Gỡ rối cho ngành... rối

Hiện tượng thương mại hóa nghệ thuật múa rối đang diễn ra âm thầm, thể hiện ở các mặt từ tạo hình con rối cho đến nghệ nhân biểu diễn, tư duy làm nghệ thuật. Một tài sản nghệ thuật truyền thống quý giá đã và đang bị phát triển một cách méo mó, vụng về…

Cảnh trong vở rối Linh thiêng hai tiếng đồng bào (NH Múa rối Thăng Long).
Cảnh trong vở rối Linh thiêng hai tiếng đồng bào (NH Múa rối Thăng Long).

Cách tân dẫn đến… phá rối

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lo lắng cho biết: Ông đã từng bỏ về giữa một cuộc hội thảo về rối nước bởi một vị lãnh đạo của ngành công nghiệp sáng tạo đã bàn tới việc “cơ khí hóa” sự vận hành con rối… “Tôi thấy “sợ” khi xem chuyện về chống ma túy, xe mô-tô công an chạy loằng ngoằng trên nước trong chương trình của một phường rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học”, NSƯT Lê Chức chia sẻ thêm. Rõ ràng nghệ thuật rối nước đang gặp rất nhiều những bất cập khi cách tân hoặc khai thác đề tài hiện đại.

Cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, múa rối nước đang đứng trước những đòi hỏi cách tân, cải tiến cả về nội dung và hình thức nhằm thu hút công chúng. Tuy nhiên, mọi sự sáng tạo đều có những giới hạn và tuân theo các nguyên tắc nhất định nếu không muốn làm biến dạng và mai một bản sắc. Là chủ tịch hội đồng giám khảo của nhiều cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật rối nước, Hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao đau đáu nỗi lo: “Cả nước có khoảng 10 nhà hát và phường rối nước chuyên nghiệp ở các tỉnh nhưng cứ tới các kỳ liên hoan, hội diễn thì thường chỉ có hai nhà hát ở Hà Nội tham gia, các tỉnh xin “chào thua”. Bản thân các phường biết trình độ của họ còn non và chương trình cũng chẳng có gì mới. Nguyên nhân phần nào do sự phát triển rối nước rơi vào “hội chứng đám đông”, “người người nhà nhà làm rối nước”. Các yếu tố quan trọng trong thời kỳ hội nhập như chất lượng nghệ thuật, hàng thật, cách thức giới thiệu là những cái mà ngành rối chưa thể làm được. Sân khấu còn gì là thánh đường khi các nghệ sĩ có suy nghĩ diễn cho xong và như người thợ quen tay”.

Nếu với cách tư duy nhận thức làm nghệ thuật cách tân phá rối như một số phường rối hiện nay thì nhiều ý kiến cho rằng thà những người làm rối cứ “ăn mày” những khuôn vàng thước ngọc của cha ông còn hơn là đưa tới những sáng tạo lệch lạc. Điều dễ nhận thấy là gần như hầu hết các phường rối nước trên toàn miền bắc đều chủ yếu diễn 16 trò múa rối nước dân gian cũng như tạo tác quân trò rối được rút ra từ phường rối Nam Chấn ở Nam Định và phường rối Nguyên Xá ở Thái Bình từ cách đây gần 30 năm. Nhưng việc sao chép này lại thiếu nghiêm túc, nhất là về phần tạo tác quân trò rối. Quân trò rối được làm thiếu chú ý đến việc điêu khắc mỹ thuật truyền thống, con rối sơn vẽ mầu sắc tùy tiện xa dần màu sắc dân gian, thậm chí còn dùng cả sơn hóa học nguyên sắc của nước ngoài để vẽ; khối hình tạo tác các nhân vật giống nhau không thể hiện được tính cách, lý lịch riêng biệt… Trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi lần lượt ra đi, thế hệ kế cận lại bị đứt quãng.

Cần gỡ rối cho rối…

NSND Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, để thay đổi diện mạo rối nước Việt có rất nhiều việc phải bắt tay vào làm ngay, đặc biệt ở góc độ chuyên môn. Điều quan trọng là phải bám sát đối tượng để khai thác, để khán giả cảm thấy rối Việt gần gũi, gắn bó với đời sống tinh thần của họ. Một số chương trình rối nước tại các cuộc thi nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế gần đây cũng đã bắt nhịp được phần nào khuynh hướng này. Đó là Truyện cổ Andersen (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Chương trình rối nước Bay lên từ mặt nước, Linh thiêng hai tiếng đồng bào (Nhà hát Múa rối Thăng Long)… Những người làm rối đã biết cách khai thác những nét văn hóa của Việt Nam làm phong phú cho rối nước dân gian, đồng thời có kết hợp với yếu tố hiện đại như sử dụng nhạc sáng tác mới, tăng cường nhiều loại nhạc cụ dân tộc và hệ thống máy chiếu với hình ảnh và lời bình cô đọng.

Tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ tư, các vị giám khảo nước ngoài đã đánh giá cao những thành công của múa rối nước Việt Nam như việc “rối hoá” ballet kinh điển Hồ Thiên Nga vào sân khấu rối nước ở Bay lên từ mặt nước (Nhà hát Múa rối Thăng Long), sự kết hợp khéo léo giữa rối nước truyền thống với thể loại cắt giấy sinh động, nghệ thuật sắp đặt… trong Chuyện tình Dạ Trạch (Nhà hát Múa rối Việt Nam). Đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Pháp, khán giả châu Âu đã vô cùng bất ngờ khi được xem Truyện cổ Andersen qua sân khấu rối nước của Việt Nam tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss, Bảo tàng Quai Branly, trung tâm Thủ đô Paris, nơi chỉ dành cho các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, uy tín mang tầm cỡ quốc tế.

Tất nhiên, không phải nhất thiết địa phương nào cũng rập khuôn một cách trình diễn múa rối nước bởi như vậy sẽ làm thui chột tính sáng tạo. Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu giải trí đa dạng, do đó đòi hỏi mọi loại hình nghệ thuật phải có sự cách tân, đổi mới để thu hút công chúng và múa rối nước không nằm ngoài quy luật đó, điều cần thiết là không được làm biến dạng, mai một bản sắc.

Có rất nhiều bài toán cần được tháo gỡ từ cơ chế, chính sách cho tới việc tiếp cận khán giả, marketing quảng cáo cho múa rối nước, chuyên nghiệp hóa các phường rối… Tuy nhiên, những cái khó muôn thuở này vẫn chưa phải là nguyên nhân chính cho sự chậm phát triển và hội nhập của rối nước. Bản thân những người trực tiếp đang làm nghệ thuật rối nước cần phải thay đổi từ nhận thức tư duy sáng tạo nghệ thuật cho tới việc vận hành cho bộ máy của từng đơn vị, để tìm được cách đi riêng tạo được dấu ấn và phong cách cho phường rối.