Tiểu thuyết lịch sử

Cây cầu không dễ bắc

Tiếp tục bàn về sự trở lại của tiểu thuyết lịch sử trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, ở số báo này, chúng tôi muốn đề cập sâu những khó khăn, thách thức trong công tác in ấn, phát hành - cây cầu nối quan trọng, có ý nghĩa hai chiều trong quá trình kết nối giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc.

Cây cầu không dễ bắc

Tư nhân chưa mặn mà
 
 Theo tìm hiểu, trên thị trường, các nhà sách tư nhân chưa quan tâm nhiều việc đầu tư in ấn, phát hành dòng tiểu thuyết lịch sử. Có thể điểm qua, Công ty cổ phần văn hóa Đông A vài năm qua chỉ in một cuốn, Nhà sách Đống Đa in hai cuốn, Bestbooks đầu tư in ba đầu sách, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng chỉ đầu tư in hai cuốn… Với các đơn vị xuất bản, Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn chủ yếu cấp giấy phép cho các đơn vị, NXB Trẻ cũng chỉ xuất bản chục đầu sách của các cá nhân gửi bản thảo và một số cuốn nằm trong cuộc thi Văn học tuổi hai mươi. NXB Văn học đầu tư tái bản một số tác phẩm thuộc các dự án đặt hàng của thư viện và nhà sách tư nhân…
 
 Ông Nguyễn Thành Nam - Quyền Tổng biên tập NXB Trẻ nhận định: Hiện nay, trên thị trường chưa có số lượng thống kê chính thức, nhưng qua quan sát của chúng tôi thì dòng sách văn học lịch sử Việt Nam chiếm số lượng khiêm tốn, khoảng 10% tổng lượng sách văn học xuất bản hằng năm.
 
 Có lẽ, NXB Phụ nữ là đơn vị đầu tư in ấn, phát hành nhiều tiểu thuyết lịch sử nhất. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ nữ cho hay: “Dòng sách tiểu thuyết lịch sử chiếm khoảng 20% trong tổng số sách văn học Việt Nam được chúng tôi đầu tư xuất bản, rất nhiều tên tuổi đã chọn lựa hợp tác với chúng tôi để cho ra đời đứa con tinh thần. Cũng phải nói rằng, việc đầu tư in tiểu thuyết lịch sử rất tốn kém, sách dày sẽ đội giá in cao, muốn làm đẹp cho bắt mắt thì giá bìa càng phải tăng, nên ảnh hưởng đến sức mua của bạn đọc”.
 
 Đồng quan điểm ấy, anh Đặng Thiên Sơn, người sáng lập Thiensonbooks, chia sẻ thêm: “Hiện ít đơn vị tư nhân đầu tư và khai thác mảng này. Các tác giả viết đề tài lịch sử vẫn còn ít, nhất là các tác giả trẻ. Từ đó nguồn bản thảo đầu vào rất khan hiếm. Mặt khác dung lượng nội dung của tiểu thuyết lịch sử thường lớn. Chi phí cho biên tập, dàn trang và in ấn rất tốn kém, trong khi việc phát hành lại rất chậm, thu hồi vốn lâu nên các đơn vị làm sách ngại đầu tư. Một nguyên nhân vô cùng lớn ảnh hưởng đến việc tiểu thuyết lịch sử ít được các nhà làm sách đầu tư, đó là kén bạn đọc”.
 
 Độc giả Việt Nam đại chúng những năm gần đây vẫn quen các dòng sách “mì ăn liền”, ngắn, mang tính giải trí… Để đọc được tiểu thuyết lịch sử thì người đọc phải ít nhiều có kiến thức chính sử. Trong khi, nhiều tác giả lại viết chưa tới tầm. Ông Nguyễn Thành Nam, tâm sự: “Do đặc thù, đòi hỏi chất lượng tiểu thuyết lịch sử rất cao, nên NXB Trẻ cũng thường xuyên… trả lại bản thảo. Có bản thảo thì viết thiên lệch về nghiên cứu sử khiến người đọc tưởng đang đọc tác phẩm phi hư cấu, sách thuần lịch sử. Những bản thảo đó thiếu tính sáng tạo, yếu tố hư cấu, thậm chí cá tính của nhà văn, khiến bản thảo đọc khô khan, không cuốn hút. Nhưng có bản thảo quá hư cấu thì lại xa rời lịch sử, có thể khiến độc giả hiểu sai lệch lịch sử”.
 
 Là tác giả, đồng thời là người làm công tác phát hành, nhà văn Phùng Văn Khai, chủ Nhà sách Như Quỳnh, chia sẻ: “Đơn vị làm sách tư nhân hiện có không ít bất cập. Nếu họ quan tâm đến tiểu thuyết lịch sử thì cũng vì lợi ích. Họ quan tâm sách có câu khách không, bán chạy không. Thậm chí là có "gây sự" không? Ít khi họ quan tâm tới lợi ích về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc. Điều này cũng không thể trách họ bởi tất cả đều phải mưu sinh. Nhưng điều này dễ phương hại tới sự phát triển của văn học, bởi nếu nhà văn thiếu bản lĩnh sẽ chạy theo họ để ra sách, nổi tiếng”.
 
 Thêm nữa, thị trường sách còn gặp khó khăn lớn vì sự quan liêu, tắc trách, trục lợi của một bộ phận trong hệ thống phát hành, đối tác mua sách. Hiện nay phần trăm cho phát hành, nhất là các đối tác mua sách luôn được đẩy lên quá cao, đến mức phi lý. Bởi vậy, các đơn vị làm sách đã tìm cách lách luật như đội giá bìa, giảm định lượng giấy, khai khống số lượng phát hành, thậm chí bên mua không cần sách mà chỉ làm hợp đồng giấy… Nhiều sai phạm đã bị cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý nhưng xem chừng chỉ như muối bỏ biển.
 
 Nỗ lực đồng hành
 
 Mấy năm trở lại đây thị trường sách đã xuất hiện một kênh tiếp cận độc giả khá quan trọng, đó là facebook. Trong khi chờ đợi các đơn vị làm sách đầu tư, quảng bá thì một số tác giả tiểu thuyết lịch sử đã chủ động phối hợp in ấn, tự quảng bá và đưa sách của mình đến với bạn đọc. Như Thiensonbooks, lần đầu tiên đầu tư, phối hợp tác giả Thiên Sơn, in tiểu thuyết Gió bụi đầy trời - tác phẩm giành giải ba trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nhà văn Phùng Văn Khai, người đã in bốn tập tiểu thuyết lịch sử: Phùng vương, Ngô vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu vương phục quốc, đã phải tự kết nối với hệ thống thư viện, đưa thông tin lên trang cá nhân để giới thiệu, tạo hiệu ứng cho các bạn đọc quen thuộc đặt mua. Từ năm 2019, nhờ kết nối facebook, các tiểu thuyết lịch sử của tác giả này được nhiều người tìm đọc, đồng thời được phát hành trên hệ thống TiKi và có lượng bạn đọc tương đối ổn định.
 
 Nhà văn Đào Bá Đoàn, Phó Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, chia sẻ: Ở thời đại công nghệ như hiện nay mỗi tác giả có một lượng bạn đọc nhất định qua facebook, zalo… Nên họ có thể đồng hành cùng các nhà sách trong việc đầu tư in ấn, phát hành. Chẳng hạn, trung bình mỗi tác giả có tới 3.000 bạn bè độc giả trên facebook. Với số lượng sách in phổ biến hiện nay là 1.000 bản, họ chỉ cần bán được cho một phần ba số bạn bè, độc giả của họ thì đã là thành công.
 
 Tác giả tự quảng bá, làm lan tỏa tác phẩm là việc vô cùng quan trọng, song theo nhà văn Đào Bá Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm kênh giới thiệu, quảng bá để dịch ra các thứ tiếng, hướng tới phát hành tiểu thuyết lịch sử Việt Nam ở nước ngoài. Cùng đó, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ cho dòng tác phẩm này thông qua thực hiện các dự án sách do nhà nước đặt hàng.
 
 Đã, đang tiếp tục đồng hành cùng không nhiều nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử, bà Khúc Thị Hoa Phượng đề xuất: Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến người viết thông qua các quỹ hỗ trợ sáng tác, đầu tư cho các NXB xây dựng các đề tài sách và cấp kinh phí xuất bản, in ấn. Mặt khác, người viết cũng phải không ngừng học hỏi và trang bị sâu các kiến thức lịch sử để có thể phân tích, lý giải vấn đề lịch sử một cách thuyết phục. Ngoài ra, để đưa tiểu thuyết lịch sử đến với đông đảo công chúng, cần có các tiết đọc sách trong các trường học để khơi gợi niềm yêu thích của học sinh đối với lịch sử nước nhà. Nhà trường cũng cần có nhiều hình thức sáng tạo để học sinh yêu thích học lịch sử, đọc sách tiểu thuyết lịch sử…
 
 Nhiều ý kiến cho rằng, các NXB hay công ty sách nên có kế hoạch, chiến lược và làm việc với tác giả ngay từ khâu chọn đề tài. Chọn đề tài nào độc giả quan tâm, đề tài nào chưa được khai thác nhiều và còn đất cho sự sáng tạo. “Các đơn vị cũng cần sẵn lòng ưu tiên đầu tư để in sách và phát hành ra thị trường. Về mặt kinh tế trước mắt có thể chưa hiệu quả, nhưng tác động xã hội và ý nghĩa về lâu về dài là vô cùng to lớn”, ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
 
 

 Phát hành sách nói chung đã khó, phát hành tiểu thuyết lịch sử còn khó hơn nhiều lần. Bởi thế, cần sự nhập cuộc, chung tay ở tất cả các khâu, từ tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành và cả bạn đọc.