Mãi mãi nhớ ơn những người đã có công với nước

NDO - Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), các tầng lớp nhân dân ta tỏ lòng thành kính, biết ơn các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước bằng những việc làm thiết thực.

Ngày 14-7 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, nơi thờ 13 thanh niên xung phong Đại đội 317 thuộc Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An bị trúng bom Mỹ sáng sớm ngày 31-10-1968. Nhiều nghĩa trang được tu bổ, nâng cấp khang trang; thêm nhiều hàng cây xanh trồng mới tỏa bóng mát các vong linh liệt sĩ. Lễ dâng hương, dâng hoa của các tổ chức đoàn thể, như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu nhi được cử hành trọng thể tại nơi linh thiêng này. Ở một số địa phương, những thanh niên sau khi được kết nạp vào Đảng, thiếu niên được kết nạp vào Đoàn, đã đến viếng mộ các liệt sĩ, bày tỏ lòng tri ân và hứa với vong linh cha ông sẽ tiếp bước con đường cách mạng, quyết tâm gìn giữ nền độc lập, tự do đã được tạo dựng bằng xương máu của hàng vạn Anh hùng liệt sĩ.

Có biết bao hành động làm xúc động mỗi chúng ta! Nhiều cơ quan, doanh nghiệp tự nguyện nhận phụng dưỡng suốt đời một số Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp tháng 7 này, quyết định chọn hơn một nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng đặt tên đường các khu dân cư, đô thị mới. Mỗi năm, cả nước có thêm hàng vạn cuốn “sổ tiết kiệm tình nghĩa”, hàng vạn “ngôi nhà tình nghĩa” dành tặng các Mẹ, các thân nhân liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh. Vào dịp lễ, Tết, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở tất cả các xã, phường đều cử đoàn đại biểu đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Ở một số địa phương phía nam, xuất hiện phong trào “hiến đất xây trường” cho con em các gia đình liệt sĩ, thương binh, những trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Không ít cơ quan, đơn vị xây dựng “Quỹ tình nghĩa” dành tặng thưởng các em học sinh chăm ngoan, học giỏi, nhất là khi đạt giải quốc gia, quốc tế. Các việc làm ấy bắt nguồn từ tâm niệm sâu sắc: ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn – một truyền thống văn hóa đẹp và cũng là đạo lý sống của dân tộc ta. Nuôi dưỡng và phát huy nó lên tầm cao mới là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, vừa thể hiện tình cảm với những người đã khuất, vừa là cơ sở để giáo dục thế hệ trẻ có ý thức tìm về nguồn cội, hiểu thấu ý nghĩa sự hy sinh của bao liệt sĩ để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Đó cũng là cơ sở xây đắp ý chí cho lớp trẻ tiếp bước cha ông, rèn luyện ý thức vượt khó, luyện tài, góp sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu” - như điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Thư gửi học sinh cả nước nhân lễ khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Chúng ta vui mừng và xúc động chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn tấm gương “thương binh tàn mà không phế”, vượt lên sự hành hạ của những vết thương trong da thịt mỗi khi trái gió trở trời để tự lao động nuôi sống bản thân và gia đình. Không ít thương binh, bệnh binh nuôi chí “vượt khó làm giàu”, năng động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức các loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng chục, hàng trăm con em các gia đình chính sách có việc làm. Nhiều “Trung tâm nhân đạo” được hình thành từ sáng kiến của những người hảo tâm do chính các thương binh, bệnh binh làm chủ, đang phát huy tác dụng tích cực.

Mãi mãi nhớ ơn những người có công với nước - đó là tình cảm và hành động đã thấm vào máu thịt của các tầng lớp nhân dân ta!