Tặng hoa cho nhà cổ

Trầm. Ấm. Thâm nghiêm. Những nếp nhà cổ đã hiện diện và làm nên vẻ đẹp của làng và văn hóa làng. Đôi khi chúng ta chùng xuống để ngẫm ngợi, sống chậm lại vì những nếp nhà cổ nơi ngoại thành Hà Nội. Cũng đôi khi chúng ta thấy mến yêu cuộc sống này, khi không gian nhà cổ đã níu mỗi người xuôi về miền ký ức xưa cũ mà ngày nay hiếm thấy, hoặc khó tìm.

Bởi thế mà một số bạn trẻ phố phường đã tìm về các ngôi làng để trải nghiệm. Coi đó như chuyến “phượt làng” như thể để tìm kiếm trong vội vàng những thứ có khả năng sẽ mất đi. Như thể nếu không đi để trải nghiệm thì ngày sau không còn cơ hội. Tôi ấn tượng vì có bạn cẩn thận chuẩn bị mang theo hoa. Hoa không chỉ làm đạo cụ chụp ảnh. Hoa để dành tặng nhà cổ. Hoa cài lên những bức tường rêu, trên cây cột mốc xám vì thời gian. Hơn thế sự thanh tân của họ đã khiến không gian thâm nghiêm trầm lắng như được bừng thức. Quá khứ và hiện tại quyện hòa. Cái xưa cũ và cái mới mẻ trong sáng tròn đầy giao thoa. Nhiều cô gái tặng lại nhà cổ những ánh mắt nhìn ấp iu non trẻ và lúm đồng tiền lúng liếng. Các bạn trẻ được no thỏa chụp hình trong không gian văn hóa làng. Tâm hồn họ giàu có vì được trải nghiệm, chứ không chỉ biết thụ động uống bụi bặm và ồn ào của phố xá lúc nào cũng đông nghịt.

Tôi đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để tìm hiểu về những ngôi làng cổ, ở đó có những ngôi nhà, di sản ký ức mà nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã kỳ công gìn giữ. Ấy thế mà đôi khi chúng ta bất lực trước sự thay đổi của thời gian, nếp nghĩ giới trẻ khi họ không quan tâm đến nền nếp cũ. Họ sẵn sàng vì sự tiện nghi mà phá bỏ nhà cổ, xây nhà ống hiện đại, lắp điều hòa chạy phè phè. Họ sẵn sàng đổ bê-tông lên những con ngõ xưa được lát gạch nghiêng, đi dưới bóng cây xanh mà mát lạnh hai bàn chân. Họ cũng đập bỏ cả những chiếc cổng làng, cổng xóm - những chứng nhân văn hóa lịch sử và thời gian. Ở những pho cổng làng, bao nhiêu dấu tích của sự phát triển văn hóa, sự vạm vỡ của đời sống kinh tế hay những kỳ vọng vào tương lai đều bị gọt đẽo, bào mòn.

Vì sao thế? Vì vô tâm, thiếu hiểu biết, hay vì quả tim thực dụng đã trồi lên lấn lướt tất cả?

Tôi cũng đã gặp sự đau lòng ấy ở nhiều nơi đi qua và thấy óng ánh trong đôi mắt người già là ước mơ. Ước mơ được giữ nguyên hiện trạng, cải tạo những nếp nhà cổ đã sống hàng trăm năm giữa cuộc đời này. Điển hình như đến làng cổ Cự Đà. Người dân ít đất, đời sống đã phát triển rồi, cư dân đông hơn mà đất đai không tự nó sinh thêm được. Thành thử những nếp nhà cổ cũng bị hạ để làm nhà cao tầng. Người già hì hụi tiếc. Các cặp vợ chồng mới cưới được xây nhà bê-tông cốt thép thì hả hê. Hai trạng thái cảm xúc ấy, sẽ chẳng biết cái nào đau hơn. Ai cũng sẽ nghĩ các cặp vợ chồng trẻ sướng. Vì từ đây họ sống tiện nghi, thoải mái. Không. Nhầm. Họ mới khổ vì họ không biết giá trị của nhà cổ hoặc vì điều kiện mà chính họ phải tự tay tước đi sự sống của nhà cổ. Đó là một mất mát.

Sự thể tương tự cũng diễn ra khi tôi về làng Tây Mỗ, Thụy Hương và hàng chục ngôi làng khác ở Hà Nội. Các cụ già râu tóc bạc phơ, ánh mắt điềm tĩnh nhưng cũng đầy trở trăn tiếc nuối. Trên mỗi nếp nhăn của họ là dấu tích của sự từng trải, lam lũ và kỳ vọng. Nhà cổ đã sống và họ đã quây quần bên nhà cổ. Nhà cổ là bạn bè thân tín của người già yêu nếp cũ xưa. Đô thị hóa là một quá trình phát triển. Nhưng ở ta thiếu sự quy hoạch bền vững và đô thị phát triển quá tự phát, thiếu tính kế thừa. Chúng ta nói gì với nhà cổ và nhà cổ nói gì với chúng ta? Chúng ta cần phải cộng sinh và coi mỗi ngôi nhà là một thực thể sống, một số phận, tính cách. Đó cũng là cách tặng hoa cho các ngôi nhà.

Sẽ có những bài toán khác nhau để giữ làng, giữ nhà cổ. Nhưng nếu cứ chậm chạp bình chân như trùng trình sương sớm, thì trong màn sương ấy, nhà cổ mất, sập hoặc cái cột cái kèo mục ruỗng, làm sao chúng ta cứu vãn?