Tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn chương

Tính chuyên nghiệp trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi đời sống văn học nước nhà đang tồn tại, vận động trong cơ chế thị trường dưới sự tác động đa chiều của phương tiện thông tin, truyền thông; sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu đa phương, kết nối đa chiều với thế giới; và đặc biệt sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ của người đọc.

Độc giả chờ đợi những cuốn sách chất lượng từ các nhà văn.
Độc giả chờ đợi những cuốn sách chất lượng từ các nhà văn.

Thiếu bước tiến và nhạt nhòa bản sắc

Nói đến tính chuyên nghiệp là đề cập đến sự chuyên nghiệp hóa trong từng thành tố tạo nên nó: từ sáng tác, tiếp nhận, quảng bá, phê bình-lý luận, dịch thuật; hoạt động của các hội, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cơ quan báo chí, truyền thông; các cơ chế, quy trình kết nạp hội viên, xét giải thưởng thường niên; đến các chủ trương, chiến lược, đường lối phát triển có tầm vĩ mô... Trong các thành tố ấy, có thể nói, tính chuyên nghiệp trong sáng tạo của nhà văn vẫn là “mắt xích” quan trọng nhất để có thể vận hành hiệu quả nhất.

Nhà văn chuyên nghiệp hay tính chuyên nghiệp trong sáng tạo của nhà văn được hiểu một cách khái quát, đó là sự chuyên tâm, bền bỉ sáng tạo, là chất lượng của tác phẩm, là tạo dựng “văn hiệu” riêng không lẫn với ai; và nhà văn có thể sống được bằng chính ngòi bút của mình. Nếu xét một cách nghiêm ngặt, số nhà văn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên đây ở Việt Nam không nhiều.

Trên thực tế, những năm gần đây, đời sống văn chương Việt Nam xuất hiện khá nhiều cây bút trẻ, với niềm đam mê, khát khao thể hiện bản thân đã tạo nên những “cơn sốt” trên thị trường. Những cái tên như Anh Khang, Dương Thụy, Gào, Keng, Iris Cao, Hamlet Trương, Hân Như, Nguyễn Phong Việt, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Born, Nồng Nàn Phố… dù đã tạo ra những bestseller, được các nhà xuất bản săn đón, bộ phận công chúng độc giả hâm mộ, song họ vẫn chưa thể được định danh là những nhà văn chuyên nghiệp, bởi thiếu một tiêu chí cốt tủy, đó là chất lượng và giá trị đích thực của tác phẩm.

Với mục đích đề cao chức năng giải trí, thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của số đông, các tác giả này đã thực hiện một “chiến lược” khá bài bản dưới sự cộng sinh của các yếu tố thị trường, truyền thông, thông tin. Về đề tài, tác phẩm của họ tập trung vào những đề tài quen thuộc, gần gũi, có phần sáo mòn: những cuộc tình tay ba tay tư éo le, trắc trở nhưng kết thúc có hậu; những tình cảm ủy mị, sướt mướt, khiến người đọc mủi lòng; những chuyện kể hài hước nhẹ nhàng, gây cười; những câu chuyện nhạy cảm, đời tư, bí mật, đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của độc giả... Về tư tưởng, cảm hứng, những sáng tác này thường thiếu chiều sâu tư tưởng, chủ yếu là sự diễn dịch thành văn xuôi hoặc văn vần những ý nghĩ chung chung và những cảm xúc dễ dãi, ít tác phẩm có sự suy tư mang tầm phổ quát; thay vào đó là những trải nghiệm có tính cá nhân, không chứa đựng nhiều nền tảng văn hóa, triết học.

Bên cạnh đó, một số tác giả do chưa xác định đầy đủ về ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc sống, độc giả nên vẫn chưa thật sự cẩn trọng trong việc tiếp cận, xử lý tư liệu. Rõ ràng đây chỉ là một mảng màu nhỏ trong bức tranh tổng thể đời sống văn học Việt Nam những năm gần đây. Nhưng ở một góc nhìn khác cũng cần phải thấy rằng, việc một bộ phận không nhỏ người đọc tỏ ra “thờ ơ”, “quay lưng” với những tác phẩm vốn được coi là tinh hoa, tinh tuyển, có giá trị… không phải là vô cớ. Sáng tác của các nhà văn chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư mười năm trở lại đây ít có bước tiến vượt bậc; vẫn còn thiếu những tác phẩm đỉnh cao, những hiện tượng văn hóa có thể khuấy động đời sống tinh thần, lôi kéo sự quan tâm, bàn luận của công chúng đương đại. Một số nhà văn còn trong tâm thế ngại thay đổi (hoặc chưa đủ tầm và lực để thay đổi), sự lặp lại chính mình sau một hai tác phẩm dẫn đến nhạt nhòa trong bản sắc sáng tạo.

Mảng mầu sáng gieo niềm hy vọng

Tuy vậy, vẫn còn đó những mảng mầu sáng, những tác phẩm giá trị của các gương mặt ưu tú đáng để công chúng độc giả trân trọng, tin tưởng, hy vọng: Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Khuê, Đỗ Tiến Thụy… Với sự xuất hiện đều đặn, ổn định; sự xác tín ý hướng tính văn chương; tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm, tác phẩm của họ mang chiều sâu tư tưởng, triết học, nhân văn gắn với nỗ lực làm mới, làm khác bằng những thể nghiệm, tìm tòi cách biểu đạt mới về thế giới. Nhờ đó, họ đã và đang tạo lập được vị thế của mình trên bản đồ văn chương Việt. Bên cạnh sự chuyên nghiệp trong mỗi thành tố tạo lập đời sống văn học, trước tiên nhà văn - chủ thể sáng tạo phải thể hiện được tính chuyên nghiệp ở các mặt sau:

Thứ nhất, muốn trở thành chuyên nghiệp, nhà văn phải thật sự có tài để có thể thắp sáng đam mê, biến khát vọng thành những tác phẩm hay.

Thứ hai, luôn tự ý thức thường trực, toàn tâm toàn ý với nghề, xem sáng tạo văn chương là một công việc nghiêm túc, đặc biệt nhận thức đầy đủ trách nhiệm, đạo đức, lương tri và sứ mệnh của người nghệ sĩ chân chính với xã hội, con người.

Thứ ba, có ý thức mở mang và khai phóng tri thức trên nhiều lĩnh vực, làm dày hơn “phông” văn hóa, nâng cao kỹ năng/kỹ xảo nghề nghiệp để mỗi trang viết không đơn thuần chỉ là cảm xúc, trải nghiệm, mà còn chứa đựng nền tảng văn hóa, tri thức sâu rộng được thẩm thấu, chắt lọc qua góc nhìn và cảm quan cá nhân.

Thứ tư, phải thường xuyên tự làm mới mình, không ngại sự thay đổi nếu điều đó mang lại hiệu quả tích cực, đẩy tác phẩm lên một tầm cao mới, hoặc một cái nhìn mới, một cách nhìn khác; chủ động đón nhận, nắm bắt những biến chuyển phức tạp của đời sống và thị trường văn chương, thấu hiểu người đọc để không chỉ đáp ứng mà còn nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho họ.

Thứ năm, trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, giới nghiên cứu phê bình, công chúng độc giả… nhà văn cần thể hiện sự văn minh, bản lĩnh, sự lịch lãm, cầu tiến của một nhân cách văn hóa thực thụ.