Lễ gói gió bản tôi

Mỗi khi nhìn hai bàn tay cha cuộn chiếc lá dong làm lễ gói gió để cầu xin một năm gió lành cho con người no ấm, tôi thường nhắm mắt tưởng tượng gió nhẹ như hơi thở cuộn tròn theo vòng lá, ngủ yên.

Ảnh trong bài | Việt Khôi
Ảnh trong bài | Việt Khôi

Một năm, bản tôi có nhiều ngày kiêng kị. Ngày kị dao, ngày kị hổ... Nhưng kị gió ngày mười chín tháng giêng, là ngày kiêng kị quan trọng nhất. Quê tôi, no hay đói đều cậy nhờ ở gió. Không biết bản tôi ở độ cao bao nhiêu. Chỉ biết, đứng ở sân nhà nhìn ra rất xa vẫn không vướng mắt. Tất cả những dãy núi gối nhau trước bản đều ở dưới bàn chân. Chẳng lúc nào mây ở yên một chỗ. Dù chỗ đó là thung, khe hay lưng núi.

Gió hú ngày đêm không mùa nào ngơi nghỉ. Những cánh rừng cổ thụ phía sau lưng bản cây nào cành cũng sun lại vì gió và lạnh. Gió thốc từ dưới thung khe thì dựng lá muôn cây lên như bàn tay lũ học sinh xung phong phát biểu. Có khi gió trườn ngang núi roàn roạt đè rạp cả cánh rừng. Cứ nhìn những vòm cây ngả là biết gió trườn đến đâu, nhanh hay chậm. Nếu gặp luồng gió ngược chiều mạnh hơn thì gió quay ngoắt lại. Thế là cả rừng sơn tra, rừng đào chưa kịp hái quả rụng như trút. Lúa vừa cong bông thì gió đập không đậu nổi một hạt thóc. Có chiều lùa trâu, ngựa trên bãi thả về, gió bất chợt đến xô lũ trẻ chúng tôi lảo đảo từ bên này sang bên kia đường. Gió như đâm vào ngực đến tức thở. Quen rồi, không sợ. Trâu, ngựa dừng lại dịch sát vào nhau chống gió. Chúng tôi cúi người lòm khòm chạy nhanh nép vào bụng trâu. Đến khi luồng gió mạnh qua đi, đàn trâu, ngựa giãn ra đủng đỉnh cùng chúng tôi về bản.

Lễ gói gió bản tôi ảnh 1


Người bản tôi ở trong nhà tường đất trình dày gần mét. Mái nhà lợp gianh dày nửa mét mà vẫn phải đan phên tre buộc giữ không gió cũng cuốn gianh đi. Chuồng trâu, ngựa cũng làm ẩn trong đất để trốn gió và rét mùa đông. Đất dốc nên xả chỉ mấy công là được một chỗ vuông như cái hộp để dựng khung chuồng. Lợn thì thả rông, chúng tự khoét vách tả ly làm hầm mà ở. Lợn nhà tôi cũng có một cái hầm rộng hai người lớn ngồi vừa. Cái hầm này khi tôi đến tuổi biết đã thấy có ở đó rồi. Bà nội kể: con lợn mẹ trong đàn lợn cưới của bố mẹ tôi đã khoét chiếc hầm này. Nó khoét từ khi phối đực rồi vào hầm ấy mà đẻ. Ngày ấy, nó tạo cái hõm đất bằng cách gặm đất ăn. Nó nghén đất. Ông nội tôi cứ ba, bốn ngày lại hòa bát nước muối loãng vẩy quanh lòng hầm để đất nó ăn có thêm vị muối. Nó sinh sôi đàn con cháu trong cái hầm đó. Lợn nhà nào cũng tụ khoét hầm, thế nên, vách đất bên con đường mòn chạy giữa bản tôi chi chít hầm lợn. Nhà nào cũng phải tích trữ rơm để mùa đông làm thức ăn cho trâu, ngựa và trải ổ lên chõng cho người nằm và mang ra hầm lót cho lợn. Bây giờ, đã có đệm dày, chăn ấm nhưng tôi không sao quên những ổ rơm. Cái ấm, mùi thơm của ổ rơm dễ ngủ lắm.

Năm mười tuổi tôi được làm lễ trưởng thành. Sau lễ đó, tôi theo mẹ vào khe cắt lá dong về gói bánh chưng gù để ngày kị của gió ăn chơi. Lá dong mang về, mẹ sai tôi lựa bốn chiếc lá lành và to nhất, lau sạch, xếp riêng để cha làm lễ gói gió. Cũng như mọi năm, cha cuộn tròn từng chiếc lá gói gió vào đó rồi mang đặt vào bốn góc nhà lấy bốn hòn đá đè lên. Vừa làm, cha vừa lầm rầm khấn. Ngày mười tám tháng giêng hàng năm, bản tôi nhà nào cũng làm như vậy. Đó là việc của người lớn. Lũ trẻ chúng tôi không để ý. Ngày mười chín tháng giêng, ngày cả bản nghỉ chơi ăn bánh gù. Không ai phải làm gì. Ngày kị gió thì kiêng nhiều thứ lắm. Kiêng kị tất cả những hoạt động tạo ra gió. Kiêng không cưỡi ngựa và tối kị phi ngựa. Kiêng không thổi lửa. Kiêng không huýt sáo. Kiêng không chạy. Kiêng nói từ gió. Từ khi có xe máy, bản còn cấm đi xe máy trong bản... Lũ trẻ con có vẻ khó chịu bởi phải nói khẽ, không được chạy nhảy nô đùa hô, hét. Lúa ngô, hoa quả được thu hay không là nhờ gió. Ngày kiêng kị gió, nhà nào có người vi phạm thì sẽ bị cả bản oán trách.

Sau lễ trưởng thành, tôi được cùng cha làm lễ gói gió. Tôi chỉ đưa hòn đá để cha đè gói gió thôi. Cả nhà không ai dám đến gần góc nhà. Ai cũng nghĩ “Để yên cho gió ngủ”. Đây cũng là đầu tiên tôi tự hỏi “Gió có ở trong cuộn lá này thật không ?”. Rồi tôi được đi học trường nội trú tỉnh. Thỉnh thoảng nhớ nhà, nhớ bà nội. Năm nào bà cũng khâu và thêu cho tôi một chiếc mũ thổ cẩm mới. Tôi nhớ mẹ. Chiều chiều cha mẹ đi rừng về bao giờ cũng mang về nào rau, củ, quả rừng và cho chị em tôi một thứ gì đó. Tôi nhớ dãy núi đá cao sừng sững ôm vòng lưng bản. Tôi nhớ đàn ngựa tung vó, dựng bờm phi nước đại đuổi nhau trên bãi thả. Gió thổi tung bờm ngựa phất lên như múa. Tôi thèm được như ngựa. Tôi thèm được uống gió. Dưới vùng thấp ít gió ngột ngạt lắm. Lúc nào tôi cũng nhớ gió. Lúc thức nhớ. Lúc ngủ nằm mơ cũng nhớ. Trời nóng mà trong phòng có mười đứa nằm giường tầng. Quạt trần quay vù vù càng làm tôi nhớ những ngọn gió ở bản. Tôi thèm được như con đại bàng thả sức bay lượn trên trời mà hứng gió.

Ở trường nội trú, có đêm, tôi mơ mình giang tay chạy ngược gió trên bãi thả trâu. Tôi vừa chạy vừa nghiêng người lượn vòng như con đại bàng giữa lòng trời xanh. Vừa chao liệng tôi vừa gọi vang “gió... gió ơi... gió ơi... ơi...”. Tỉnh giấc tôi thấy các bạn cùng phòng đứa gọi, đứa lay, đứa đập vào hai chân đang quẫy đạp của tôi. Tôi muốn bỏ học. Về làm ruộng bậc thang, chăm thảo nương quả, sa nhân, nuôi trâu với cha cũng đủ sống mà. Nhưng cha bảo tôi: “Nhà mình đủ sức cho con ăn học. Cố học hết lớp mười hai rồi tính tiếp. Người Dao ta trọng chữ nghĩa. Nhà có người có chữ nghĩa phúc đức mới bền...”.

Để động viên tôi học, cha lấy tiền bán thảo quả mua cho tôi cái Ipad. Tôi kết bạn với nhiều người. Tôi gửi ảnh giới thiệu với các bạn trên mạng về nhà, bản, mây, núi, ruộng, nương... quê tôi. Tôi trò chuyện với bạn bè về những ý nghĩ, ý tưởng và ước mơ của tôi. Nhưng điều tôi cảm động và cám ơn cha nhất là thích nhất là nhờ cái Ipad này, nhờ có mạng mà tôi thỏa mãn tò mò về vũ trụ. Đặc biệt là gió. Từ đó, mỗi khi nhìn hai bàn tay cha cuộn chiếc lá dong làm lễ gói gió để cầu xin một năm gió lành cho con người no ấm tôi thường nhắm mắt tưởng tượng gió nhẹ như hơi thở cuộn tròn theo vòng lá, ngủ yên. Và cha tôi, lúc đó như một vị thần. Từ đó, dù ở đâu, ăn bất cứ loại bánh nào gói bằng lá dong, tôi luôn chầm chậm bóc từng lớp lá. Cứ như là, từ trong đó, gió phả ra, rất nhẹ, rất nhẹ. Và rồi, gió mạnh dần lên, gió lớn dần lên đưa tôi về bản quê, nơi giơ tay lên là tưởng như chạm vào trăng, sao ấy. Rồi gió đưa tôi hòa vào vũ trụ. Và tôi mặc sức khám phá vũ trụ bao lá bắt đầu từ nghi lễ gói gió của người bản tôi.