Kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng

Những năm gần đây, các cấp ủy, tổ chức đảng (TCĐ) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều giải pháp cụ thể để xây dựng, củng cố các loại hình tổ chức cơ sở đảng, đẩy mạnh công tác kết nạp và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Bình quân mỗi năm, toàn Đảng kết nạp được hơn 200 nghìn đảng viên mới và số đảng viên hiện nay lên tới hơn 5 triệu, cơ cấu đội ngũ đảng viên chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số; khắc phục một bước cơ bản tình trạng nhiều thôn, làng, ấp, bản và doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa có TCĐ, có ít hoặc chưa có đảng viên; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến

Kỳ họp thứ 34, nhiệm kỳ XII Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh | Phương Hoa
Kỳ họp thứ 34, nhiệm kỳ XII Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh | Phương Hoa

Tuy số lượng đảng viên tăng nhanh nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc kết nạp những người chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện còn xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí có nơi còn vi phạm nguyên tắc, quy định, quy trình, thủ tục, kết nạp cả những người có động cơ vào Đảng không đúng đắn. Vì vậy, không ít đảng viên dự bị thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không đủ điều kiện chuyển thành đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm còn hình thức; rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các TCĐ. Trong đội ngũ đảng viên, còn một bộ phận không nhỏ thiếu gương mẫu, bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất tầm thường, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có việc làm hoặc phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Những khuyết điểm, yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCĐ và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Điển hình là một số đảng viên vi phạm rất nghiêm trọng bị khai trừ ra khỏi Đảng như ông Đỗ Minh Tân trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, tiếp tay cho hành vi lập hồ sơ khống xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến rừng bị chặt phá với diện tích lớn, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự; bao che, hướng dẫn cho đối tượng đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra; ông Chu Hảo, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng T.Ư Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"…

Những khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ đảng viên chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan: không ít cấp ủy, TCĐ và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của đội ngũ đảng viên, việc nâng cao chất lượng đảng viên liên quan trực tiếp đến nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; kết nạp đảng viên mới còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng; kiểm tra, giám sát của TCĐ đối với đảng viên thiếu thường xuyên, chặt chẽ, thậm chí một số nơi còn buông lỏng; kết nạp đảng viên chưa kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với rà soát, sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Nâng cao chất lượng đảng viên và công tác kết nạp đảng viên mới, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hiện là đòi hỏi cấp bách. Do đó, trước hết, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên mới, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Việc kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đảng viên được kết nạp vào Đảng phải là những quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có nhận thức về Đảng và động cơ phấn đấu đúng đắn. Cấp ủy có thẩm quyền có thể quy định tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên cao hơn quy định chung để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các cấp ủy, chi bộ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện cho họ phấn đấu trở thành đảng viên. Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đồng thời có hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá nhận thức một cách thực chất. Thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm tra lý lịch và lấy ý kiến nhận xét của các tổ chức chính trị - xã hội đối với người được xem xét kết nạp vào Đảng.

Ngoài ra, tăng cường công tác giáo dục và quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên; đổi mới và nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho đảng viên phù hợp từng đối tượng. Kiên quyết khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của đảng viên; bảo vệ những đảng viên trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh chống tiêu cực. Các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở phải thực hiện nghiêm túc quy định về sinh hoạt đảng bộ, chi bộ; quản lý chặt chẽ sinh hoạt đảng và chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên. Định kỳ sáu tháng, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng tiến hành kiểm tra các chi bộ việc thực hiện quy định về sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên, thông báo kết quả kiểm tra trong toàn đảng bộ.

Các cấp ủy, TCĐ thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên hằng năm ngay từ chi bộ, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp. Tiến hành tổng rà soát đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng, làm rõ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt hoặc đã chuyển sinh hoạt đảng nhưng không nộp hồ sơ cho TCĐ có thẩm quyền; vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu gương mẫu, uy tín thấp…từ đó đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư, phát huy trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, thực hiện tốt việc giám sát các TCĐ và đảng viên. Tích cực phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú cho TCĐ; đồng thời, giám sát đảng viên, kịp thời phát hiện với tổ chức đảng những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".