Sương khói mơ hồ một dáng em

Tập thơ tình của GS Hà Minh Đức có nhiều câu thơ nặng và buồn. Nặng tình, nặng nghĩa, nặng suy tư. Thơ của một cây bút lão luyện viết vô cùng dồn nén. Trong nghệ thuật, nỗi buồn cũng là một vẻ đẹp. Thơ GS Hà Minh Đức mang một vẻ đẹp buồn, ảo mà thực, đẫm lệ mà vẫn kiêu sang.

Sương khói mơ hồ một dáng em

Giáo sư Hà Minh Đức là một trong những sinh viên đại học đầu tiên của nước ta sau hòa bình lập lại, sau đó được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng là Chủ nhiệm khoa Báo chí ĐH KHXH&NVQG, Viện trưởng Viện Văn học. Ông là thầy giáo của tôi, của rất nhiều thế hệ chúng tôi. Những công trình nghiên cứu khoa học của ông vô cùng đồ sộ, từ Thơ Mới đến Nam Cao, Vũ Trọng Phụng; từ thơ đến văn; từ văn chương đến báo chí. Năm 1974, ông cho xuất bản “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” được coi là cẩm nang để hiểu thơ và biết phép tắc để làm thơ. Gần đây, ông chuyên sâu nghiên cứu về Hồ Chí Minh và dành thì giờ nhiều hơn cho việc sáng tác. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2000-2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHXH năm 2012. Các tác phẩm của thầy đồ sộ, nhưng chúng tôi phải đọc và đọc được gần hết, từ giáo trình lý luận văn học đến chuyên khảo; từ Mác - Ăng-ghen - Lê-nin bàn về văn học đến tập bút ký đặc sắc gần đây nhất “Hà Nội - gặp gỡ với nụ cười”. Nhưng những câu thơ ngắn thì khó đi đến cùng vì mỗi câu thơ, mỗi bài thơ là một khoảng đời riêng chất chứa, là tâm sự với “cái bóng”: Người già ngồi sưởi cùng với bóng/ Cái bóng đi theo suốt cuộc đời. “Cái bóng” ở đây là một hình tượng nghệ thuật thật đắt giá nói về nỗi cô đơn. Càng sưởi càng thấy lạnh, càng có hai càng đơn chiếc! Khi nói về mẹ, câu thơ như lời nói thường, tưởng như không cần đến tu từ, thủ pháp nghệ thuật gì: Muôn nỗi khổ đau không bằng cuộc đời của mẹ (Con chưa về thăm mẹ), Mẹ là người nhà chùa hành khất để nuôi con (Mẹ)... Còn có thể nói gì hơn về những vất vả gian truân, về sự hy sinh và lớn lao của người mẹ hơn những câu thơ ấy; còn có cảm động, thương xót nào của người con hơn những câu thơ ấy?

Tập thơ “Vào mùa trăng” như một tuyển tập thơ của GS Hà Minh Đức. Trong đó có rất nhiều chuyện tình trong một cuộc đời. Những người tình là ai đó nhưng cũng không hẳn là ai. GS viết trong Lời nói đầu cho tập thơ của mình: Thơ tình ở giữa mộng và thực, riêng tư và cộng đồng, đời thường và tâm linh.

Là gì tôi không biết; nhưng khi nhà thơ đã nhào nặn tất cả những điều ấy, chưng cất thành những câu thơ, không ai không cảm thấy và lay động bởi cái thực.

Tôi nhận ra một đặc điểm trong cách viết của GS Hà Minh Đức là bỏ qua mọi cầu kỳ cho giống lời tâm sự nhất. Nếu là người làm thơ ưa nhịp điệu sẽ viết Tôi đã sống những tháng năm cô độc chứ không phải Tôi đã sống những năm tháng cô độc. Không có gì mặn hơn muối, không có gì nồng hơn đất, không gì người hơn ở trần gian, câu thơ tả về nụ hôn Tôi hôn em với đôi môi trần gian/ Em có thấy muối mặn và mùi của đất thật là hiện đại, thật xuất sắc! Và rất nhiều câu thơ trẻ đến bất ngờ như Một ngày mây trắng bay/ Anh đến giữa đời em ngơ ngác...

Có lẽ GS đã có những mùa đông ấm áp và lãng mạn: Em cho anh những ngày đông/ Thoảng thơm mùi hoa dại/ Một tình yêu bồng bềnh sương khói mà ấm tự con tim...; những trái thơm làm dịu cơn khát của thánh thần Người con gái có đôi chân trần còn vương mùi cỏ/ Đôi chân trần đã làm dịu cơn khát của thánh thần... Nhưng phần lớn là sự chia ly. Chia ly trong giằng xé, chia ly trong khổ đau. “Người tình lang thang” là bài thơ được Thuận Yến phổ nhạc có đoạn kết: Chẳng còn gì nguyên vẹn/ Khi mùa thu sắp tàn/ Thương cánh chim rời tổ/ Theo chân trời lang thang... Mặc dù tập thơ nói nhiều về thu tàn, nắng hết, người đi ..., nhưng hơn hết là tấm lòng, là trái tim rực cháy tình yêu và dâng hiến: Nếu có kiếp sau/ Tôi sẽ là người đánh xe ngựa/ Cho em rong ruổi trên đường/ Là người làm vườn/ Ngày ngày hái quả tặng em (Dòng trôi). Tôi không biết câu thơ Sương khói mơ hồ chỉ một dáng em trong bài “Miền của em” có phải là một tổng kết cuộc đời, một sự khẳng định giá trị tình yêu của GS hay không, nhưng tôi tin nếu cuộc đời người ta được quay trở lại, thầy Đức của chúng tôi sẽ không làm GS mà sẽ là thi sĩ của tình yêu. Bởi ông đã viết Hạnh phúc một đời cũng ở một ngày yêu! Bạn đọc có thể thấy trong tập thơ này nhiều câu thơ như những châm ngôn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Thơ của GS Hà Minh Đức coi trọng đạm hơn nồng, coi hồn cao hơn chữ. Đọc anh, ta thấy gần một tâm hồn ấm áp, đa cảm và tin cậy... Tôi đọc mà cứ thấy vương vấn mãi”.