Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Tôi làm việc theo đơn đặt hàng của cuộc đời

Người nhạc sĩ vẫn tràn trề năng lượng sống và nhiệt huyết sáng tạo - dù ở độ tuổi "xưa nay hiếm" - đã tự họa chân dung mình, bằng một nhận xét ngắn gọn như thế, khi cùng Nhân Dân hằng tháng ngoái lại chặng đường tròn nửa thế kỷ ông gắn bó với âm nhạc.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

"Với tôi, sáng tác là hành trình hành xác"

Nửa thế kỷ là một dấu mốc đầy ấn tượng, với mỗi người nghệ sĩ. Có phải vì vậy mà ông quyết định kỷ niệm sự kiện quan trọng đó bằng một liveshow rất hoành tráng của riêng mình?

Làm sao có thể coi đêm diễn ấy là hoạt động “tổng kết”, khi năng lực sáng tạo, khát vọng dâng hiến vẫn còn tràn trề trong tôi? Trong đêm diễn, hơn 20 ca khúc được chọn lọc từ gia tài khá lớn của tôi sẽ đem đến cho công chúng một hình dung tương đối hoàn chỉnh, về nhạc sĩ Phó Đức Phương, kể từ năm 1966. Nhưng tôi tin, căn mệnh cùng cái nghiệp sáng tác trong tôi vẫn còn dài lắm, dù đã đành đứt đoạn tới gần 15 năm để toàn tâm toàn ý cho công việc bảo vệ tác quyền âm nhạc. Vì vậy, dứt khoát liveshow Trên đỉnh Phù Vân sắp tới chỉ là “sơ kết”, thậm chí “sơ kết đợt một” mà thôi (cười lớn).

Tôi đã thử làm một việc khá tỉ mẩn, đó là liệt kê những ca khúc nổi tiếng của ông và phát hiện một điều rất thú vị: Tại sao sông - hồ - biển - núi cứ trở đi trở lại trong sáng tác của ông như một nhóm chủ đề xuyên suốt, thậm chí nhiều người còn gọi ông là “nhạc sĩ của ngũ hồ”?

Tôi mệnh Thủy nên luôn có cảm giác như cá về với nước khi đứng trước vẻ đẹp biến ảo, diệu kỳ của sông hồ, của biển cả bao la và những ngọn núi xa thẳm. Sự giao hòa tuyệt đối mà tôi luôn có, khi đứng trước bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình có lẽ còn bởi tôi có thể bộc lộ mọi cảm xúc, chia sẻ mọi nỗi niềm mà không bao giờ bị chúng phản biện, chất vấn và hiểu lầm. Không chỉ thấu hiểu, vỗ về, chở che, chúng còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Trước thiên nhiên, tôi thấy lòng mình thanh thản, thấy mình bao dung hơn, rộng lượng hơn và cũng lấy lại cân bằng hơn. Chưa kể cảnh sắc ấy luôn đưa con người ta đến với những xúc cảm mạnh, dữ dội, có cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Thưởng thức ca khúc Phó Đức Phương có cảm giác ông là người luôn cố công tìm lại những ánh lấp lánh hào quang quá vãng?

Nếu bạn thấy trong sáng tác Phó Đức Phương ngập tràn những bóng hình quá khứ thì đó là vì tôi có một khả năng hơi siêu phàm (cười). Đó là nhập hồn, nhập cốt hay nhập đồng gì đó - tùy bạn gọi - vào vùng chủ đề mà tác phẩm muốn đề cập. Giải thích rành mạch thì hơi khó, nhưng khi tôi đã chủ tâm tái hiện lại một khoảng không - thời gian cụ thể nào đó, tôi có thể nhập thân trọn vẹn với nó, cảm giác được nó bằng toàn bộ bản thể của mình. Khả năng ấy mạnh tới mức, sau khi ca khúc hoàn thành, tôi luôn rơi vào tình trạng kiệt sức, rã rời như vừa bị rút đi toàn bộ chân khí trong cơ thể vậy.

Nghe ông miêu tả, tôi cảm nhận rất rõ chặng đường gian nan, vất vả để một ca khúc thành hình. Có vẻ ông quá cầu toàn và khó tính?

Không chỉ khó nhọc, quá trình sáng tác một ca khúc khiến tôi có cảm giác như vừa trải qua một cuộc hành xác vậy. Bạn bè, có người xót xa khi thấy tôi nhọc công tốn sức cho hành trình bảo vệ tác quyền âm nhạc đã bảo, sáng tác nhẹ nhàng, sang trọng thế không muốn, lại muốn làm Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió cho khổ cái thân. Tôi bảo, tôi làm cái gì cũng khổ. Và chưa biết viết nhạc hay đi bảo vệ quyền lợi người sáng tác, cái nào vất vả hơn đâu. Cũng nhiều khán giả nhận xét tốc độ sáng tác của tôi rất chậm. Bạn thấy đấy, mỗi ca khúc là một lần “dọn mình” để nhập thân vào cõi khác như thế, “đẻ sòn sòn” được mới là chuyện lạ. Nói tôi cầu toàn, khó tính chẳng oan tý nào!

Sáng tác vất vả thế nhưng tôi vẫn cho ra đời khá nhiều ca khúc. Đó là nhờ tôi luôn làm việc theo “đơn đặt hàng” của cuộc đời. Vì thế, tác phẩm của tôi rất đa dạng, đáp ứng được mọi yêu cầu phong phú của đời sống. Tôi quan niệm, nếu chỉ viết theo cảm hứng cá nhân, người nhạc sĩ dù có tài tới đâu cũng chẳng thể “tự đẽo mình” ra mãi. Nếu có bản lĩnh, viết theo đơn đặt hàng là cơ hội may mắn giúp người nhạc sĩ sáng tác được những tác phẩm với màu sắc phong phú, đa dạng mà vẫn in đậm dấu ấn cá nhân, vẫn thấy mình trong đó.

"Tôi chưa thể buông việc bảo vệ tác quyền"

Đang trong thời kỳ sáng tác sung sức, ông đột nhiên rẽ ngoặt sang hướng khác để chuyên tâm đấu tranh bảo vệ tác quyền âm nhạc. Liệu đó có phải lại là một “đơn đặt hàng” khác của cuộc đời cho nhạc sĩ Phó Đức Phương?

Nói thế không biết có thật chính xác không, bởi lúc đó, năm 2002, tôi chỉ cảm thấy lòng như lửa đốt, thấy bảo vệ tác quyền trong âm nhạc là việc phải làm ngay, không được phép chần chừ dù chỉ một phút giây. Từ bản kiến nghị với 200 chữ ký của giới nhạc sĩ sáng tác trên khắp cả nước, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chính thức được ra đời. Là người khởi xướng, tôi phải lãnh trách nhiệm chèo lái, như một lẽ đương nhiên. Tôi nghĩ, đó cũng là số mệnh.

Kể từ ngày đó, ông đã bao giờ gợn chút hối hận về quyết định này?

Vào thời điểm đó, tôi đang tả xung hữu đột trên mọi mặt trận âm nhạc, từ sáng tác ca khúc - khí nhạc tới viết nhạc cho phim, cho mọi loại hình sân khấu (kịch nói, kịch câm, tuồng - chèo - cải lương, vũ kịch...). Ngày ấy, bằng cường độ lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của mình, không những tôi nuôi được năm miệng ăn trong nhà mà còn thừa tiền để mua tới vài miếng đất.

Gần 15 năm dừng hoàn toàn hoạt động sáng tác, tôi không chỉ mất đi một khoản thu nhập rất lớn mà còn mất đi thời gian và cơ hội để tập trung sáng tác. Chỉ trong năm 1997, tôi đã có tới bốn tác phẩm ưng ý: Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và Có thể, Chảy đi sông ơi, Về quê. Với tốc độ sáng tác rất chậm của mình, một năm tôi vẫn cho ra đời được dăm bảy ca khúc. Cộng thêm sự cầu toàn và thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc của tôi, hai bài trong số đó đọng lại trong trí nhớ khán giả là điều khả thi. Tính sơ sơ, công việc bộn bề của một ông giám đốc đã lấy đi cơ hội sáng tác cỡ vài chục bài hát rồi đấy.

Tuy vậy, tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về quyết định của mình. Bởi cùng với những đồng nghiệp của Trung tâm, chúng tôi đã làm được bao nhiêu điều tốt đẹp trong hành trình bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Sự đánh đổi, theo tôi, cũng hoàn toàn xứng đáng.

Không những thế, công việc mới cho tôi những thay đổi tích cực trong tính cách. Trước đây, tôi là một nghệ sĩ hướng nội, luôn rụt rè và né tránh mọi đám đông. Giờ tôi đã trở thành một con người hướng ngoại, mạnh mẽ, xông xáo, linh hoạt, rắn rỏi và có thái độ sống quyết liệt hơn rất nhiều. Sự bổ sung ấy giúp tôi trở nên cân bằng.

So với những khó khăn chồng chất ngày đầu thành lập, Trung tâm giờ đã vận hành khá nhịp nhàng. Liệu ông đã nghĩ tới việc đặt gánh nặng quản lý xuống và quay lại chuyên tâm vào sáng tác, như công chúng vẫn kỳ vọng?

Tôi rất muốn, nhưng vẫn cứ phải tiếp tục “dan díu” vì chưa buông bỏ được. Nỗ lực bảo vệ tác quyền âm nhạc, về đại thể, không bao giờ hết khó khăn. Lớp kế cận thì chưa đủ sức tiếp quản công việc một cách tốt nhất. Việc “quẳng gánh lo đi và vui sống” không tới mức rành rẽ Không thể và Có thể, như tựa đề một ca khúc của tôi nhưng trong thời điểm hiện tại, đó vẫn là điều “chưa thể”!

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương. Và chúc đêm diễn sắp tới của ông thành công tốt đẹp!

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Sinh năm 1944. Ông là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể, Những cô gái quan họ, Trên đỉnh Phù Vân, Về quê, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Nao nao Thác Bà...

Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I. Từ năm 2002 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Ngày 29-12 tới, Trên đỉnh Phù Vân - liveshow đầu tiên nhìn lại nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc của người nhạc sĩ sẽ diễn ra một đêm duy nhất tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình gồm ba phần (Phần 1: Thuở ban đầu; phần 2: Tiếng gọi bốn phương - Nhập cuộc - Đường đời rong ruổi; phần 3: Trở về bản thể, nguồn cội và tâm linh) với sự góp mặt của rất nhiều giọng ca tên tuổi như Thanh Lam, Tấn Minh, Tùng Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, nhóm Năm dòng kẻ, nhóm M4U... cùng cây kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn.