Từ vận động của thực tiễn...
Nhiều nhà văn thẳng thắn thừa nhận, do yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, trước kia mình còn mắc nợ cuộc đời về sự thật- sự thật về người nông dân, về chiến tranh, người lính, về những thân phận riêng và bây giờ hòa bình, họ phải trả món nợ ấy với đời, với văn học. Đằng sau những chiến công vinh quang còn có bao nhiêu hy sinh mất mát, do vậy, văn học cần nhìn nhận lại thực tại, phản ánh lại hiện thực chiến tranh, cần phản ánh cuộc sống nhiều chiều hơn nữa, phản ánh với một tầm tư tưởng mới, một tinh thần biện chứng năng động.
Theo các trí thức văn nghệ sĩ, nguyên nhân khiến văn học sau 1975 vẫn còn nghèo nàn, chưa có nhiều đỉnh cao là bởi vì yêu cầu của thời đại về phản ánh hiện thực khá chật hẹp: hoặc là chỉ phản ánh một chiều, máy móc, dung tục thực tại, phản ánh quan niệm có sẵn; hoặc là việc dự báo tương lai, dự báo những hiện tượng xấu, tiêu cực trong xã hội thường khiến cho nghệ sĩ bị buộc tội bôi đen, gieo rắc hoài nghi, mà chính điều này đã khiến cho văn nghệ sĩ dè dặt, chưa phát huy được sức sáng tạo dồi dào. Không còn cách nào khác, muốn thúc đẩy văn nghệ phát triển thêm một bước mới, cần tạo điều kiện cho văn nghệ được phản ánh toàn diện thực tại. Sự toàn diện ở đây không chỉ được hiểu là được phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực bên cạnh cái tốt, cái tích cực trong xã hội, không nên có vùng cấm nào khi phản ánh, mà còn là được dự báo tương lai, đi trước đời sống, đi trước hiện thực, chứ không chỉ lẽo đẽo chạy theo sau hiện thực hiện tại.
Như vậy thực tế đời sống, thực tế văn nghệ thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 đặt ra vấn đề đổi mới cách nhìn về hiện thực, đổi mới quan niệm về phản ánh, về mối quan hệ giữa hiện thực và văn nghệ. Không chỉ có thực tiễn đòi hỏi, bản thân văn nghệ sĩ cũng có sự thôi thúc bên trong là phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh trung thực, sâu sắc, đa dạng về hiện thực, sự thật đời sống. Phản ánh hiện thực, giờ đây được gắn liền với vấn đề tính công khai, dân chủ của xã hội và sự thành thật, cởi mở, tự do của nhà văn; nhiều nhà văn tâm niệm: đề cao dân chủ, công khai, đổi mới, tự do, đề cao sự thật là đề cao con người, nhân danh con người.
... đến sự thay đổi của tư tưởng lý luận
Các nhà lý luận, phê bình văn nghệ thời Đổi mới cũng đặt lại, lý giải lại vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Họ thảo luận cởi mở, thẳng thắn về chức năng, đặc trưng của văn học và cơ bản đều đi đến thống nhất rằng, văn học có nhiệm vụ phản ánh hiện thực, tiêu chuẩn đánh giá văn học là hiện thực. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đề cao việc mô tả, phản ánh cái hiện thực đang tồn tại. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đề nghị nên quan niệm hiện thực đa đạng, rộng lớn hơn trước, phải nới rộng hiện thực phản ánh cho văn nghệ, tránh sự giản lược hóa hiện thực, phản ánh một chiều hiện thực. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà viết: "Nhà văn không thể không phản ánh trong sáng tác của mình những sự kiện, những vấn đềnóng bỏng của xã hội... Nhưng nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài của văn học trong việc phản ánh hiện thực vẫn là mô tả số phận con người". Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng viết: Phản ánh hiện thực là nhiệm vụ, bản chất của văn học, là tiêu chuẩn đánh giá văn học. Nhà phê bình Hà Xuân Trường đề cao: "Trách nhiệm của văn nghệ sĩ không chỉ dừng ở nhiệm vụ phản ánh trung thực những gì mình nhận thức được..., cao hơn nữa, phải vươn lên trước công chúng của mình, dự đoán được những điều công chúng mong đợi". Nếu so sánh với thời kỳ trước 1975, khung tri thức của lý luận văn nghệ thời đổi mới vẫn là một, vẫn thống nhất, liền khối với nhau; nhưng nếu nhìn từ phương diện tư duy, nhu cầu nhận thức lại, vượt qua chính mình, và nhìn từ yêu cầu của đời sống, thời đại thì thấy quan niệm về hiện thực, quan niệm về phản ánh hiện thực của các nhà văn, nhà phê bình đến đây cởi mở, khoa học hơn, chứ không cứng nhắc, hẹp hòi như trước.
Giữ vững nền tảng tri thức hệ Mác-xít
Đường lối văn nghệ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị, và tại cuộc gặp gỡ tháng 10-1987 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa cũng đi đến thống nhất quan điểm, chủ trương văn nghệ phải có nhiệm vụ phản ánh, khám phá, dự báo, sáng tạo, nắm bắt nhạy bén hiện thực, có nhiệm vụ phanh phui những cái xấu, cái tiêu cực trong đời sống xã hội, phải dũng cảm nêu ra những vấn đề của đời sống, xã hội, nhà văn cần "nắm vững trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa, văn nghệ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, nhưng mà có thật...", ngoài ra người làm văn nghệ cũng phải có "con mắt tinh tường để phát hiện những cái mới mẻ", đóng vai trò là người đi trước trong đời sống tinh thần của xã hội.
Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu:"Tiếng nói của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, phản ánh được nguyện vọng sâu xa của nhân dân và quyết tâm của Đảng đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi". Đảng ta đã phát triển đường lối văn nghệ được đề ra từ trước và vận dụng sáng tạo đường lối ấy vào thực tiễn mới, nhằm phát huy sức mạnh, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Thành tựu văn học kết tinh
Thành tựu về sáng tác và thành tựu lý luận phê bình văn học thập niên 80, 90 hầu như không đi ra ngoài vấn đề văn học phản ánh hiện thực. Những phóng sự, bút ký, tiểu thuyết của thời kỳ này đều là những minh chứng sống động. Cái đêm hôm ấy... đêm gì?của Phùng Gia Lộc; Câu chuyện về một ông "vua lốp" của Nhật Linh; Người đàn bà quỳcủa Xuân Ba; Lời khai của bị cancủa Trần Huy Quang; Làng giáo có gì vui? của Hoàng Minh Tường; Thủ tục để làm người còn sốngcủa Minh Chuyên... thường được nhắc đến như những trường hợp tiêu biểu, một thành quả của đổi mới ở thể loại ký sự, phóng sự. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồngcủa Dương Hướng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường... được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng đều là thành quả của văn học phản ánh hiện thực (chiến tranh, nông thôn) nhưng nội dung hiện thực phản ánh ở các cuốn đó có mức độ bao quát hơn, sâu sắc hơn trước. Những cuốn Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay (1987); Mỹ học Mác - Lê-nin (1987) của Opxiannhicop do Phạm Văn Bích dịch; Văn học và hiện thực (1990) do Phong Lê chủ biên; Lý luận văn học (1990) của Lê Ngọc Trà; Lý luận và phê bình văn học (1997) của Trần Đình Sử; Lý thuyết và thi pháp tiểu thuyết (1992) của Bakhtin do Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu; Từ văn bản đến tác phẩm(1998) của Trương Đăng Dung; Lý luận văn học, nghiên cứu và ứng dụng(1999) của Nguyễn Văn Dân;... cơ bản đều là sự tái diễn giải, tìm tòi, vận động trong khung tri thức Mác-xít.
Như vậy ở tầm vi mô và vĩ mô, vấn đề phản ánh hiện thực cuộc sống, dự báo tương lai đã được giải quyết. Phản ánh luận vẫn là hệ hình tri thức chính thống.
Tóm lại, nhìn từ góc độ hệ tư tưởng và khung tri thức, chúng ta thấy tư duy lý luận văn nghệ từ Đổi mới đến những năm 90 hoàn toàn vận động trong hệ hình mỹ học Mác-xít. Từ cách đặt vấn đề đến cách giải quyết vấn đề của giới lý luận phê bình văn nghệ và bản thân người sáng tác cũng chưa đi ra khỏi triết học Mác-xít. Đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng rõ ràng là tạo ra những biến đổi sâu sắc, có tính bước ngoặt cho đời sống văn học nghệ thuật thập niên 80, 90 nhưng nền tảng triết học mỹ học không xa rời mỹ học Mác-xít. Một trong những thành tựu sáng tác quan trọng làm nên gương mặt "văn học Đổi mới", một trong những thành tựu đáng chú ý của tư duy lý luận văn nghệ thời kỳ Đổi mới là sự nhận thức cởi mở, sáng tạo về bản chất phản ánh của văn nghệ, là sự nới rộng về phạm vi, chiều kích phản ánh hiện thực; là sự khắc phục những hạn chế trong nhận thức về đặc trưng phản ánh của văn nghệ; sự phản tỉnh về hiện tượng vận dụng lý luận về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực vào đời sống sáng tác, phê bình văn học một cách giáo điều, hẹp hòi, máy móc, thô thiển, giản đơn, cứng nhắc.
Từ thành tựu sáng tác, thực tiễn lý luận và yêu cầu của đời sống, xin rút ra mấy vấn đề hướng tới mục tiêu xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam đương đại như sau:
1. Để kiến tạo và đổi mới diễn ngôn lý luận văn nghệ Việt Nam tới đây, phải nhấn mạnh hơn nữa tới vai trò của ý thức hệ, phải lấy nền tảng là mỹ học Mác-xít, trong đó phản ánh luận là then chốt. Cắt nghĩa, lý giải, định nghĩa ra sao về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực là vấn đề cốt yếu đối với sáng tác và phê bình mọi thời, không có quan điểm dứt khoát vấn đề này thì khó giải quyết được những vấn đề lý luận khác.
2. Trong khi bàn về mối quan hệ đó, cần có nhận thức đúng đắn, khoa học, uyển chuyển hơn về khái niệm hiện thực, sự phản ánh, đặc trưng, chức năng của văn học; vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận phản ánh vào thực tiễn sáng tác, đánh giá văn học; có tính đến từng giai đoạn, nhiệm vụ lịch sử cụ thể. Nhưng tinh thần cơ bản là mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực, mở rộng nhiều con đường cho văn nghệ đến với đời sống, bạn đọc. Quan tâm đúng mức đến phương diện chủ quan, tính chủ thể, tính sáng tạo của sự phản ánh, đồng thời tránh xu hướng xem nhẹ hình thức, hoặc ngược lại đề cao hình thức chủ nghĩa thuần túy.
3. Đánh giá đúng vai trò, vị trí của văn nghệ, trí thức văn nghệ sĩ trong việc kiến tạo diễn ngôn về hiện thực, bản sắc và sứ mệnh của văn nghệ hiện đại, văn nghệ đương đại, trong việc hình thành những tri thức có sức mạnh làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của con người; đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với văn hóa dân tộc, đối với việc phản ánh chân thực, nhiều chiều về cuộc sống, vì sự tiến bộ của xã hội.