Họa sĩ Phạm An Hải:

Chưa có vụ làm tranh giả nào bị xử lý hình sự

Tháng 7-2016, Nhân Dân hằng tháng đã tổ chức tọa đàm “Hướng tới một thị trường mỹ thuật minh bạch” với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, phê bình nghiên cứu, nhà sưu tầm và nhất là đông đảo các họa sĩ thành danh đương thời. Vấn nạn tranh giả, tranh nhái được xướng lên cùng rất nhiều bức xúc, trăn trở, băn khoăn về tác hại khôn lường tới thị trường mỹ thuật, tới nhận diện mỹ thuật Việt Nam trên bình diện quốc tế, tới đời sống của các họa sĩ, nhà sưu tầm... Tuy nhiên, mới đây, một vụ việc buôn bán tranh giả trị giá lớn được phát giác, và mọi chuyện sẽ trót lọt như những tiêu cực từng trôi qua êm thấm trước đó nếu không có sự tình cờ may mắn. Nạn nhân của vụ lưu hành tranh giả, họ

Chưa có vụ làm tranh giả nào bị xử lý hình sự

Tâm trạng của anh hiện thời ra sao, sau khi thông tin về tác phẩm bị làm giả, ký tên anh bán cho nhà sưu tầm với giá cao được phát giác và đăng tải rộng rãi trên truyền thông?

Tôi chỉ có thể nói là tôi rất, rất bất bình. Bất bình khinh bỉ những kẻ lừa đảo đó.

Chuyện tranh giả, tranh nhái vẫn âm ỉ tồn tại bấy nay, tạo nên vô số thiệt hại cho các họa sĩ, các nhà sưu tầm, cho thị trường mỹ thuật và cả hình ảnh của mỹ thuật, của văn hóa Việt Nam trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, gần như chưa có một vụ việc nào được điều tra bài bản và đưa ra xử lý theo các quy định của pháp luật. Người làm tranh giả, buôn bán tranh giả vẫn nhơn nhơn tiếp tục các hành vi sai phạm của mình. Vậy theo anh, phải chăng các họa sĩ đã quá hiền, quá vị tình, cả nể để chưa biết tự bảo vệ lợi ích của mình và đồng nghiệp một cách chính đáng?

Đúng vậy. Giới họa sĩ thường hiền lành và vị tình. Họa sĩ là những cá nhân làm việc độc lập và lặng lẽ, không thích om sòm, đao to búa lớn, hơn nữa trong xã hội chúng tôi là những người hay nín nhịn cho qua những việc dẫu biết có thể gây thiệt hại cho mình và đồng nghiệp. Chúng tôi thường xử lý mọi việc với thái độ thương cảm, cả nể bởi người làm tranh giả, người chép tranh giả không ít thì nhiều đều là chỗ quen biết. Thế cho nên, đáng tiếc là các sự việc mua bán tranh giả hầu có bị phát hiện cũng hầu như không bị truy cứu dù thực trạng này đã diễn ra từ rất lâu rồi và thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể...

Tổng số tiền nhà sưu tầm bỏ ra để mua những bức tranh giả của anh và một vài họa sĩ khác lên tới gần 300 triệu đồng. Đây quả là một con số không nhỏ. Nhưng thủ phạm, sau khi gây ra hậu quả tai hại thế này, chỉ cần xin lỗi những người liên quan là xong, vụ việc lại chìm xuồng và trôi vào quên lãng sao, thưa anh?

Ông Bảo Khánh khi bị phanh phui đã dập lửa bằng cách van xin người mua phải tranh giả là sẽ đáp ứng các yêu cầu cho nhà sưu tầm như trả lại tiền, van xin người bị lừa không khởi kiện... Nhưng tôi nghĩ, khi sự việc được đăng tải trên báo chí, đấy cũng là một cách tố giác tội phạm và các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể vào cuộc...

Đã có nhân chứng, vật chứng rõ ràng, anh là người bị mạo danh, bị làm giả tranh, là bị hại, sao anh không làm đơn tố cáo những đối tượng sản xuất tranh giả ra cơ quan pháp luật?

Quan điểm của tôi cũng chỉ tố cáo với công luận, với báo chí, truyền thông và những người mua tranh, yêu tranh, những nhà sưu tầm (với các bằng chứng xác thực trong tay) để cảnh báo cho người mua mà thôi, tôi không có ý định khiếu kiện vì sẽ rất mất thời gian. Tôi cũng không nghĩ là sẽ được sự giúp đỡ quyết liệt của các cơ quan liên quan mặc dù đó là điều anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn mong mỏi...

Báo New York Times vừa có bài viết lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn nạn tranh giả của Việt Nam. Bài báo này nhận định, Việt Nam là một thị trường đang lên, các họa sĩ có thể kiếm rất nhiều tiền nhưng vấn nạn tranh giả đang gây khó khăn cho tất cả. Vậy chẳng nhẽ những họa sĩ bán được tranh như anh vẫn bất lực, để danh tiếng và giá trị của mình cho những thế lực xấu lợi dụng kiếm tiền bất chính?

Anh em trong giới, trong nghề, cả truyền thông, các nhà sưu tầm đều thừa biết vấn nạn tranh giả, tranh chép ở Việt Nam. Như năm ngoái, ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, họa sĩ Thành Chương phát hiện ra tranh của mình ký tên họa sĩ Tạ Tỵ. Vụ việc ầm ĩ trên công luận, nhưng rồi cũng có ai suy suyển gì đâu. Họa sĩ thì chỉ có giá vẽ, đối đầu làm sao được với một thế lực ngầm dám bất chấp tất cả. Chúng tôi chỉ mong rằng các cơ quan chức năng như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cần có những biện pháp thiết thực hơn nhằm bảo vệ hội viên của mình và bảo vệ sự trong sạch lành mạnh của môi trường mỹ thuật, kể cả khi các hội viên không có văn bản khiếu kiện. Hội hay Cục có thể xây dựng một trang web sao cho thật thuận tiện để anh em nghệ sĩ đăng ký bản quyền tác phẩm của mình một cách dễ dàng, tiện lợi nhất, với mức hợp lý hơn chứ mức thu phí 500 nghìn đồng cho một ảnh tranh như đang thực hiện là quá cao, khiến nhiều anh em họa sĩ e dè, ngần ngại...

Chưa có vụ làm tranh giả nào bị xử lý hình sự ảnh 1

Tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải.

Chưa có vụ làm tranh giả nào bị xử lý hình sự ảnh 2

Tranh giả, nhái tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải.

“Tháng 5-2017, một nhà sưu tầm ở Hà Nội, anh C.H.L có mua 5 bức tranh trị giá 285 triệu đồng từ ông Bảo Khánh, một người có mối quan hệ rộng rãi với giới họa sĩ từ nhiều năm nay, trong đó có tôi. Anh C.H.L tới một xưởng gỗ làm khung. Rất may chủ xưởng này cũng là người chơi tranh của tôi, nên nhìn ra tranh giả và đã nói với tôi. Tôi phát hiện bức Dư âm phố cổ là tranh giả vì tranh gốc, tranh thật vẫn đang treo ở nhà tôi. Hai bức nữa của một họa sĩ khác nhưng đã bị xóa tên và ký tên tôi vào đó. Tôi gọi điện cho người mua, anh C.H.L để thông báo. Tôi được biết là ông Bảo Khánh cũng đã xác nhận vụ việc và cam kết hoàn lại tiền cho người mua” (Họa sĩ Phạm An Hải)