Trao đổi ý kiến

Giải thưởng văn chương trước nguy cơ... mất giá

LTS - Sau khi bài viết “Bất cập từ giải thưởng hằng năm của các hội VHNT” đăng tải trên số báo Nhân Dân cuối tuần số 40 (ra ngày 1-10), chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực quanh vấn đề mà bài báo đề cập. Để góp phần đánh giá, kiến giải sâu hơn, và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giải thưởng của các hội VHNT, từ số báo này, Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu một số ý kiến, góc nhìn của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ về vấn đề này.

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội thường gây được chú ý và đánh giá cao vì sự dũng cảm đứng về phía cái mới, cái khác.
Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội thường gây được chú ý và đánh giá cao vì sự dũng cảm đứng về phía cái mới, cái khác.

Công chúng nhiều năm qua vẫn chú ý, hào hứng theo dõi các giải thưởng, bởi họ tin vào sự thẩm định của các hội đồng chuyên môn với sự tham dự của những cây bút lão làng, các nhà phê bình có uy tín. Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, những giải thưởng gần đây đang trở thành “di sản bị mất giá” đáng lo ngại.

1 Giải thưởng văn chương ở Việt Nam có nhiều loại, rất đa dạng nhưng cũng rất khó quản lý. Ngày nay, gần như mọi cá nhân và tổ chức đều có thể đứng ra thành lập giải thưởng của riêng mình, từ tổ chức hội văn nghệ, đến nhà xuất bản, tạp chí, cá nhân, đại sứ quán, các quỹ văn học nghệ thuật… Có giải thưởng thường niên và giải thưởng không thường niên…

Nhìn chung, tôi đồng ý với quan điểm cần đa dạng hóa trong tổ chức giải thưởng văn chương, vì nó là biểu hiện của một đời sống lành mạnh, chấp nhận những cách nhìn nhận, mục đích khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn giải thưởng văn chương nhiều năm qua cũng đặt ra những vấn đề rất đáng trăn trở. Đầu tiên là “tính mặt trận” của một vài giải thưởng, khiến giải thưởng có nguy cơ trở thành nơi nhiều khi tôn vinh cho tác giả, chứ không phải tác phẩm, hoặc bị chủ nghĩa quân bình chiếm ưu thế. Thực tiễn cho thấy, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và đặc biệt là của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam định kỳ mỗi năm trao một lần phải đứng trước nhiều sức ép. Thứ nhất là sức ép về tác phẩm hay, dẫu chúng ta đều biết không phải năm nào, trên mọi lĩnh vực, thể loại đều có tác phẩm xứng đáng để trao giải, thế nhưng không thể có một năm nào đó không trao. Thứ hai là sức ép về số lượng hội viên, và nhu cầu “được tôn vinh” qua giải thưởng. Hội viên thì đông, chuyên ngành thì phong phú, không ít người dự thi nhiều năm mà chưa được gì, hoặc tuổi cao sức yếu gần đất xa trời, dẫn đến không trao giải cũng không được. Đó là chưa kể đến các mối quan hệ ở hậu trường, hay cơ chế “xin - cho” trong việc xét giải thưởng.

Một năm Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật T.Ư và địa phương có đến vài chục giải thưởng cần trao, vì có nhiều chuyên ngành, chi hội (văn học, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc…), trong từng chuyên ngành hay chi hội lại có nhiều thể loại, trong từng thể loại lại phân thành giải hạng A, B, C, giải tác giả trẻ… Đó là chưa kể có nhiều người có thể cùng đồng giải thưởng. Do đó, trên thực tế, giá trị tiền thưởng của nhiều giải thưởng văn chương chỉ từ vài triệu đến tầm hơn chục triệu. Giải thưởng trở thành “một miếng giữa làng” mà ai cũng muốn giành lấy một chút “làm tin”, chủ yếu là vì danh dự cầm bút.

2 Giới hạn khác cũng cần chỉ ra đó là các tiêu chí chấm giải cũng chưa thật rõ ràng, sự cảm tính của các hội đồng chấm giải thể hiện khá rõ. Gần đây, theo dõi các cuộc thi truyện ngắn trên một số tờ báo văn nghệ có uy tín của ngành vũ trang hay báo Văn nghệ, tôi thấy đôi khi người ta trao giải cho… cả chùm truyện ngắn của một tác giả? Tại sao vậy? Nếu trao giải cho một chùm thơ thì còn có thể hiểu được. Do dung lượng ngôn từ của thể loại thơ vốn ngắn (so với các thể loại khác), và đặc trưng nghệ thuật của thơ chủ yếu nằm ở tính triết lý, nhạc tính, tứ thơ… mà những phạm trù này thường chỉ bật lên khi đặt vài văn bản cạnh nhau. Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn vốn dĩ độc lập và toàn vẹn trong một văn bản. Bút pháp, cốt truyện giữa các tác phẩm nhìn chung là khá đẳng lập, dung lượng của truyện ngắn nhìn chung là trung bình, không dễ để có thể đăng một chùm truyện ngắn cạnh nhau trong một số tạp chí nhằm tiện so sánh đối chiếu. Vả lại, nếu trao giải cho một chùm truyện ngắn, thì ban tổ chức đang trao giải cho tác giả hay là trao cho tác phẩm?

Nhiều tác giả truyện ngắn được trao giải trước đây thông thường chỉ cần một truyện ngắn thôi là đã bật lên được bút pháp và giá trị nghệ thuật, đã xác lập được chỗ đứng trên văn đàn. Thí dụ như Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, Con thú bị ruồng bỏ của Nguyễn Dậu, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Thung Lam của Hồ Thị Ngọc Hoài… Phải chăng, chính các ban tổ chức giải thưởng văn học cũng không tự tin, chắc chắn lắm với những lựa chọn của mình, nên để cho an toàn, ngoài việc cứ trao thật nhiều giải (A, B, C, D, khuyến khích, triển vọng, đồng giải…), thì họ trao cho một chùm các tác phẩm. Vì rõ ràng nhiều tác phẩm sẽ tránh được việc dư luận, các nhà nghiên cứu soi trực tiếp, cụ thể vào một truyện.

Chúng ta không thể làm trung bình cộng giá trị nghệ thuật của các tác phẩm cùng một tác giả, để chúng tương hỗ nhau trong xét giải, mà chỉ nên làm đúng chức năng khi xét giải, là “so bó đũa chọn cột cờ”.

3 Dù biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể tham khảo cách thức tổ chức giải thưởng của Giải Nobel. Mỗi năm họ chỉ trao giải cho một nhà văn, với một tác phẩm tiêu biểu nhất, với lời đề từ rõ ràng như là lý do trao giải. Dĩ nhiên, Giải thưởng Nobel Văn chương cũng có khi gây ra nhiều sóng gió dư luận, thí dụ trường hợp dành cho nhạc sĩ/ca sĩ Bob Dylan, nhưng ngay cả khi như vậy, chúng ta còn có thể biết phê phán họ vì điều gì. Trong khi ở Việt Nam, giữa một rừng tác phẩm được trao (vì trao theo chùm tác phẩm), cộng thêm một rừng tác giả được trao đến mức xôm tụ, chúng ta không biết phê phán từ đâu, ngợi ca từ đâu, và nhanh chóng lãng quên những người đoạt giải.

Một số giải thưởng lớn gần đây về cơ bản bị đánh mất uy tín vốn có, không tạo được tiếng vang và đa số các tác giả được trao đều nhanh chóng bị rơi vào im lặng. Có cảm giác các hội đồng chấm giải bị quá tải, bởi sự bùng nổ về mặt số lượng tác phẩm (do hệ quả của quá trình tự do trong in ấn, cá nhân có thể tự bỏ tiền in), nhưng lại hạn chế về mặt chất lượng. Quả thật ái ngại cho những hội đồng thơ hay hội đồng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi năm chấm giải lại phải đối mặt với một “núi” tác phẩm của hội viên và không phải hội viên gửi lên. Sự đọc của hội đồng, dẫu muốn, cũng khó kỹ càng và chi tiết, nên để an toàn, cứ chọn những cây bút lão làng, có danh tiếng hay những tác phẩm “tròn trịa”. Có giai thoại mà những “người trong cuộc” của các cuộc thi, giải thưởng chia sẻ với tôi rằng, số tiền chi cho ban tổ chức, ban giám khảo thường chiếm số lớn tổng chi phí, nhiều khi còn lớn hơn cả số tiền giải được trao, cũng vì lẽ ấy.

Những năm gần đây, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội thường gây được chú ý và đánh giá cao, cho dù không phải năm nào và giải thưởng nào cũng đạt được sự đồng thuận. Tiêu biểu như “sự cố” tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư đã vướng phải lùm xùm “đạo thơ” gây xôn xao văn đàn. Nhưng nhìn tổng quan, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội là sự dũng cảm đứng về phía cái mới, cái khác, sẵn sàng bảo vệ cho quan điểm và tiêu chí của riêng mình. Các tác phẩm được trao giải thông thường mang lại một giá trị cách tân về mặt tư tưởng và nghệ thuật rõ nét, thí dụ năm 2015 giải đã trao cho nhiều tác phẩm xứng đáng: Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Trên đường biên của lý luận văn học (Trần Đình Sử), hay những năm trước đó là giải thưởng dành cho các tập thơ nổi bật như Xem đêm (Phùng Cung), Những kỉ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung), tiểu thuyết như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), lý luận phê bình như Vọng từ con chữ (Nguyễn Đăng Điệp), Giăng lưới bắt chim (Nguyễn Huy Thiệp), Bút pháp của ham muốn (Đỗ Lai Thúy)... Đó là chưa kể những giải thưởng văn học dịch khá chính xác và tinh tế.

Theo thiển ý của tôi, các giải thưởng văn học nên tập trung vào chất lượng tác phẩm hơn là tính mặt trận và chủ nghĩa bình quân. Các hội đồng trao giải nên có tiêu chí rõ ràng và cần thực hiện tiêu chí ấy một cách công tâm, rốt ráo. Một giải thưởng văn chương đúng nghĩa cần có giá trị tôn vinh những khám phá mới về mặt tư tưởng nghệ thuật và hình thức thi pháp, có tính khiêu khích với những gì cũ mòn và đề cao giá trị khai phóng, tôn vinh “cái khác”. Một giải thưởng đúng nghĩa phải chấp nhận những tranh cãi, dư luận trái chiều tất yếu sẽ diễn ra, nhưng cần minh bạch, ban giám khảo có khả năng giải trình trước bạn đọc về lựa chọn của mình. Giải thưởng ấy phải bảo đảm quá trình chọn lọc, cân nhắc, nghiềm ngẫm đầy nghiêm túc và đớn đau của người chấm giải, để có thể “so bó đũa chọn cột cờ” nhằm giới thiệu đến bạn đọc những gì tinh hoa của nền văn chương.