Thiếu ngọn gió thu

Có một trăm lẻ một cách nấu canh tập tàng, khoai lang, khoai mỡ với các loại rau thập cẩm có, cá lưới cước nấu phớt hành thêm chút cà chút đậu có, thịt băm với mấy đọt xanh bò trên hàng rào có và chỉ lá thôi nấu suông nêm muối cũng có… Canh tập tàng không chỉ để lại trong ký ức người quê một góc ấm áp tình thân trong những ngày khó khổ, nó còn để lại trong lòng người những kho báu quanh quanh bên ngoài tô canh. Đó là tiếng cười nói rộn vui từ gia đình yên ấm. Đó là ngọn gió hây hẩy thổi từ phía mùa thu mát ngợp từ hồn người mát ra.

Một cô gái dân tộc Gia Rai giải thích cho tôi về tô canh tập tàng đang bưng trên tay: Canh tập tàng có gì nấu nấy, tức là hái mấy cái lá quanh nhà mà nấu thành canh. Riêng trong đám giỗ của cha mẹ cô thì tô canh chỉ nêm muối, không được tao mỡ hành hay thêm bột nêm gì cả vì… Cô gái nói tới đó chợt rưng rưng hai hàng lệ, giọng nghẹn đi. Mãi lúc sau, cô mới kính cẩn hai tay run run đặt được tô canh lên bàn thờ mà nói tiếp:… Vì cha mẹ em chưa được ăn mấy thứ đó bao giờ, không quen chắc là không ngon đâu. Quen. Đúng vậy! Chỉ một cái tiếng quen đơn giản ấy thôi, ngay cả thói quen nhỏ nhặt như nếp ăn nếp uống, ấy vậy mà sống cho trọn vẹn cái tiếng quen cũng đã làm cho tâm hồn con người ta trở nên sâu hơn, lớn hơn rất nhiều.

Bởi cái thói quen nó tạo ra tình và gắn sâu, bắt rễ trong chữ tình của con người. Ngày đầu tiên con trai sang Paris học, ông anh tôi, tức bác họ của cháu, đi chợ mua cho bằng được các thứ để nấu canh phớt, ở cái xứ hoa lệ này có một tô canh phớt đúng nghĩa của quê tôi gần như là điều không tưởng. Vậy mà anh tôi đã toại ý. Cá đối, cá chỉ vàng lưới cước thì không thể có nhưng cũng có thể thay vào đó bằng loại cá nhỏ gần giống. Cà chua thì dễ rồi nhưng hành lá, mà phải đúng loại hành hương, lá mảnh, thơm nức mũi. Hôm đó anh dọn tất cả đúng như bữa cơm trên cái mâm đồng cũ anh mang từ quê nhà sang, cái chén nhỏ đựng mấy trái ớt xiêm xanh anh cũng không quên. Cả nhà quây quần kịp lúc anh vừa tháo cái tạp dề nấu bếp. Anh ngồi xuống và hỏi cả nhà: “Còn thiếu thứ gì nữa không?”. Quá đủ rồi! Rất Việt Nam! Nhưng khi vừa bưng chén, anh đã ngồi bần thần. “Thiếu!” Cả nhà, ai cũng nhìn quét quanh bàn, chị vợ người Pháp của anh đã nhổm người dậy sẵn sàng xem thiếu thứ gì thì đi vào bếp lấy thêm ra. Xa xăm, bần thần một hồi anh mới hạ giọng: “Thiếu… ngọn gió thu”.

“Úi trời! Ở giữa Paris thì tìm đâu ra ngọn gió này”, con trai tôi nghĩ thầm trong bụng vậy nhưng không dám nói, sau này khi kể lại cháu chỉ buông một câu: “bệnh nhớ quê”. Tôi nói nhớ quê không phải là bệnh tật gì, nhớ quê tới mức ăn cơm mà thấy thiêu thiếu ngọn gió sau hè thì phải nói là con người ấy quá mẫn cảm và đời sống nội tâm rất phong phú. Sống vậy mới là sống chớ! Bây giờ, người ta ào ào sống, thức ăn nhanh, yêu vội, bước giữa ngàn người mà chẳng nhớ ai, gặp người quen ôm hôn thắm thiết rồi buông tay ngượng ngùng “Tên cũ hả?”, có người còn quên luôn tên người mình đã từng yêu, đã từng sống như vợ chồng một thời… vậy nên người ta thấy chuyện nhớ quê hiếm hoi là bệnh đó thôi.

Cái ngọn gió thu ấy không đơn thuần là ngọn gió, nó chứa chất bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ, nó chứa chất cả kho báu ký ức của cả một đời người. Hỏi vậy sao không thấy thiếu giữa chốn phồn hoa? Sao không nhớ đến quặn người giữa đủ đầy lấp lánh?

Con người ta tới lúc nào đó ngồi khác chỗ, khác hướng, lạ nhà đã ăn uống không ngon. Con người ta có lúc nào đó đời sống bỗng có sự hòa trộn giữa ký ức sống động và những sát na hít thở hiện tại, giữa lộng lẫy cái cảm thương khó nghèo xưa cũ và mầu xám xịt hiện tại của đủ đầy sang trọng xa hoa. Con người ta lúc nào đó không cần đến tấm gương soi vẫn rõ mồn một mình là ai, mình cần gì, đối diện thật thà với chính mình. Con người ta lúc nào đó bụi phù hoa không còn bám được, một tô canh tập tàng của thời nghèo rớt mùng tơi, nghèo rơi nước mắt vẫn trở thành báu vật vô giá.

Tô canh tập tàng của cô gái người Gia Rai đâu chỉ là món canh rau thập cẩm, nó được nêm bằng nước mắt thương mẹ nhớ cha. Tô canh phớt của anh tôi giữa Paris hoa lệ đâu chỉ cá lưới cước với hành thơm, nó còn có cả mùi vị của nơi chôn nhau cắt rốn, mùi vị của hương đồng cỏ nội, của nơi lẫm chẫm bước đi, nơi chân sáo tung tăng ngày bé và cả ánh mắt ba má chị em, có người đã biền biệt cõi xa. Nghĩ tới thôi, nhớ tới thôi thì thật ra người ta đã có trong lòng! Thiếu ngọn gió đầy xúc cảm thực là thiếu cái tình quê, tình người đó thôi.