Nhà văn Nguyễn Trương Quý:

Nên nhìn di sản như câu chuyện đương đại

Hà Nội, hình như có khuôn mặt âm nhạc rõ rệt hơn sau cuốn sách du khảo “Một thời Hà Nội hát” của nhà văn Nguyễn Trương Quý (ảnh bên). Tác phẩm được đánh giá đã lấp những khoảng trống âm nhạc trước đây trong nghiên cứu về thủ đô. Còn nhà văn cho rằng, dòng chảy lịch sử Hà Nội luôn mở ra cho người trẻ nghiên cứu với cái nhìn hiện đại.

Nên nhìn di sản như câu chuyện đương đại

“Tự nhiên như người Hà Nội”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Còn ai hát về Hà Nội”, và giờ đây là cuốn “Một thời Hà Nội hát”. Nhiều tác phẩm của anh gắn bó với Hà Nội. Anh có thể chia sẻ nguyên do của lựa chọn này?

Không biết có phải thiên vị không, nhưng từ nhỏ tôi đã cảm nhận thành phố nơi mình sinh ra ảnh hưởng rất mạnh tới mình. Những gì tôi đọc, xem, nghe từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành, thậm chí cả những điều kiện ngoại cảnh như thời tiết như những mùa giá rét, những cơn nóng hầm hập hay vài trận lụt đều để lại những dấu ấn trong tôi.

Nên nhìn di sản như câu chuyện đương đại ảnh 1



Tôi tin Hà Nội có một cá tính để làm đối tượng khảo sát hay sáng tác cho mọi người viết. Kể cả khi nó lem nhem nhất, nơi này vẫn đáng để khám phá. Chẳng hạn trận lụt năm 2008, nó sẽ là một cái cớ hay để viết, hay những năm tháng khó khăn, đời sống giải trí của thị dân vẫn tồn tại. Một đối tượng thường có nhiều góc để nhìn ngắm, và chắc chắn có nhiều giai đoạn đổi thay chứ không bất biến một hình ảnh, vì thế một vài cuốn sách vẫn là không đủ.

Hai đêm nhạc Đoàn Chuẩn, cũng là để giới thiệu cuốn sách “Một thời Hà Nội hát”, có rất nhiều người bạn lâu năm của anh. Họ mê Đoàn Chuẩn, cũng mê cả âm nhạc thời kỳ đầu tân nhạc. Những người như thế giờ có khó tìm không?

Tôi may mắn có những người bạn chia sẻ với mình cảm hứng về nhạc sĩ này cũng như không gian âm nhạc “tiền chiến”. Nếu thời kỳ mới lớn, chúng tôi bị quyến rũ bởi những quả ngọt diễm ảo của giai điệu hay ca từ từ những bài hát của không gian này, thì càng về sau, chúng tôi chiêm nghiệm chúng một cách đời sống hơn. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy có những bạn trẻ vẫn liên hệ với tôi về những chủ đề này, thậm chí có những bạn tận miền nam cũng “tương tư” “Một thời Hà Nội hát”. Có lẽ với họ, Hà Nội một thời như cõi mộng mơ để nương náu hơn là một nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, tìm tri âm chẳng bao giờ dễ. Cũng như Đoàn Chuẩn chỉ có một Từ Linh.

Có một “mật mã xanh” xuyên suốt những bản nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, là những tà áo thiếu nữ, như chuẩn mực về vẻ đẹp người phụ nữ, vẻ đẹp của tình yêu. Anh nghĩ sao về biểu tượng thẩm mỹ của thời đại ấy?

Những biểu tượng mà ta gọi là “mật mã xanh” để bước vào thế giới tinh thần của Đoàn Chuẩn nằm trong số những thói quen, những hành vi thường nhật, và theo định nghĩa của nhà xã hội học Henri Lefebvre, chúng đã được không gian hóa (spatialization) để tạo nên bản sắc đô thị. Nghĩa là, qua một bài hát, một hình ảnh có tính chất biểu tượng như tà áo xanh, khi đi vào bộ nhớ tập thể, có sức biểu đạt như một thành tố của không gian đô thị. Nghe những “Lá đổ muôn chiều”, “Tà áo xanh” hay “Gửi người em gái miền nam”, chúng ta hình dung ra khung cảnh mùa thu, đường phố, hình ảnh con người đô thị với những luyến ái muôn thuở, và đồng nhất chúng với một phẩm tính của đô thị, mà ở đây là Hà Nội.

Cái khác biệt của thẩm mỹ thời đại đó là quan niệm duy mỹ, phù thế, coi đam mê là điều quan trọng hơn hết. Và ở đây Đoàn Chuẩn-Từ Linh là đại diện đi xa nhất và cũng là sau cuối của thế hệ các nhạc sĩ lãng mạn còn ở lại miền bắc.

Được biết anh đã chọn địa điểm ra mắt sách tại rạp Đại Đồng cũ - một địa chỉ văn hóa xưa của Hà Nội. Nằm trên phố Hàng Cót, lẽ ra rạp Đại Đồng có thể kết nối với khu phố đi bộ và thành điểm văn hóa, một bảo tàng nhỏ để tái hiện không khí âm nhạc xưa. Nhưng giờ đây nó đã biến thành một điểm khiêu vũ. Anh nghĩ thế nào về việc ứng xử với di sản đô thị này?

Nên nhìn di sản như câu chuyện đương đại ảnh 2

Phố Tạ Hiện, Hà Nội. Ảnh | Juno Wedding


Trong đoạn kết cuốn du khảo, tôi đã gợi ý rằng nên có một tấm biển kỷ niệm nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, hai tác giả đã gắn bó với rạp Đại Đồng. Hai ông đã làm cho ngôi rạp bình thường, sinh sau đẻ muộn và nhỏ bé của Hà Nội này thành một sân khấu ca nhạc thú vị. Hơn thế nữa, đó cũng là nơi chứng kiến tình yêu cũng như sự ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mà tôi gọi là “nơi an trú của mùa thu”.

Rạp ở rất gần phố bích họa Phùng Hưng cũng như chợ hoa Hàng Lược, hoàn toàn có thể trở thành một không gian sân khấu hữu ích. Có nhiều địa chỉ không quá xa xưa ở thành phố này, song đã đủ sức lưu giữ những huyền thoại đô thị thu hút sự quan tâm của công chúng, cũng như tạo cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng.

Nhiều bạn đọc rất hào hứng với nhánh sách riêng về Hà Nội. Họ cho rằng không một thành phố nào trong cả nước lại có nhiều người viết như Hà Nội. Cũng có khá nhiều người trẻ đã và đang viết về Hà Nội. Anh nhận xét gì về dòng chảy sáng tạo này?

Tôi nghĩ các thành phố luôn có những cá nhân làm công tác địa chí văn hóa cho mình. Có điều bấy lâu nay chúng ta hay nhìn ở góc độ quan phương hoặc kiểu trong hệ thống các hội văn hóa văn nghệ của địa phương. Không nên xét tới yếu tố già trẻ ở đây, vì rồi những người trẻ cũng sẽ trải nghiệm cuộc sống ở đô thị như bất cứ người lớn tuổi nào đã trải qua. Họ sẽ có nhu cầu hồi tưởng lại thời khắc của họ, nó là phương thức chống lại sự quên lãng và đánh mất bản sắc. Hà Nội dĩ nhiên có nhiều hơn những người như thế.

Viết về Hà Nội cũng có nhiều kiểu và nhiều thể loại chứ không chỉ khảo cứu hay ca khúc đề cập trực tiếp - vốn là hai mảng thường được nhận diện trước hết. Tuy nhiên, viết về Hà Nội cũng không dễ, sự đa dạng phải xuất phát từ chính nỗ lực của người viết. Như tôi cũng luôn suy nghĩ khi bắt tay vào cuốn sách mới, mình sẽ làm cái gì khác với cái đã viết trước đây? Tôi luôn thấy có những khoảng trống trong dòng chảy lịch sử hiện đại Hà Nội để lấp đầy bằng những việc khảo cứu thế này. Quan trọng là mình không nên chủ quan rằng mình đã hiểu hết Hà Nội.

Anh nghĩ thế nào về việc những di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội đang cần được gìn giữ như những nghề thủ công, những bài hát, những mảnh ký ức?

Những di sản văn hóa phi vật thể nhiều khi quan trọng hơn cả vật thể! Bởi vì sự tồn tại của vật thể khá hữu hạn, do điều kiện vật lý tự nhiên, sự xói mòn và hư hại, vừa do thiên nhiên tác động, vừa do quá trình biến cải không gian sinh tồn. Trong khi đó, những thứ như những bài ca, những thao tác văn hóa, là những “dấu chân hóa thạch” dù mai một vẫn còn có cơ hội phục hồi vì chúng nằm trong thành tố tạo nên cộng đồng. Một cộng đồng được tưởng tượng (imagined community) là cộng đồng gồm tập thể người chia sẻ những ký ức chung, những trải nghiệm văn hóa, họ duy trì cái bản sắc hữu hiệu nhất, giúp những đô thị như Hà Nội có sức sống lâu dài về văn hóa. Trên nền ấy, những huyền thoại đô thị có cơ hội lưu truyền, làm cho đô thị có sự quyến rũ. Khi những huyền thoại vắng bóng, nguy cơ đô thị phẳng là có thật.

Khó mà đòi hỏi những người trẻ giữ gìn những di sản nằm ngoài vùng họ quan tâm khi chúng không được bồi đắp hay làm sống lại. Bản thân người trẻ cũng tạo ra di sản của họ, để rồi vài thập niên sau họ sẽ có nhu cầu nhìn lại. Theo tôi, những người trẻ không nên e ngại những di sản xưa cũ như thứ lạc thời, mất thời gian để tìm hiểu hay không hợp gu. Nên nhìn câu chuyện di sản như những câu chuyện rất đương đại, dưới ánh sáng của các ngành nhân học.