Người mộng du của điện ảnh

“Người đàn bà mộng du” là tên của bộ phim điện ảnh do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và Hồng Ánh thủ vai chính. Khi đóng vai này, cô đã lừng lẫy ở trên đỉnh sự nghiệp. “Người đàn bà mộng du” chỉ củng cố thêm cho Hồng Ánh sự vững chắc về nghề nghiệp và thêm vào bộ sưu tập vài giải thưởng danh giá. Viết về Hồng Ánh, tự nhiên tôi có một liên tưởng, phải chăng cái chất mộng du của người đàn bà trong phim ấy như là tạc vào số phận của nữ nghệ sĩ điện ảnh tài năng này?

Ký họa diễn viên Hồng Ánh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa diễn viên Hồng Ánh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Có lẽ thế thật, suốt từ chặng đường làm diễn viên cho cả đến khi Hồng Ánh chuyển làm đạo diễn là cả một chuỗi thành công rực rỡ với những thành tựu đáng mơ ước. Hiển nhiên để gặt hái được vinh quang ấy Hồng Ánh đã dành cả cuộc sống của mình cho điện ảnh với những mò mẫm sáng tạo đầy nỗ lực như một kẻ mộng du mê đắm giữa phim trường để tìm được đến cái đích của đời mình.

Năm 2001, tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 13 tổ chức ở Vinh, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hồng Ánh. Ở đó, phim “Đời cát”, sau thắng lợi ở LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 lại một lần nữa được vinh danh. Diễn viên Hồng Ánh đẹp lộng lẫy trở thành tâm điểm của đoàn phim. Khỏi nói, cánh văn veo như tôi ngưỡng mộ thế nào nữ diễn viên xinh đẹp ấy. Từ văn tài nhất hạng đến bút sĩ tầm tầm đều mon men bày tỏ, làm quen. Chỗ này phải nói thêm, các nữ minh tinh của ta đa phần khi có chút tiếng tăm luôn tạo cho mình một vẻ mặt lãnh đạm, kiêu kỳ giữa đám đông. Ánh thì khác, cô giản dị thân mật một cách chân thành, như người em nhỏ trước các ông anh lớn. Cảm giác gặp Ánh thật dễ chịu. Khiêm tốn, cực kỳ khiêm tốn. Vẻ xinh đẹp, danh hiệu lớn, thành công vang dội như thể chỉ là chút ít trang điểm thêm cho Hồng Ánh sự tự tin khi giao tiếp chứ tuyệt nhiên không hề mang lại sự cảnh vẻ, đài các. Hôm ấy, sau qua loa vài câu chuyện giao đãi, Hồng Ánh vì việc riêng phải bay ngay về thành phố Hồ Chí Minh, để lại một sự thiếu hụt không hề nhỏ cho những người hâm mộ.

Cái duyên anh em của tôi với Hồng Ánh tiếp tục sau đó lại không phải từ những giao tiếp nghề nghiệp. Nghề biên kịch của tôi, nhất lại là biên kịch ở một hãng phim truyền hình lớn nhất nhì đất nước luôn có điều kiện tiếp xúc với những diễn viên xinh đẹp ở những sự kiện điện ảnh hay trong các dự án làm phim. Chuyện này hơi có chút dông dài. Tôi chơi thân với nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, một doanh nhân thành đạt nhưng lại có những bài viết phê bình văn học sắc sảo, dù đây chỉ là nghề tay trái. Sau “Đời cát”, Sơn bén duyên với Hồng Ánh. Cặp đôi trai tài gái sắc này có đông bạn bè làm văn nghệ. Những lần Hống Ánh ra Hà Nội công chuyện, tôi thường có mặt trong những dịp giao tiếp, đãi đằng. Cùng làm nghề lại có hậu thuẫn bạn bè là Sơn nên anh em tôi gần gụi quý mến nhau cũng là lẽ đương nhiên. Mỗi lần tôi vào Sài Gòn cũng vậy, những cuộc thù tạc giao tiếp bạn bè ít khi vắng mặt Hồng Ánh, trừ những lúc bận bịu phải diễn ở sân khấu thành phố hay đi làm phim. Kể ra những điều này, thật lòng tôi không giấu sự hãnh diện được thân quen với một minh tinh màn bạc đích thực. Hơn thế Hồng Ánh, dù mới chỉ lần đầu làm đạo diễn nhưng với “Đảo của dân ngụ cư” cùng những giải thưởng quốc tế đình đám đủ để đưa cô vào hàng đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt.

Thật sự tôi không hề biết Hồng Ánh khởi nghiệp diễn từ phim nào. Chỉ biết, tôi bắt đầu chú ý đến Hồng Ánh từ phim điện ảnh “Hải Nguyệt” của đạo diễn Trần Mỹ Hà, một đạo diễn có lối sống phóng túng ngoài đời nhưng lại cực kỳ chỉn chu, chi tiết trong phim. Diễn viên, với ông, là khâu quan trọng và thường là những chọn lựa cầu kỳ, chuẩn xác. Chọn Hồng Ánh cho vai chính Hải Nguyệt, tôi nghĩ Mỹ Hà đã nhìn ra phẩm chất tài năng khác người của nữ diễn viên còn rất trẻ này. Trước đấy, Hồng Ánh đóng cặp cùng Việt Trinh trong vai chị em ruột của phim truyền hình nhiều tập “Người đẹp Tây Đô”. Phim truyền hình này tôi có xem nhưng quả thật chưa nhận ra một Hồng Ánh lên hương như trong Hải Nguyệt.

Kế đó tôi bắt gặp Hồng Ánh trong “Cầu thang tối”, một phim video ngắn của đạo diễn Đào Bá Sơn nhưng lại khắc dấu những ấn tượng mạnh. Sở dĩ tôi quan tâm đến “Cầu thang tối” bởi phim ngắn này là đối thủ trực tiếp trong dòng phim video dự thi, tại các hạng mục giải thưởng điện ảnh thường niên và LHPVN với Hãng phim Truyền hình Việt Nam nơi tôi công tác. Một Hồng Ánh hé lộ những lấp lánh ban đầu của một tài năng diễn xuất với sự thừa nhận bằng giải thưởng “Diễn viên triển vọng” của LHPVN lần thứ 12. Một thành công ban đầu của Hồng Ánh trở thành bệ phóng để cô tiếp tục thăng hoa.

Có lẽ phải đến “Đời cát” thì tài năng đích thực của Hồng Ánh được phát lộ toàn diện. Những ám ảnh từ vai diễn trong phim này đưa Hồng Ánh đến một tầm cao mơ ước của tất cả những ai theo nghề diễn. Tôi nói điều này không hề quá. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cặp vợ chồng đạo diễn “vàng” của điện ảnh Việt, Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang liên tiếp khai thác Hồng Ánh ở các vai chính, phụ trong những dự án phim của họ. Tâm trong “Đời cát”. Y sĩ quân y Quỳ trong “Người đàn bà mộng du”. Thậm chí chỉ một vai phụ - người mẹ trong “Trái tim bé bỏng” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đủ đưa đến cho Hồng Ánh những thành công ngoài mong đợi. Khó có thể quên được cô giáo Giao trong “Thung lũng hoang vắng” và vai Lan, một người mẹ đơn thân lam lũ trong “Tâm hồn mẹ” , hai dự án phim thành công của nữ đạo diễn NSND Phạm Nhuệ Giang.

Viết đến đây tôi chợt giật mình, không nhẽ dựng chân dung Hồng Ánh lại dùng nhiều đến thế những liệt kê kiểu đong đếm số học thế này. Nhưng liệu có cách nào khác tốt hơn để kể về người nữ diễn viên thành công suốt trong cả một chặng đường dài làm nghệ thuật. Đừng nói vai diễn, ngay đến giải thưởng từ các Liên hoan phim Quốc tế đến LHP trong nước hay các giải thưởng điện ảnh thường niên cũng khó liệt kê chính xác và đầy đủ giải thưởng của Hồng Ánh.

Điều gì khiến Hồng Ánh thành công đến thế? Nhan sắc, tài năng trời cho, dĩ nhiên phải thế nhưng có lẽ cái làm nên sự nghiệp của Hồng Ánh là một tình yêu nghệ thuật đến mức mộng du và ý chí, nghị lực lao động nghệ thuật đến cháy bỏng. Ánh học múa từ nhỏ. Khi được mời những vai diễn đầu tiên, cô đã có một thái độ lao động nghiêm túc, cầu thị. Tôi là bạn nhiều đạo diễn chọn Hồng Ánh là diễn viên, họ đều có sự nhìn nhận như vậy.

Khi nhận làm đạo diễn phim “Đảo của dân ngụ cư” - với kịch bản được chuyển thể từ một truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến, tôi cho đây là một hành động dũng cảm của Hồng Ánh. Một kịch bản hay, nhưng rất khó đưa vào sản xuất bởi nhiều hãng phim, nhà sản xuất tỏ ra ngần ngại. Đây là một phim thuần túy nghệ thuật, trong đó chuyển tải những vấn đề lớn của xã hội đương đại khuôn trong một nhóm nhân vật ít ỏi. Khi Ánh cùng ê kíp quyết định đưa “Đảo của dân ngụ cư” vào sản xuất, nhiều người trong nghề đã vô cùng lo lắng. Giai đoạn này, Ánh lăn lộn với phim đến quắt người. Chỉ khi xong phần hậu kỳ mới thấy cô rổn rảng cười, khoe xong rồi anh ạ. Phim thế nào? Em thấy thích. Tôi mừng thầm cho Hồng Ánh nhưng phải đến khi xem bản hòa âm chính thức mới có thể thở phào để chúc mừng cô. “Đảo của dân ngụ cư” đã đoạt nhiều giải thưởng và Hồng Ánh được vinh danh trên thảm đỏ quốc tế trong vai trò đạo diễn.

Hồng Ánh tên đầy đủ là Phạm Thị Hồng Ánh, quê gốc Trà Vinh, sinh năm 1977. Cô làm lễ thành hôn với Nguyễn Thanh Sơn năm 2009 trong một tiệc cưới trang trọng tại Đà Nẵng có mặt đông đủ bạn bè thân thiết ở hai miền nam - bắc sau không ít năm tìm hiểu và sống thử. Cuộc hôn nhân của Hồng Ánh với người chồng từng lỡ dở một lần vẫn còn điều này nọ bởi những cá tính khác biệt nhưng tôi biết đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tình yêu của họ là đích thực bất chấp tất cả mọi vướng mắc, rào cản.

Mới chỉ hôm qua thôi, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân gọi tôi, Hồng Ánh đi nước ngoài nhận giải về gửi tặng em chai rượu ngon lắm, anh đến quán Bờ sông đi. Ôi, Hồng Ánh, tôi cứ nhớ mãi cuộc rượu năm nào em đón đoàn cựu chiến binh của tôi vào thăm chiến trường cũ. Hồng Ánh, giữa những người lính già, nâng chén chân tình ấm áp. Chúc mừng nhé, người đàn bà mộng du của điện ảnh với những thành công nối tiếp thành công!