Mùa chinh chiến ấy và khúc tráng ca người lính

Với lối viết mộc mạc, tự nhiên, giọng điệu chân thành, da diết, cuốn hồi ức chiến binh Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn đã tái hiện một giai đoạn lịch sử khốc liệt và hào hùng, cay đắng và vinh quang, ẩn sâu là số phận những người lính bình dị mà phi thường, đau thương và bi tráng.

Tác giả Đoàn Tuấn (bên phải) tặng sách cho đồng đội. Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tác giả Đoàn Tuấn (bên phải) tặng sách cho đồng đội. Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Mùa chinh chiến ấy và khúc tráng ca người lính ảnh 1

1 Mùa chinh chiến ấy là một tác phẩm phi hư cấu, được viết dưới dạng hồi ức của một người lính đã từng đi qua cuộc chiến. Sau khoảng 40 năm, những câu chuyện, những cuộc đời, những số phận của một thời tưởng chừng như đã bị trôi vào quên lãng nay được "sống lại" một cách viết chân thực, sinh động, đầy ám ảnh.

Với Ðoàn Tuấn, được sống và kể lại như là món nợ cần phải trả cho những đồng đội thân yêu và ruột thịt, những người đã sống, đang sống và cả những linh hồn đang còn lẩn khuất giữa bạt ngàn rừng xanh núi thẳm: "Mỗi người lính quả là một thế giới diệu kỳ, một kho tàng tri thức dân gian. Nếu coi đó là một cuốn sách hay, biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời. Nhưng cũng thật đáng tiếc. Vì chiến tranh. Những cuốn sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy, cũng chìm đi, lẫn vào trong bao câu chuyện đời thường. Làm sao góp nhặt lại để tặng cho mỗi người, cho đồng đội tôi?" [tr.284].

Bằng sự nhạy cảm và điềm tĩnh trước mọi tình huống cùng khả năng quan sát tinh tường, ghi chép tỉ mỉ - những tố chất sẵn có của một người lính thông tin, Ðoàn Tuấn đã tái hiện "mùa chinh chiến" nơi biên giới Tây Nam trong những năm 1978 - 1983 khốc liệt mà tuyệt đẹp, lôi cuốn và giàu sức ám gợi. Gương mặt chiến tranh hiện lên hào hùng nhưng không kém phần khắc nghiệt: những cuộc hành quân gian nan dài hàng nghìn cây số từ biên giới vượt sông Mê Công tiến về hướng tây đến vùng Ðông Bắc đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu; những trận đánh ác liệt một mất một còn với kẻ thù tàn bạo, hung hãn nơi vùng hiểm địa, trong khe đá hang sâu, giữa núi cao sông dài; có những chiến thắng oanh liệt và cả những thất bại đau đớn. Không chỉ đối mặt với sự bao vây, tập kích, sự chống trả quyết liệt, liều lĩnh của kẻ địch, những người lính còn phải thấp thỏm lo âu bởi sự hiểm độc của rừng già, nơi ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy âm thầm đe dọa đến sinh mạng các chiến binh. Ở đó, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong nháy mắt; nơi mỗi phum làng được giải phóng, từng giây phút bình yên của người dân đều phải trả bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam. Có sự hy sinh anh dũng, đẹp đẽ, rạng ngời, nhưng cũng có cái chết tức tưởi, uất nghẹn, phi lý. Chiến tranh là vậy, và Ðoàn Tuấn đã không né tránh mảng hiện thực gai góc, trần trụi, nghiệt ngã đến tận cùng ấy. Bởi là người chứng kiến và nếm trải trong lòng cuộc chiến, ở một cự ly sát gần, anh hiểu hơn ai hết "chiến tranh không phải trò đùa": "Ðời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Ðời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi qua một kiếp người" [tr.240].

Vừa hoài niệm vừa suy tư, vừa tự hào vừa xót đắng, Ðoàn Tuấn đã phác họa nên chân dung tinh thần của một thế hệ người lính nhập ngũ sau 1975 với nhiều sắc độ: vẻ hào sảng, bi tráng; nét trữ tình, lãng mạn; chất hồn hậu, bình dị; sự trẻ trung, hóm hỉnh. Vất vả, thiếu thốn trăm bề, bệnh tật liên miên, hiểm nguy rình rập, cái chết cận kề, nhưng người lính đã biết vượt qua mọi gian khổ, thử thách, chiến thắng hoàn cảnh, bệnh tật, chiến đấu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Khmer Ðỏ.

Trong những năm tháng khốc liệt ấy, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của người chiến sĩ được thắp sáng trong tình đồng chí, tình quân dân mặn nồng, sâu đậm. Bên đồng đội, họ tồn tại, sát cánh cùng nhau trên chiến trường; nhường cho nhau từng ngụm nước hiếm hoi, từng miếng ăn ít ỏi; chia sẻ với nhau những ấm lạnh của cuộc đời riêng, những kỷ niệm khó quên nơi quê nhà, và những tình cảm thầm kín, thành thật, cháy bỏng của một thời trai trẻ.

2 Ðoàn Tuấn đã cảm nhận, thẩm thấu mọi tần số và thanh âm bình dị nhưng thiêng liêng của cuộc sống bằng tất cả các giác quan và trải nghiệm của mình. Người lính trẻ trân trọng từng tiếng học bài ê a, tiếng hát đồng ca của bọn trẻ, giọng hát trong trẻo, diệu kỳ cất lên giữa núi rừng báo hiệu sự hồi sinh; thổn thức với những vần thơ trên cánh võng, những cánh thư lính; nao lòng với hình ảnh thiếu nữ ngồi dệt vải, bà mẹ ngồi chải tóc bắt chấy cho con bên cầu thang nhà sàn; nghẹn ngào xúc động khi những thanh âm tiếng Việt thân thuộc vang lên như những tiếng gọi của quê hương giữa bạt ngàn núi rừng, nơi heo hút xứ người; và xót xa, đau đớn nghe tiếng gọi "Mẹ ơi" của đồng đội lúc ngã xuống…

Cũng chính từ trong bom đạn chiến tranh, số phận và nhân tính của người lính được nhà văn thể hiện chân thực đến nghẹn lòng. Những trạng huống tâm lý được phơi trải, những cung bậc cảm xúc được trưng ra, những yêu thương, đau đớn, lầm lạc của một kiếp người được sẻ chia. Trước muôn trùng hiểm nguy của sinh - tử, những người lính cũng có những giây phút yếu lòng, sợ hãi, trống rỗng; giữa ngọn lửa hừng hực sức trai, họ không thể thoát khỏi tiếng gọi nguyên sơ của vô thức, bản năng. Những người lính trẻ không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ phía kẻ thù, mà còn đối diện với thách thức về phẩm chất, đạo đức, nhân tính. Hình tượng người lính được Ðoàn Tuấn soi rọi dưới góc nhìn đa chiều: ánh sáng và khuất lấp, anh hùng và hèn nhát, ý thức và vô thức, hiện thực và tâm linh, khát vọng và dục vọng, yêu thương và thù hận, cống hiến và tự mãn, cao thượng và ích kỷ. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, và cần hơn bao giờ hết sự sẻ chia.

5 năm sống và chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, một khoảng thời gian không dài với cuộc đời mỗi người, nhưng với những người lính mười tám, đôi mươi như Ðoàn Tuấn và đồng đội anh ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ. Ðó là phần đời dữ dội, khốc liệt, ám ảnh mà rất đỗi thân thương, đẹp đẽ, hào hùng. 5 năm chiến đấu, 40 năm nghiệm suy và 450 trang sách đủ sức chinh phục, lôi cuốn độc giả nhiều thế hệ bởi sự chân thực, sự trải nghiệm không chỉ của một cá nhân mà của cả một thế hệ thanh niên. Những góc khuất thẳm sâu nơi tâm hồn người lính, những sự thật ở "bề sau, bề sâu, bề xa" của cuộc chiến được Ðoàn Tuấn thể hiện trực diện không những không làm mất đi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ và ý nghĩa lớn lao của cuộc chiến mà còn mang lại giá trị hiện thực và tinh thần nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.

3 Với Mùa chinh chiến ấy, Ðoàn Tuấn trở thành người thư ký trung thành của thời đại anh, nói về thế hệ mình - tiếng nói được cất lên từ lương tâm người lính, từ ý thức trách nhiệm của một con người. Tác phẩm vang lên như một khúc tráng ca để thế hệ của anh tự hào, kiêu hãnh về những năm tháng đã sống, chiến đấu và hy sinh một phần tuổi thanh xuân. Nó còn là một khúc nguyện cầu an ủi, xoa dịu, hóa giải cho những thiệt thòi, mất mát, đau thương của các linh hồn đã khuất. Lắng nghe và nghiệm suy tiếng nói ấy, người đọc hôm nay sẽ nhận diện được gương mặt lịch sử; thấu hiểu, đồng cảm với những đau thương và vinh quang, nhọc nhằn và kiêu hãnh của một thế hệ, để nhắc nhớ trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình.