Thuốc bổ tự làm ra từ não: tốt bụng và biết ơn

Khi những ngày cuối cùng của một năm đã tới, ta thường tổng kết “ân/oán - được/mất” sau 365 ngày. Không phải ai cũng thu hoạch tốt sau một năm. Có người tình cảm đổ vỡ, có người mất tiền của, thân thể héo hon đến đáng nguy. Câu an ủi phổ biến là: “Tẩm bổ vào, uống thuốc đi”, hoặc thông cảm hơn thì “Đừng tức nữa, Trời sẽ có mắt!”. Còn nếu ai đó đến vỗ vai ta bảo: “Thôi tập tốt bụng đi, biết ơn đi, sẽ khỏe lại ngay!” nhiều phần ta sẽ nghĩ người ấy là... điên.

Vệt hồng là vùng vỏ não VMPC.
Vệt hồng là vùng vỏ não VMPC.

Nhưng mà, chẳng phải mọi thứ ta làm hiện nay là xoay quanh thân thể ta sao? Y khoa đổ bao nhiêu công vào nghiên cứu làm sao để con người mạnh khỏe. Nếu điều gì đó khiến thân thể tàn lụi thì điều ấy ắt là không tốt. Và không cái gì làm thân thể suy sụp bằng những ý nghĩ của chính ta. Ta lại suy nghĩ không ngừng nghỉ; nếu có nghiên cứu nào chỉ ra nghĩ thế này thì khỏe, nghĩ thế kia thì mệt, sao ta lại không lắng nghe?

Quả thực nhiều cuộc khảo sát đã nhận thấy, nghĩ điều thiện và tốt bụng là có lợi cho sức khỏe. Người tốt bụng không chỉ lạc quan, ít lo âu và trầm cảm như người hẹp hòi nghĩ ác; họ còn ít ốm đau hơn hẳn. Thậm chí cùng một bệnh, người nào nghĩ thiện, nghĩ vui thì bớt đau đớn hơn người hằn học. Nhưng Christina Karns, một nhà thần kinh học của Đại học Oregon, có vẻ không thỏa mãn với kết luận chung chung đó. Là nhà khoa học, thích cái gì cũng phải “nói có sách, mách có chứng”, cô thắc mắc cụ thể là vùng nào trong não khiến cho người ta biết “nghĩ thiện”, và lượng đã biến đổi thành chất như thế nào trong việc “nghĩ thiện, tốt bụng thì khỏe ra”?

QUẦY ĐỔI “TIỀN” CỦA LÒNG TỐT

Ở sâu trong thùy trán của não người có một phần tinh vi, phức tạp, đóng một vai trò nghe có vẻ mù mờ nhưng hết sức quan trọng: tham gia điều chỉnh nhận thức và cảm xúc. Nó có một cái tên dài dòng - ventromedial prefrontal cortex - ta cứ gọi tắt là VMPC.

Ở người bình thường, mỗi khi sắp ra một quyết định, VMPC sẽ kết nối với các vùng não khác để cùng nâng lên đặt xuống, nghĩ đến hậu quả về mặt đạo đức, đến những thứ cần ưu tiên rồi mới quyết. Trên thí nghiệm, các nhà khoa học thấy, khi nghĩ đến những quyết định “đạo đức” (thí dụ có nên nói dối không), VMPC sẽ tăng hoạt, còn khi ra các quyết định “vô hại” (thí dụ nên ăn gì bây giờ), VMPC sẽ không tăng hoạt.

Trái lại, tổn thương vùng VMPC (do chấn thương, do dùng ma túy, v.v.) khiến nó không kết nối được các vùng não khác, dẫn đến lệch lạc về xử thế. Bệnh nhân có thể vẫn ăn uống, đi lại bình thường nhưng sẽ hành xử lạnh lùng, ích kỷ do khi ra các quyết định có liên quan đến đạo đức, có liên quan tới người khác thì vùng VMPC của họ đã “hỏng”.

Một VMPC năng động sẽ góp phần khiến não tiết ra các hóa chất giúp người ta vui vẻ, hài lòng sau khi ra một quyết định “đúng”. Để dễ hiểu, Christina Karns kể một câu chuyện: Khi cô còn trẻ, người dì ruột hứa cho cô sang Anh chơi, dặn cô để dành tiền tiêu vặt sẵn đi. Cô bắt đầu trông trẻ lấy tiền, tính nhẩm tỷ giá khi ấy là 1,65 đô đổi được 1 bảng Anh. Đến ngày lên đường, tỷ giá đã thành 2 đô bằng 1 bảng Anh. Lòng đau như cắt, đứng ở quầy đổi tiền, Christina nghĩ bụng, một món quà lưu niệm 10 bảng mới ít tháng trước chỉ mất có 16 đô nay đã thành 20 đô! “Nói cách khác, giá trị của mỗi tờ đô-la thay đổi tùy theo tỷ giá!”.

Christina Karns bảo, hãy tưởng tượng vùng vỏ não VMPC chính là quầy đổi tiền để ta đổi từ đô-la sang bảng Anh và ngược lại. Ở người bình thường, quầy VMPC quy tỷ giá của những việc làm “cho người khác” là cao hơn những việc “cho bản thân”. Theo “tỷ giá” này, mỗi khi ta có một quyết định “vì người khác”, VMPC và cộng sự của nó sẽ lao vào tính toán, rồi trả cho ta một loại “tiền thưởng” của hệ thần kinh, tức các chất dẫn truyền thần kinh khiến ta hài lòng, thỏa mãn.

Để chứng minh điều này, đầu tiên Christina Karns và cộng sự chọn ra hai nhóm người, trong đó có một nhóm tốt bụng hơn. Tiếp đó, cô mời từng người trong hai nhóm chọn “cho” hay “nhận” để máy tính theo đó chuyển một số tiền thực vào tài khoản của bếp ăn từ thiện hay vào tài khoản của chính họ. Theo dõi trên máy scan MRI, Christina thấy, vùng não VMPC của những người tốt bụng hơn sẽ có đáp ứng mạnh hơn khi thấy tiền được chuyển vào bếp ăn từ thiện: quầy đổi tiền VMPC đã chi trả đậm “tiền vui” cho những người này.

TỐT CHƯA ĐỦ CÒN PHẢI BIẾT ƠN

Thuốc bổ tự làm ra từ não: tốt bụng và biết ơn ảnh 1

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể “cho”, có thể sống vì người khác để não tiết các hóa chất tươi vui. Một ngày có rất nhiều tiếng đồng hồ chỉ có mình ta với não của ta nghĩ ngợi. Lúc một mình, ta hay nghĩ điều tiêu cực. Ấy vậy mà, nếu biết cách, ta vẫn có thể khiến nó tiết ra những chất có lợi. Bằng cách nào?

Quay lại với Christina Karns, cô chia tiếp những người tham gia thí nghiệm ra làm hai nhóm. Một nhóm trong ba tuần liền chỉ viết nhật ký về những điều họ biết ơn. Nhóm còn lại thì viết về đủ các chủ đề khác, ngoại trừ biết ơn. Kết quả, những người chỉ viết về biết ơn sau đó thấy mình sống tình cảm hơn, thích giúp đỡ người khác hơn, và các mối quan hệ của họ cũng tốt hơn. Quan trọng nhất, quan sát qua máy scan MRI, Christina thấy vùng VMPC của những người sau ba tuần chỉ viết về biết ơn càng đáp ứng mạnh hơn nữa khi chứng kiến tiền được đổ vào bếp ăn từ thiện!

Từ thí nghiệm “rắc rối” này, ta có thể kết luận một cách giản dị: càng biết ơn thì càng tốt bụng; càng tốt bụng thì não càng chi trả nhiều “tiền vui”. Càng nhiều tiền thưởng vui của não, ta càng khỏe khoắn.

Một bài viết trên tờ Thriveglobal, một nghiên cứu của Trường UCLA cũng cho thấy: thường xuyên biết ơn và sẵn sàng bày tỏ lòng biết ơn (thật lòng) sẽ thay đổi các cấu trúc phân tử của não, làm cho chất xám của não hoạt động tốt hơn, khiến ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Hồi 2008, với một máy scan MRI trợ giúp, các nhà nghiên cứu thấy thái độ biết ơn sẽ khiến não tiết ra serotonin và dopamine - là những hóa chất hạnh phúc và hưng phấn.

Thế thì dễ quá nhỉ, ta chỉ cần pha một tách trà, nằm ngắm nhà đẹp, nghĩ tới con cái đang học hành ngoan ngoãn, lại nghĩ ta còn sống đây... tất cả đã là một ơn phước rồi, và hóa chất hạnh phúc cứ thế tuôn ra?

Nhưng ngày nào cũng làm thế thì nhàm, chưa kể là hơi... thực dụng. Theo Thriveglobal, các nhà khoa học thấy hành động “tìm ra thứ để mà biết ơn” sẽ có tác dụng hơn nhiều là biết ơn lặp đi lặp lại những thứ đã “biết rồi khổ lắm ơn mãi”. Cố nghĩ cho ra sẽ khiến ta tập trung vào các khía cạnh tích cực khác nhau trong đời; đặc biệt hữu ích là khi gặp chuyện bất ưng. Hành động đơn giản ấy sẽ khiến não tiết ra nhiều serotonin hạnh phúc, đàn áp bớt các cảm xúc tiêu cực, điều hòa lại tâm trạng, chuyển hóa, và nhất là giúp ngủ ngon.

Quan trọng nữa, người ta thấy càng thực hành biết ơn não càng được khuyến khích tìm thêm nhiều ví dụ tốt đẹp. Nhưng rồi theo bài báo, cỗ máy cơ thể sẽ trì trệ theo tuổi tác, bệnh tật có cố mấy rồi cũng kéo đến, thêm những biến cố từ trên trời rơi xuống, người ta không thấy có gì để “hưởng” nữa, chỉ toàn là chịu đựng, và bắt đầu ngả sang oán trách, tủi thân, chỉ nghĩ tới mình. Quầy đổi “tiền vui” VMPC không làm việc nữa...

“Hãy tập biết ơn mỗi ngày, bất kể điều gì!” là lời khuyên của các nhà khoa học. Không được để cỗ máy cơ thể trì xuống dưới những suy nghĩ buồn bã.

TẬP THẾ NÀO?

Khi tổng hợp và dịch bài này, tôi nhớ lần đầu mình về quê và cảm ơn một em bé đã lấy hộ một đôi đũa (hình như vậy), người quen đã rất ngạc nhiên và nói, “Ở đây không phải cảm ơn thế đâu ạ!”. Thế thì phải cảm ơn thế nào? Có lẽ với nhiều người chúng ta, nói cảm ơn nó ngượng ngượng thế nào, đặc biệt với người thân. Ta có thể cảm ơn một anh tài xế, một chị bán hàng, nhưng với bạn thân, khi cảm ơn ta bị mắng là “khách sáo”. Do đó, khi đọc qua các phương pháp tập, cái nào bạn thấy thích hợp với tâm tính Việt thì áp dụng, cái nào “Tây” quá thì gia giảm. Đó là:

- Gọi điện, viết thư, hay nhắn tin cảm ơn ngay khi nhận được quà hay sau khi được giúp đỡ.

- Cảm ơn “lần nữa” trong lòng: không nên cảm ơn đi cảm ơn lại, như “xin khéo” hoặc đẩy người khác vào thế cứ-phải-cho-mãi. Chỉ cần biết ơn trong lòng mỗi lần thấy món quà cũ, cử chỉ cũ, hoặc trước kết quả ta có ngày hôm nay...

- Ghi một nhật ký biết ơn: nên biến thành thói quen, mỗi ngày có thể chỉ ghi vài dòng, cả chuyện mới và cố nhớ lại những chuyện cũ.

- Không chỉ cảm ơn suông, hãy làm lại điều gì đó thiết thực cho người đã giúp mình. Không thực hiện bước này, ta dễ thành kẻ nói miệng, keo kiệt, mồm miệng đỡ lấy ví tiền.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, nên giản dị biết ơn những thứ không nhìn thấy đã đưa đẩy cho ta sống đến hôm nay, có không khí để thở, có trí não để lựa chọn những gì trong sạch, tốt nhất cho mình và cho cả mọi người.