Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa

Con người ta, kể từ lúc sinh ra, đã thường xuyên chịu sự tác động trực tiếp của hai môi trường: môi trường tự nhiên (môi trường sinh thái) và môi trường xã hội (môi trường nhân văn). Thiếu môi trường tự nhiên, con người không thể tồn tại được với tư cách một sinh vật; thiếu môi trường văn hóa, nhân văn con người không thể trở thành con người. Vậy môi trường văn hóa là gì?

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đang trở thành vấn đề toàn cầu.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đang trở thành vấn đề toàn cầu.

Nói môi trường văn hóa là nói đến những giá trị, những chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội đang tồn tại quanh ta, thường xuyên tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta nhằm thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa con người với con người, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Theo tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phải “tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đang trở thành vấn đề toàn cầu. Điều này cũng dễ hiểu vì trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường đang được toàn cầu hóa, nhân loại đang phải chứng kiến một nghịch lý: sản xuất của cải vật chất không ngừng được tăng lên, nhưng những giá trị tinh thần nhằm tạo nên sự gắn kết con người, sự bình đẳng và an sinh xã hội thì lại thường xuyên bị đe dọa. Cùng với sự suy yếu của các giá trị mang tính cộng đồng như lòng nhân ái, vị tha, lòng trắc ẩn…, xã hội đang phải chứng kiến sự xuất hiện một cách kín đáo hay lộ liễu những thói hư tật xấu vốn rất xa lạ với đạo lý làm người của dân tộc. Đáng lưu ý là các hiện tượng đó đã và đang thâm nhập trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao.

Trước tình hình đó, từ nhiều năm nay, việc xây dựng môi trường văn hóa thường xuyên được đặt ra. Nhưng, cho đến nay, kết quả vẫn còn bất cập. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng...”. Với một môi trường văn hóa như vậy thì quả thật rất khó để “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” như Nghị quyết đã đề ra.

Vậy phải bắt đầu từ đâu? Nếu hiểu môi trường văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị, các chuẩn mực để giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát triển và phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, thì phải hình thành cho được những giá trị, những chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi con người phải trải qua; đó là gia đình, nhà trường, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị công tác... Thật ra, từ xưa, cha ông ta đã sớm nhận biết vấn đề này và đã hình thành các tổ chức, thiết chế nhằm giáo dục các giá trị và chuẩn mực đó trong các thế hệ công dân; đó là gia phong (nếp nhà), hương ước, trường quy... Những giá trị và chuẩn mực trong đó đều rất cụ thể, cái gì là hay, cái gì là dở, cái gì là công, cái gì là tội, cùng những hình thức khen thưởng đối với những việc làm hay và trừng phạt những việc làm dở.

Bên cạnh việc sử dụng các luật và lệ, cha ông ta còn biết sử dụng dư luận xã hội như một công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi của mỗi con người và của toàn xã hội. Trước đây, do nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống còn phiến diện, chúng ta đã bỏ quên nhiều giá trị của quá khứ, trong đó có những kinh nghiệm của cha ông về xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa. Từ nhiều năm nay, với phương hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều bài học quý báu của cha ông đã được khôi phục, phát huy. Cố nhiên, lịch sử tuy là dòng chảy liên tục nhưng không bao giờ giẫm chân tại chỗ. Chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gia nhập ngày càng sâu vào kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Tình hình đó đòi hỏi vừa phải tiếp thu, kế thừa các giá trị truyền thống, vừa đổi mới các giá trị đã có và bổ sung những giá trị mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người nói chung và trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nói riêng.

Khó khăn lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải là chưa có những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường và của toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thói vô cảm, tâm lý tiêu dùng vật chất - vốn là mặt trái của kinh tế thị trường đang có điều kiện thâm nhập vào các ngõ ngách của đời sống, thậm chí từ trong từng gia đình. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin thông qua in-tơ-nét đang cuốn hút một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là lớp trẻ, vào thế giới ảo. Sự xuống cấp trong đạo đức học đường, trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ đều đang góp phần làm ô nhiễm môi trường văn hóa của đất nước.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định cần xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình.

Một định hướng chung như vậy là rất cần thiết, vì văn hóa và môi trường văn hóa bao quát toàn bộ các hoạt động của con người. Tuy vậy, từ thực tiễn mấy chục năm qua, Đảng đã nhận thức ngày càng sâu hơn việc xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Đây là hai lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp không chỉ đến đời sống vật chất, mà cả đời sống tinh thần của mỗi người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: Văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Khi một chế độ chính trị thật sự lấy dân làm gốc, thì chế độ đó sẽ làm nảy sinh những công bộc của dân, những người “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Một chế độ chính trị như vậy chắc chắn sẽ thiết lập được đường ray cho cỗ xe kinh tế phát triển một cách lành mạnh, biết lấy chữ tín làm đầu, biết chia sẻ một cách hợp lý lợi nhuận thu được cho những ai dễ bị tổn thương trong xã hội.

Khi chính trị và kinh tế được thường xuyên nuôi dưỡng bởi các giá trị văn hóa của dân tộc và của thời đại, đặc biệt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì chính trị và kinh tế không chỉ tạo ra những tiền đề cần thiết để xây dựng và phát triển văn hóa, con người, mà còn tạo ra những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, văn hóa đòi hỏi sự nêu gương. Một tấm gương sáng của người thật, việc thật có giá trị gấp trăm lần những lời hiệu triệu. Bác Hồ, lúc còn sống, đặc biệt coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt. Bác nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Tư tưởng đó của Bác chắc chắn sẽ soi sáng nhiều điều trong công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nước ta hiện nay.