Ngủ trưa ở văn phòng

Tự nguyện hay không tự nguyện?
Phàm là dân văn phòng thì đều biết khái niệm ngủ trưa. Một số nền văn hóa coi ngủ trưa là "ngủ ngày", tức là đêm mới ngủ chứ, ai lại ngủ ngày, đồ lười! Nhưng một số nền văn hóa lại coi ngủ trưa là điều nên làm ("Đừng có điện thoại lúc tôi ngủ trưa nhé!"). Họ coi đấy là có lợi cho sức khỏe.

Ngủ trưa ở văn phòng

Rồi ngay trong những nền văn hóa ngủ trưa, có người ngủ ít mới khỏe, ngủ nhiều nhức đầu (hay ngược lại). Thế thì, ngủ trưa thế nào là tốt nhất? Khoa học có bảo gì về chuyện này không?

Khoa học dĩ nhiên là không bỏ qua (nghe nói năm nào giải Ig Nobel còn trao cho một ông nghiên cứu áp lực trong bụng chim cánh cụt khi nó đi nặng cơ mà, nữa là chuyện ngủ trưa của con người). Một chuyên gia về ngủ là giáo sư David Dinges của Trường đại học Y khoa Perelman, Mỹ, cũng là thành viên của Viện Y học Ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep) đã dày công nghiên cứu; ông bảo, ngủ trưa có hai dạng: tự nguyện và không tự nguyện.

Ngủ trưa tự nguyện là khi một người quyết định làm một giấc mới được, rồi tính gì thì tính, làm việc suốt cả nửa ngày rồi. Những giấc ngủ trưa kiểu này, theo giáo sư Dinges, là rất tốt cho sức khỏe, vì nó bù đắp nhu cầu ngủ. Sau giấc ngủ ấy, người ngủ sẽ khỏe khoắn, bắt đầu bằng một buổi chiều làm việc hiệu quả.

Trong khi đó, ngủ trưa không tự nguyện là dạng ngủ ta hay gặp nhất trong những buổi họp đầu giờ chiều, tiết học đầu giờ chiều. Ấy là... ngủ gật, đầu gục xuống hoặc ngửa ra, miệng há hốc... Đó là dấu hiệu cho thấy người này đã thua trong cuộc chiến với cơn buồn ngủ, không còn sức chống chọi mà thức được. Giấc ngủ này có tốt không? Ừm... Nhiều người trong chúng ta sẽ bảo, cũng tốt thôi, tuy không được đẹp mắt lắm, nhưng ít nhất là bảo vệ cho cái não.

Nhưng giáo sư Dinges lại không nghĩ thế...

Theo giáo sư Dinges, ngủ trưa tự nguyện là tốt, là luôn "châm đầy" số giờ ngủ cần thiết. Ông bảo, nếu bạn giữ được lịch mỗi đêm ngủ đủ, ngủ sâu được 6 tiếng, còn trưa ngủ kiểu tự nguyện 45 phút, thì coi như "quỹ ngủ" không bị thâm hụt. Quỹ này thâm hụt thì còn nguy hiểm hơn ngân quỹ quốc gia. (Tuy nhiên các bác sĩ khác nói phải ngủ nhiều hơn mỗi đêm, bảy tiếng thật sâu theo họ mới đủ, nằm nướng không tính. Sâu là rất khó đấy, lại phải bắt vợ nấu canh lá dâu à?).

Vì sao ta buồn ngủ trong lúc đang họp?

Các nghiên cứu đã chỉ ra, có hai nguồn cơn lớn dẫn đến buồn ngủ: đi lại trên đường và làm việc. Ai đi làm càng xa đến cơ quan càng buồn ngủ. Một phần do phải dậy sớm hơn đồng nghiệp, một phần do trí óc phải căng thẳng lúc điều khiển xe. Nhiều người ra nước ngoài về kể lạ lắm cơ, trên xe điện ngầm có những người ngủ gật gù ngon lành. Giáo sư Dinges nói, đó là do họ... buồn ngủ. Các bó cơ họ giãn ra, đầu tiên là hai cánh tay, kế là hai bàn tay, rồi hai mí mắt, ké là cổ, nên khi ngủ gật cổ ta vẹo là thế.

Nhưng bộ não là một anh cảnh vệ trung thành. Việc các cơ rũ xuống như thế báo động cho não biết: "Coi chừng ngã! Coi chừng ngã!" và não đánh thức ta dậy, làm ta giật bắn mình, tỉnh dậy ngơ ngác trong lúc cả phòng họp... cười vang.

Chính vì thế, theo giáo sư Dinges, ngủ kiểu không tự nguyện là KHÔNG tốt lắm, vì não không chủ động tiến vào giấc ngủ đủ sâu, nó bị chập chờn, như trong một giấc ngủ đêm cứ bị đánh thức bởi tiếng xe, tiếng gõ cửa... Theo giáo sư Dinges là nên... uống cà-phê, còn không, tốt nhất là tranh thủ ngủ tự nguyện ít phút cũng được, nhưng não được thư giãn thật sự.

Cho "con ta" ngủ

Nhưng việc ngủ trưa nói thế thôi, cũng không đơn giản, đặc biệt ở những cơ quan, công ty không có chỗ để "đánh một giấc". Tuy nhiên (lại tuy nhiên), ta thông minh mà, thu xếp được hết.

Mỗi sinh vật trên hành tinh này là một cỗ máy hoàn hảo. Trong những cỗ máy ấy, loài người chúng ta là những cỗ máy hoàn hảo nhất. Khoa học đến giờ cũng không chắc tại sao, chương trình sinh học trong cơ thể ta "chạy" rất khôn ngoan: đêm mới ngủ dài, trưa thì ngủ ngắn. "Có thể do ban ngày sáng quá, tuyến tùng không tiết ra melatonin nên không ngủ dài được," giáo sư Dinges nói.

Nhưng thôi, đừng nghĩ quá nhiều về cơ chế giấc ngủ trưa mà thành mất ngủ. Chỉ cần tìm một chỗ mát mẻ, tôi tối để nằm xuống cho thẳng lưng. Đó là lý tưởng nhất.

Nhưng vì làm ở văn phòng, nói như một bạn là "các màn hình châu vào đầu", ghế xoay dày đặc khắp phòng, lại không phải ai cũng ngủ; cho nên đừng cầu toàn quá mà đòi ngả cả lưng. Bạn chỉ cần dẹp mặt bàn làm việc cho gọn, đặt một chồng sách cao tùy ý, gấp một cái khăn mềm đặt lên đó làm gối, lấy một cái băng mắt vẫn dùng trên máy bay mà đeo vào, rồi khoanh tay lại, ngả đầu lên "gối sách" mà ngủ. Ngủ "thẳng gáy" như thế, chỉ cần 15 phút thật sâu thôi là cũng rất tốt rồi. Đừng ngủ nhiều quá lại ảnh hưởng tới giấc ngủ đêm và đồng nghiệp chúng nó cười cho. Nhiều người có thói quen sau ngủ trưa xong làm một ly cà-phê nhỏ (nghe đã thấy thèm).

Cuối cùng, người ta so sánh thức là chất gạch lên người. Càng thức lâu thì càng nhiều gạch. Ngủ trưa là hạ bớt ít viên xuống. Ngủ đêm là vứt hết đống gạch ấy đi. Cơ thể ta là một đứa con. Ngủ là một nghĩa vụ. Không phải cho ta ngủ, mà là cho con ta ngủ.

(Phỏng dịch theo bài của Heidi Mitchell)