Chiêm nghiệm lịch sử qua “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”

Nhà văn Nga nổi tiếng M. Gorki từng nói: “Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải do nhà sử học viết”. Thực tế cuộc sống cũng đã chứng tỏ rằng, lịch sử sống động, đi vào lòng người một cách dễ dàng đều bởi qua những trang văn chứ không phải là những bộ sử đồ sộ, khô cứng như hóa thạch.

Chiêm nghiệm lịch sử qua “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”

Bao quát hiện thực

Đọc cuốn tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” của nhà văn Lê Hoài Nam, NXB Hội Nhà văn 2017, người đọc có dịp chiêm nghiệm một lịch sử mới mẻ, ngồn ngộn hiện thực được khúc xạ qua một lăng kính rất riêng của người kể chuyện.

Để viết một tiểu thuyết đã khó, viết một tiểu thuyết lịch sử còn khó hơn nhiều. Bởi làm sao để tái hiện lại một hiện thực, làm sao để tạo được cái không khí cổ sử cho người đọc cảm giác như đang trải nghiệm, dấn thân vào những sự kiện lịch sử ấy. Giữa xu hướng có vẻ như đang lên của các tác phẩm viết về lịch sử của văn học Việt Nam đương đại, “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”, đúng như cái tên của nó, thổi đến chất hương đồng gió nội chân quê vào sự đón nhận của độc giả. Vì trước hết, câu chuyện được kể như một lịch sử đang diễn ra, với ngôi kể toàn tri mang tính truyền thống, cổ điển, người kể không tham dự vào câu chuyện. Lịch sử có vẻ như khách quan trước sự soi chiếu này. Một số tác giả trẻ có hứng thú khám phá lịch sử, giờ không lựa chọn ngôi kể toàn tri mà người kể chuyện hoặc xưng tôi hoặc kể lại câu chuyện thông qua cái nhìn của một nhân vật.

Nếu như với ngôi kể thứ nhất xưng tôi hoặc ngôi thứ ba giới hạn (câu chuyện được kể trên điểm nhìn của một nhân vật), có lúc người kể sẽ cảm thấy bất lực vì sự hạn chế trong tầm hiểu biết của mình với các sự kiện bên ngoài, thì với ngôi kể toàn tri, nhà văn Lê Hoài Nam cho thấy một khả năng bao quát hiện thực rộng lớn của người kể chuyện. Đây là ưu điểm nổi trội của cuốn tiểu thuyết. Chính nó đã khiến cho các sự kiện, tình tiết trong câu chuyện hiện lên sống động, ngồn ngộn như đang phơi mở trước mắt người đọc. Từ những chuyện trong cung cấm của Nguyễn Thị Anh, những chuyện ngoài sa trường của Triệu Khắc Phục, Đinh Liệt, Nguyễn Xí hay những chuyện về cuộc đời lang bạt, sóng gió của mẹ con Lê Tư Thành và Nguyễn Thị Hằng, tất cả, người kể đều nắm rõ trong lòng bàn tay và hoàn toàn chắc chắn về thông tin mà mình đưa ra. Bên cạnh đó, để tăng thêm tính thuyết phục cho người kể toàn tri, không thể không kể đến nỗ lực của chính người viết trong quá trình xử lý những sử liệu quý báu. Nếu không có một sự dày công tìm tòi, nghiên cứu về một thời đại đầy những biến động, rối ren của lịch sử và một trí tưởng tượng vô cùng phong phú thì người viết đã không thể cung cấp một cái nhìn toàn diện như vậy.

“Sự bịa đặt có thỏa thuận”

Lịch sử vốn mù mờ. Dù được viết lại thì e rằng, ai cũng có thái độ hoài nghi với lịch sử. Cùng là một sự kiện lịch sử, nhưng được nhìn nhận ở những góc độ khác nhau thì đã trở thành khác nhau. Tác giả của “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” đã dũng cảm nói ra được điều ấy. Trong truyện, Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên là hai sử quan, đảm nhận việc ghi chép lịch sử truyền lại cho đời sau. Cũng như rất nhiều sử quan trong các triều đại phong kiến, việc ghi chép thường phải khách quan, đúng sự thật. Tuy nhiên, thế nào là đúng sự thật? Ai là người kiểm nghiệm chân lý? Tất cả những gì các sử quan ghi chép lại đều bị “kiểm duyệt” một cách chặt chẽ. Trong tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”, Nguyễn Thị Anh là người đã can thiệp một cách thô bạo vào diễn tiến của lịch sử. Và thiết nghĩ, Nguyễn Thị Anh cũng chỉ là một trong cơ số những nhân vật muốn đánh tráo các sự kiện, xoay chuyển thời thế của nhà cầm quyền. Trong hồ sơ viết về Trịnh Khả, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên có viết: “Vua Thái Tông có nhiều vợ, các bà vợ gièm pha công kích lẫn nhau để tranh ngôi thái tử cho con” [Tr 31] thì Nguyễn Thị Anh đã yêu cầu: “Các ông cần sửa ngay. Ta đâu thèm tranh giành với các bà ấy. Chẳng qua họ và con của họ thấp kém nên không được vua sủng ái, tin tưởng mà truyền ngôi báu” [Tr 31]. Tiếp đến, khi các sử quan ghi “Năm 1442, vua Thái Tông đi tuần về phía Côn Sơn, mắc bệnh nguy kịch… Thái Tông mất” [Tr 31] thì Tuyên từ Hoàng Thái hậu cũng hạ lệnh “các ông phải ghi rõ Thái Tông bị Nguyễn Thị Lộ đầu độc”. Sự thỏa hiệp của các sử quan là một điều tất yếu để giữ lấy mạng sống. Ta cũng không thể trách họ khi phải chấp hành mệnh lệnh: “Chúng thần ghi chép như thế là sai ạ. Chúng thần sẽ sửa theo ý Hoàng Thái hậu ạ!”.

Chiêm nghiệm lịch sử qua “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” ảnh 1

Vì thế, lịch sử bị hoán đổi là một điều không thể tránh khỏi khi Nguyễn Thị Anh ngày càng lấn lướt, chuyên quyền: “Ta yêu cầu các ông bắt buộc phải làm theo: một là: khi soạn đến đoạn tiên đế Lê Thái Tông đi tuần và mất trên sông Thiên Đức, các ông phải ghi rõ Nguyễn Thị Lộ là con rắn báo oán. Nguyễn Trãi nuôi âm mưu phế lập đã cho Thị Lộ xuống thuyền rồi đầu độc vua chết. Thứ hai là về vụ xử tử cặp cha con Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục, các ông không nên ghi chép chuyến đi Lam Kinh của vua diễn ra trước một ngày… mà nên ghi lui về sau” [Tr 283]. Việc khống chế các sử quan càng làm cho lịch sử được ghi chép lại mang tính chủ quan.

Với một tiểu thuyết khá công phu về thời đại nhà Lê, tác giả Lê Hoài Nam đã khiến nhiều người yêu lịch sử được thỏa mãn bởi cách kiến tạo lịch sử rất riêng. Mặc dù vẫn còn một vài hạn chế trong cách xây dựng nhân vật thiếu chiều sâu tâm lý hay còn một số yếu tố ngôn ngữ hiện đại trong tác phẩm lịch sử… điều đáng ghi nhận ở “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” là một cách cảm nhận lịch sử bằng diễn ngôn văn chương, dũng cảm nói thẳng, nói thật những hoài nghi về lịch sử. Tác phẩm, vì thế, mang đến những góc nhìn riêng cho người đọc trong tiếp nhận và đánh giá lịch sử.