Thăm làng Maasai ở Tanzania

Tanzania là một trong những vùng đất cổ xưa nhất có loài người sinh sống. Ngay tại Serengeti, người ta đã tìm thấy những di vật cổ đầu tiên của loài vượn người đã sinh sống tại đây. Tanzania cũng có một nền văn hóa vô cùng đặc sắc và đa dạng với khoảng 125 dân tộc và cũng với chừng đó ngôn ngữ khác nhau. Không giống như những dân tộc khác đang ngày một mai một bởi sự xuất hiện của khách du lịch và sự co hẹp của những khu rừng nguyên sinh, những người Maasai sống trong thế giới hiện đại nhưng vẫn duy trì lối sống bán du mục và giữ gìn bản sắc dân tộc của mình.

Trong thế giới hiện đại, người Maasai vẫn giữ bản sắc tập tục truyền thống.
Trong thế giới hiện đại, người Maasai vẫn giữ bản sắc tập tục truyền thống.

Ngôi làng người Maasai nơi tôi đến nằm trong khu vực giữa vườn quốc gia Serengeti và Ngorongrogo gồm vô số căn lều khum khum chỉ cao khoảng 1,5 m và rộng chừng ba, bốn mét, từ bên ngoài trông hệt như những chiếc nấm khổng lồ quây thành hình vòng cung. Ở giữa là một khoảng sân đất rộng, bao quanh làng là một hàng rào cao chừng một mét được xếp chồng hoặc đan lại ngăn nắp bằng những cành cây Acacia đầy gai nhọn nhằm ngăn thú hoang. Bước chân vào ngôi làng, chúng tôi được tất cả mọi người từ đàn ông tới phụ nữ đứng trong khoảng sân rất rộng trước cổng chào đón. Một người phụ nữ thân thiện quàng vào cổ tôi một chiếc vòng rất đẹp rồi chúng tôi cùng cầm tay nhau đi những vòng tròn, bắt đầu điệu nhảy truyền thống cùng với giọng ca trầm bổng và những nụ cười ấm áp.

Người Maasai xưa kia sống chủ yếu ở phần hạ lưu sông Nill và chỉ bắt đầu du cư tới các vùng khác sau thế kỷ thứ 17. Họ đã trở thành một trong những bộ lạc mạnh nhất Đông Phi trong khoảng thế kỷ thứ 18, 19. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh xâm lược của người Anh vào Đông Phi thì hầu hết đất đai của người Maasai đã bị thu hẹp lại. Ngày nay khi quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ cùng với việc phát triển nông nghiệp ở Tanzania thì đất sống của người Maasai ngày càng khó khăn. Giờ đây ta thường chỉ gặp được người Maasai trong các khu bảo tồn hay rừng quốc gia ở Tanzania và Kenya. Mặc dù quá trình hiện đại hóa cũng như du lịch ngày càng phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ tới các bộ lạc thiểu số nhưng người Maasai vẫn giữ gìn các nét truyền thống trong sinh hoạt của dân tộc một cách đáng kinh ngạc.

Thăm làng Maasai ở Tanzania ảnh 1

Đồng cỏ Tanzania.

Với sự nỗ lực bảo tồn văn hóa bản địa của chính phủ Kenya và Tanzania, số lượng người Maasai đã tăng lên đáng kể. Trong hai thập niên vừa qua, từ khoảng hơn một triệu người vào cuối những năm 80 thì tới nay đã tăng lên gấp bốn lần. Người Maasai vẫn sinh sống theo tập tục truyền thống, vô cùng đơn giản và gần gũi với tự nhiên. Họ sống chủ yếu nhờ vào đàn gia súc của mình gồm bò và dê. Trong căn lều nơi chúng tôi phải cúi lom khom mới bước vào được có hai chiếc giường làm bằng cành cây, lót vỏ cây bên dưới, bên trên có những tấm da bò thay đệm. Trong lều còn có bếp để nấu ăn và giữ ấm vào mùa đông và ban đêm. Tất cả những ngôi lều đều có tường và mái được ghép lại từ những cành cây Acacia, cỏ voi và nhiều loại cành cây khác sau đó được trát bằng bùn trộn với nước và phân bò. Cậu bạn người Maasai đi cùng là một trong số ít người nói được tiếng Anh ở làng nhấn mạnh khi thoạt thấy vẻ ngạc nhiên ở chúng tôi, người Maasai dùng phân bò trát tường nhằm giúp cho các chất kết dính lại với nhau giống như xi-măng vậy. Ngoài ra, họ cũng phủ thêm da bò trên cao cho mái nhà khỏi dột. Trong ngôi lều lớn thì rộng hơn và có thêm nhiều da bò hoặc da thú để giữ ấm vào mùa đông.

Làng của người Maasai có gia đình lớn lên tới cả trăm thành viên, từ đời cụ kỵ cho tới cháu chắt, nằm dưới sự “điều hành” của người đàn ông cao tuổi nhất. Đàn ông trong tộc Maasai là trụ cột và có quyền quyết định mọi việc trong gia đình, còn phụ nữ chủ yếu làm việc nội trợ, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Tuy vậy phụ nữ Maasai ngày nay cũng dành thời gian rảnh để làm các vật dụng hay đồ trang sức thủ công bán cho khách du lịch. Nhìn những phụ nữ Maasai trong trang phục sặc sỡ với những đôi khuyên tai nặng trĩu, vòng tay rực rỡ, vòng cổ rất to được kết bằng hạt cườm lặng lẽ ôm con tựa bên hiên nhà, có cảm giác thời gian như ngừng lại.

Một điều thú vị là người Maasai lấy vợ quy đổi bằng số bò hay dê mà họ phải trả cho bố hoặc già làng bên nhà gái. Thanh niên đến tuổi hỏi vợ thường phải tự gây dựng đàn gia súc của mình, người nào có đàn gia súc càng lớn thì càng giàu, càng có thế lực. Trong lúc chúng tôi đang mê mải nghe chuyện về người Maasai, bất ngờ, cô bạn - một bà mẹ ba con đi cùng được một thanh niên Maasai quãng 16 tuổi hỏi: “Tôi phải trả cho bố cô bao nhiêu con dê để có thể lấy cô làm vợ”. Và rồi, sợ cô không nghe rõ, cậu nhắc lại đến ba lần và thử thay “dê” bằng “bò” xem lời đề nghị có “nặng ký” hơn không (!).

Thăm làng Maasai ở Tanzania ảnh 2

Căn nhà đất của người Maasai.

Những ngôi nhà của người Maasai thường ở trên đồi cao, trống trải và không có nguồn nước. Ngày nay họ có thể mua nước từ các xe téc của chính phủ nhưng trước kia thường phải dùng lừa để đi lấy nước ở các con suối rất xa. Có lẽ bởi vậy nên trong sinh hoạt, người Maasai dùng rất ít nước. Họ uống sữa bò, sữa dê hằng ngày thay bữa sáng, bữa trưa và bữa tối thì có thêm thịt. Theo phong tục từ xưa, để có được sức khỏe người Maasai phải uống máu bò, máu dê tươi. Việc uống máu tươi và sữa thay nước được coi như là nguồn dinh dưỡng chính của họ. Đem thắc mắc hỏi cậu bạn Maasai: “Thế các bạn có ăn chút rau, gạo hay lúa mì không” thì cậu bảo: “Chúng tôi không ăn rau, người Maasai trước kia cũng không ăn gạo hay bột mì nhưng gần đây thì có đi đổi gạo và bột mì để nấu cháo cho trẻ con và người già. Còn thanh niên trong làng sẽ chỉ uống sữa, uống máu và ăn thịt thôi”. Một điều đặc biệt là tuy sống giữa rừng nhưng người Maasai không bao giờ săn bắt thú rừng để phục vụ nhu cầu ăn uống, họ chỉ chiến đấu với thú hoang khi phải bảo vệ ngôi làng và bầy gia súc của mình. Có lẽ đó là một trong những nguyên do chính khiến người Maasai trở thành bộ lạc duy nhất được phép cư ngụ trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia do chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt.

Trên đồng cỏ châu Phi, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp những người đàn ông trưởng thành Maasai với dáng vóc cao lớn, cây gậy lớn trong tay dũng mãnh bên đàn gia súc chăn thả - một hình ảnh thật sự ấn tượng. Trang phục truyền thống của các chiến binh Massai có tên là Shuka và thường là mầu đỏ, được dệt và nhuộm thủ công bằng một loại cây địa phương. Với họ, màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, giúp xua đuổi sư tử tới gần. Chịu ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại nên giờ họ cũng mua những mảnh vải dệt sẵn với đủ mọi mầu sắc, nhưng bên ngoài vẫn thường khoác chiếc áo choàng sọc vuông truyền thống.

Lớp học duy nhất của ngôi làng được dựng lên ở một khoảng đất riêng, nằm cách xa bên ngoài tường rào của làng. Lớp có hai dãy bàn ghế bằng chất liệu đơn sơ như những căn lều nhưng rộng hơn với khoảng gần chục em từ rất nhiều độ tuổi. Những đứa trẻ cười hớn hở khi thấy có khách rồi nhao nhao chào “Hello!”. Lớp học chỉ có một thầy giáo cũng là người Maasai. Những đứa trẻ lem luốc nhưng có đôi mắt mở to trong suốt, hồn nhiên. Tôi bỏ một chút tiền đóng góp vào chiếc hộp trong góc lớp, nhưng ngay lập tức nhận ra đó là điều không mấy cần thiết. Bởi dường như những người Maasai mà tôi gặp đang rất vui vẻ, bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Tôi đã nhìn thấy nụ cười thường trực trên môi họ, đã được chàng thanh niên Maasai không ngần ngại tặng một chiếc vòng thủ công. Tôi đã được họ cầm tay dẫn vào vòng nhảy hào hứng theo tiếng hát trầm bổng rất riêng... Họ đứng trên đỉnh đồi vẫy tay tạm biệt mãi tới tận khi chiếc xe khách khuất xa ngôi làng, và tôi hiểu rằng hạnh phúc có rất nhiều khuôn mặt khác biệt.