không thể bền lâu. Chúng tôi cùng làm các dự án thương mại để kiếm sống và trích ra một khoản cho Matca. Thực tế, chi phí tiền mặt cho việc vận hành một trang tạp chí trực tuyến không nhiều vì chúng tôi tự thiết kế, tự viết, tự dịch bài và tự đăng tải thông tin, bên cạnh sự hỗ trợ của một số tình nguyện viên. Chỉ có thời gian và sức lực trí tuệ dành cho Matca là tốn kém thôi nhưng phần này, chúng tôi lại chủ động cân đối được. Tuy nhiên, phải thú thật là đôi lúc cũng rất mệt! (cười).

Theo logic suy nghĩ thông thường thì có cho đi thì được nhận lại. Vậy các bạn đã nhận lại được gì từ Matca?

Có thể nghe rất xa xỉ nhưng thật sự, chúng tôi nhận lại được những niềm vui tinh thần không nhỏ chút nào. Ngay từ đầu, chúng tôi đã cùng xác định Matca không phải là nơi để kiếm sống mà là một nơi để tạo dựng nên một cộng đồng cùng chung sở thích. Và chúng tôi rất vui, khi nhìn thấy ngày càng nhiều hơn những bạn trẻ giống như mình. Được sáng tác trong một môi trường văn minh, hiểu biết và cởi mở luôn là giấc mơ của nghệ sĩ.

Thông qua Matca, cộng đồng quan tâm đến nhiếp ảnh chuyên sâu đã hiện diện. Hiện tại fanpage của Matca có khoảng 12 nghìn người theo dõi, những bài có lượt xem cao cũng tới 10 nghìn. Con số, tuy không “là gì” nếu so sánh với các trang web giải trí hay thương mại nhưng với chúng tôi, đó cũng là thành công ban đầu rất đáng ghi nhận.

Một điều quan trọng khác là chúng tôi cảm thấy mình đang đóng góp được một chút gì đó cho quá trình phát triển văn hóa đương đại ở Hà Nội. Cùng với nhiều địa chỉ nhỏ, hoạt động tự thân trong các lĩnh vực sáng tạo khác như âm nhạc và nghệ thuật đương đại, chúng tôi đang đem tới những dư vị mới khác biệt, cho đời sống tinh thần Thủ đô. Matca hạnh phúc vì điều đó.

Nhiếp ảnh gia Hà Đào tốt nghiệp Đại học RMIT, chuyên ngành Truyền thông năm 2016. Sau đó, cô tham gia các khóa đào tạo nhiếp ảnh ngắn hạn tại DOCLAB Hà Nội, Angkor Photo Festival workshop 2017 (Campuchia), Foundry workshop 2018 (Ấn Độ)...

Ba thành viên nam còn lại của Matca là Linh Phạm - phóng viên ảnh độc lập cho một số tạp chí và hãng tin ảnh quốc tế như Getty Images, National Geographic; Mai Nguyên Anh - vốn học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Surrey (University of Surrey), Vương quốc Anh, từng là phóng viên ảnh của Vnexpress.net, có một năm tu nghiệp tại The International Center of Photography - ICP danh tiếng ở New York, Mỹ (2016); Đạt Vũ từng có 10 năm học về nghệ thuật ở Singapore, Mỹ và trở về nước hoạt động như một nghệ sĩ độc lập từ năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh.