Những sắc màu tình yêu

“Sải cánh giữa chiêm bao” là tập thơ thứ hai của Hạnh Loan sau tập “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” mà tôi được tặng.
Nhà thơ Hạnh Loan.
Nhà thơ Hạnh Loan.

Nếu tôi không nhầm thì buổi đầu Nguyễn Thị Hạnh Loan định đặt tên cho tập thơ này là “Vắt kiệt”. Quả là tác giả đã:

Vắt kiệt thơ để cho anh

Vắt kiệt yêu để cho tình

(Vắt kiệt)

Gần như cảm hứng chủ đạo toàn bộ tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao” chính là cảm hứng tình yêu. Tình yêu nam nữ. Tình yêu quê hương. Tình yêu với muôn vàn sắc thái như mùa xuân đang về cho muôn hoa khoe sắc.

Từ cảm hứng thăng hoa, cảm hứng thiên thần của tình yêu mà ta vẫn thường gặp trong những mối tình đầu; cái cảm giác lâng lâng hạnh phúc như đang được bay lên với người mình yêu:

Ta mọc cánh như là thiên sứ

Rồi cùng bay lên tựa những thiên thần.

(Xóa nợ)

Nhưng, cảm giác bay lên trong tình yêu, không chỉ ở những mối tình đầu, đó còn là sự dồn nén trong đời thực do những ràng buộc vô hình, hay hữu hình mà con người chưa đến được với nhau trọn vẹn, nợ tình này chỉ có thể làm thỏa mãn con tim khi tình yêu “Sải cánh giữa chiêm bao”.

Trong tình yêu nhiều khi là sự mâu thuẫn giữa trái tim và khối óc, sự tỉnh táo, ép mình đến cạn kiệt mọi cảm xúc tình yêu bởi sự đời không như những gì mà trái tim ta mong muốn. Hiểu được điều này, Hạnh Loan đã diễn tả một khía cạnh khác của tình yêu trong người mình yêu... Để rồi, đến lúc tình yêu đôi lứa buộc trái tim lên tiếng, nhiều khi mạnh như cơn bão lòng, ấy cũng là lúc tình yêu bay lên!

Tình yêu nhiều khi cũng mệt mỏi như thân thể ta những lần mệt mỏi chăng? Tình yêu thức, tình yêu ngủ, một giấc ngủ đông hay một giấc ngủ dài:

Tình yêu ngủ đông anh ạ

Giấc sâu thấm mộng một người.

(Tình yêu ngủ đông)

Ai cũng biết rằng, một trong những sắc thái của tình yêu là nỗi nhớ, nhưng, nỗi nhớ trong thơ Hạnh Loan không trần tục, mà vô hình, vô ảnh, sâu đến tận cùng:

Rơi mãi tận cùng chân không nỗi nhớ...

(Nỗi nhớ)

Nỗi nhớ đã “Vắt kiệt” rồi mà:

Vắt kiệt quên, vắt kiệt rồi

Mà sao không thể quên người quên ta.

(Vắt kiệt)

Người ta thường ví tình yêu như hoa hồng, loài hoa tuyệt sắc nhưng lại có gai. Người ta cũng ví tình yêu như hương hoa “Tình yêu... em sợ tình yêu như là hương hoa...” (lời bài hát Tình đời). Nhưng “Tình yêu gai nhọn” của Hạnh Loan tôi thiển nghĩ còn hơn thế:

Con chim lao vào bụi rậm

Ngực đau cất tiếng bi ai

Thơ ta hay lời chim khóc

Biết rằng tình tựa mũi gai.

(Tình yêu gai nhọn)

Khi người thơ chân thật hết mình, đắm say hết mình, biểu cảm hết mình trong thơ, thì những câu thơ của Hạnh Loan cuốn hút người đọc, mang đến những rung cảm chân thành cho con người, cho dù như Hạnh Loan đã viết:

Rồi tất cả sẽ tan vào mây khói

Trách chi tình lạc lối giữa nhân gian.

(Nghĩ trước cổng kinh thành)

Tôi thiển nghĩ, trong đời thường, trong tình yêu, người ta có thể dối lừa, nhưng, trong thơ nói như một nhà thơ Nga “Anh có thể dối em / Thơ anh không thể dối !”.

Viết về tình yêu tưởng dễ mà thực ra viết cho hay lại rất khó. Bởi: “Không có lối mòn nào dành cho thi nhân / Nhưng tình yêu đi trên những lối mòn / Ngàn đời nay mà không bao giờ cũ...”. Tôi đã từng viết như thế trong một bài thơ về tình yêu của mình. Và tôi hiểu rằng để tránh nhàm chán, Hạnh Loan đã tự làm mới mình không phải bằng cách vẽ vời, bày đặt câu chữ, hay cố làm khác mình đi mà chính bằng sống hết mình, yêu hết mình như chính bài thơ “Tự làm mới mình”: “Ta mới lạ khi ta sống hết”, sống hết mình để “Lại tự làm mới mình bằng những ban mai...”.