ĐẤU GIÁ NGHỆ THUẬT

Tiềm năng đang cựa mình

800 triệu đồng thu về sau hai ngày mở sàn giao dịch... trên mạng, một nửa trong số đó dành ủng hộ đồng nghiệp đang cơn hoạn nạn, cuộc đấu giá online các tác phẩm hội họa lần đầu tiên được tổ chức, do họa sĩ Phạm An Hải khởi xướng và diễn đàn Vietnam art space điều hành hứa hẹn là tín hiệu vui, lạc quan trong hành trình tiếp thị nghệ thuật tới với công chúng.

Họa sĩ Phạm An Hải. Ảnh | Trần Hải
Họa sĩ Phạm An Hải. Ảnh | Trần Hải

Tháng 3, tin họa sĩ Lê Thông bị tai nạn giao thông rất nặng được anh em bạn bè lan truyền với không ít xót xa, thương cảm cho sự thiếu may mắn và cả lo lắng, băn khoăn khi mường tượng tới nhiều khó khăn đời thường, thực tế mà ông họa sĩ lãng tử kia phải đương đầu. Những lăn tăn đã nảy sinh thành ý tưởng, và lập tức triển khai, họa sĩ Phạm An Hải thông qua diễn đàn mạng Vietnam art space kêu gọi các đồng nghiệp gửi tranh bán đấu giá với điều kiện đóng góp một nửa số tiền thu về cho quỹ ủng hộ Lê Thông. Ngay lập tức, đông đảo các họa sĩ nhiệt thành hưởng ứng, tranh được gửi về, thông qua một hội đồng giám tuyển chọn lựa, chụp ảnh và đưa lên mạng. Phạm An Hải, Phạm Bình Chương, Doãn Hoàng Lâm, Phương Bình, Đặng Tiến, Trần Vinh, Phạm Hà Hải... hồ hởi gửi tranh và háo hức chờ đến phiên giao dịch. Để thúc đẩy nhanh sự hợp tác và chú ý của khách hàng, các họa sĩ đều chủ động đặt giá khởi điểm thấp hơn so với giá thị trường. Chỉ hơn hai ngày, từ 16 đến 18-5, gần 50 bức tranh được bán, thu về tổng số tiền hơn 800 triệu đồng, thật sự là khởi đầu lạc quan và bất ngờ cho cả người trong cuộc...

Tiềm năng đang cựa mình ảnh 1

Xuân.

Một “đánh đố” của đấu giá online là hầu như khách hàng chỉ được tiếp xúc với tác phẩm mình chọn lựa qua ảnh, và khả năng nhận diện chân xác, cảm đúng giá trị một bức tranh với chỉ một, hai bức ảnh được post lên diễn đàn chưa hẳn lúc nào cũng chính xác, dù chỉ tương đối. Tuy nhiên, họa sĩ Phạm An Hải khẳng định: Ở phiên đấu giá của Vietnam art space, hầu hết tranh thật đều đẹp hơn trên ảnh, và cũng hầu hết người mua, khi chạm mặt tác phẩm đã thành sở hữu của mình, đều vui vẻ, phấn chấn... Những hiệu ứng ban đầu chỉ từ một nghĩa cử tương thân tương ái, có thể mở ra tương lai tươi sáng hơn, hy vọng góp phần nhỏ làm sôi động lại thị trường hội họa đang vào kỳ ảm đạm, nhất là giữa bối cảnh người mua trong nước, các nhà sưu tầm nội địa không còn ở dạng tiềm năng, mà thật sự tham gia tích cực vào đời sống mỹ thuật. Khác với mặc định bấy lâu của số đông người, rằng họa sĩ Việt Nam chỉ bán tranh cho... tây, trông chờ vào các nhà sưu tầm nước ngoài, vài năm trở lại đây, khách hàng trong nước, thuần Việt dần chuyển mình thành dòng chủ lưu cho đầu ra của hội họa. Người Việt thêm điều kiện kinh tế, thẩm mỹ thêm được nâng cao tương thích với tiện nghi sinh hoạt, nhu cầu mua tranh cũng vì thế được kích thích, đẩy mạnh. Cũng nhiều “đại gia”, thực chất là các nhà đầu tư, đã coi hội họa là thị trường có thanh khoản cao, và tác phẩm hội họa là kênh đầu cơ hoàn toàn đem tới khả năng sinh lời.

Thật ra lâu nay, cũng nhiều phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được khởi xướng, nhưng tuyệt đại đa số liên quan đến từ thiện, xã hội, nên trị giá đích thực của sự bán mua nhiều phần không phản ánh đúng giá trị tác phẩm lẫn khả năng và xu hướng của khách hàng. Những phiên đấu giá gây quỹ ủng hộ phục dựng nhà Lang, gây quỹ cho nhà chống lũ... đã mang tới hiệu quả xã hội thực tế, tuy nhiên ở đó mới ghi nhận sự hảo tâm, tấm lòng của nhiều cá nhân, tập thể với cộng đồng chứ chưa hẳn liên quan tới thị trường nghệ thuật. Bởi vậy, phiên đấu giá sòng phẳng đầu tiên không có yếu tố từ thiện được nhà đấu giá Lạc Việt tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận. Bỏ qua cái ồn ào phần hậu khi món đấu giá cao tiền nhất sau kết thúc phiên, bị khách hàng “bỏ của chạy lấy người”, từ chối mua, thì những động thái của doanh nghiệp cũng lan tỏa hiệu ứng ra cộng đồng. Khi tác phẩm nghệ thuật được chào mời, trả giá trong một không gian văn minh, lịch lãm và được bảo hộ bởi luật pháp, thì cũng tức là tạo thêm động lực cho đội ngũ sáng tác, những người thực thi công việc sáng tạo. Không chỉ tranh, ảnh, các tác phẩm tạo hình mà hoàn toàn có thể, cả kịch bản truyền hình, điện ảnh, sân khấu, tiểu thuyết, truyện ngắn, thậm chí cả... thơ cũng dễ dàng là ứng cử viên sáng giá trước những người yêu nghệ thuật, sưu tầm nghệ thuật hay các nhà sản xuất các chương trình nghệ thuật, giải trí.

Tiềm năng đang cựa mình ảnh 2

Thu vàng.

Từ dư âm của phiên đấu giá online, cộng hưởng thêm cùng sức khỏe và sự bình phục của họa sĩ Lê Thông ngày một tiến triển tốt, họa sĩ Phạm An Hải đã khấp khởi dự định sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động này, một động thái có lợi cho cả thị trường lẫn đội ngũ sáng tạo. Tuy nhiên, anh lại chần chừ, ngần ngại bởi mơ hồ lo có thể va chạm với một điều khoản mới trong Bộ luật Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực từ 1-7-2016, điều 292 với “tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”... “Vì đó là một điều khoản pháp luật còn quá mới, quá lạ, chưa có tiền lệ, bản thân anh em chúng tôi còn chưa thông hiểu hết nên cần phải cân nhắc, suy tính thêm”, họa sĩ Phạm An Hải bày tỏ.

Tranh trong bài của họa sĩ Phạm An Hải.