Về nơi ta đã bắt đầu

Dòng sông đó vẫn mát trong và những hàng rào tre vẫn nguyên hình tháng năm xưa cũ. Chỉ là dáng mẹ đã còng hơn xưa, dáng cha đã mặn hơn xưa và bên hiên nhà, hoa cau đã đượm thêm mầu thương nhớ. Chốn nương náu của tâm hồn khi đối diện những buổi chiều hoang hoải nhất.

Quê. Tiếng thấp thỏm trong tim mỗi chiều tôi một mình ruổi rong trên phố thị. Xe cộ, đèn đường, tiếng hát, gió, sóng biển… tất cả ập xô đến đỗi, tôi đã từng có những phút giây quên rằng mình đang đứng ở một nơi rất xa nơi tôi đã bắt đầu. Bước chân cũng chậm lại theo những hình hài năm tháng chảy qua vai với những bóng hình đã trở nên thân quen như máu thịt. Trong một tích tắc, lòng bỗng dưng ngẩn ngơ bởi những điều đã lâu chưa gặp lại. Người sinh ra từ làng, từ ruộng, từ những bữa cơm rau trộn sắn khoai, sẽ hiểu hơn giá trị của cuộc đời khi đã vững đôi chân trên một miền tha hương. Ðôi chân có vững, lòng mới an, tâm mới tịnh. Có khi, nơi bắt đầu quẩn quanh trong mớ bòng bong kỷ niệm ắp đầy gác mái. Kỷ niệm chất chồng kín cả trang nhật ký và nhiều dòng, rất nhiều dòng trong đó đã nhòe nhạt mầu nước mắt.

Anh đã hỏi tôi về dòng sông sau nhà. Dòng sông mang trong tim tôi khát vọng của biển cả, khát vọng của một tuổi thơ thiếu thốn và khó khăn. Là khát vọng của những bữa cơm có cá, có rau, có món canh chua mẹ nấu bằng khế trong vườn và vài ba nhúm cá cha tôi bắt dưới sông sau bữa trưa trễ muộn. Thèm cái cảm giác ăn no và chưa bao giờ được ăn no đúng nghĩa. Nhớ đến rưng rưng nước mắt hình ảnh bát cơm trắng mà bà nội để dành cho tôi cuối chiều trên chạn bếp. Bát cơm trắng có mầu ngả vàng bởi cơm trộn được lơi ra từ khoai. Nhiều lớp khoai xéo ngang trên cơm, bà thương tôi, lại để dành bằng được cho đứa cháu nhỏ một chén cơm.

Anh đã hỏi tôi về mảnh vườn của gia đình tôi nằm cheo leo đồi dốc. Sao mảnh vườn đẹp bình yên quá đỗi. Mầu xanh của cây lá trong vườn với nhiều hoa trái đã làm lòng người quen phố thị bỗng trở nên êm dịu lại sau những tháng ngày cần mẫn mưu sinh. Mảnh vườn mà cách đây hai mươi năm, khi gia đình tôi chuyển về đây, tôi - đứa trẻ nhẻm đen cháy nắng đã có nhiều buổi trưa cuốc đất làm vườn và nhặt nhạnh những mảnh đạn sau chiến tranh, gom lại thành đống cao nơi cuối góc vườn. Rồi cũng từ đống sắt vụn mà tôi nhặt nhạnh được đó, đã được đổi lấy vài ba chục đồng, vài ba rổ sắn, khoai. Hồi đó, cha tôi chỉ giải thích đơn giản rằng đó là những thứ còn sót lại sau chiến tranh trên quê hương xứ Nghệ. Sau những trận bom, sau những hy sinh của hàng triệu lớp cha ông phía trước. Với ký ức của một đứa trẻ, tôi chỉ nghe và chỉ hiểu được giản đơn về quê hương, về chiến tranh, về lịch sử như thế. Nhưng bây giờ, mầu xanh trong mảnh vườn nhà tôi, đó là sự sống khởi sinh sau nhiều tháng năm lịch sử vá lành quá khứ. Cuộc sống nơi vùng đất tuyến lửa năm nào, bây giờ là mầu xanh của hồi sinh và cả những khát vọng của lớp người hiện tại.

Quê hương, dẫu có xa bao nhiêu, vẫn là nơi bình yên nhất mà tôi hướng về trong những phút giây lòng bộn bề lo toan vì cuộc sống. Vẫn nhớ mùi hương hoa xoan trong vườn tím đến ngẩn ngơ. Vẫn khát khao về mùi hương của hoa cau đầu ngõ, cứ mỗi độ mùa về lại tỏa ngát hương trong lành, rồi rơi xuống những bông hoa nhỏ trắng ngần như những giọt nước mắt hạnh phúc đời người. Vẫn muốn bé lại trong vòng tay đã mang nhiều vết đồi mồi của mẹ, người thanh niên xung phong tuyến lửa năm nào - với ký ức không lành lặn. Với nỗi nhớ - quên - được - mất trên mười ngón tay đẫm dấu thời gian. Với hanh hao của tuổi thanh xuân mẹ dành trọn cho quê hương Ðồng Lộc - Rồi ngẩn ngơ ngồi hát như quên như nhớ lời bài hát Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho… Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, Chứ nước mô xanh bằng dòng nước sông La… rồi mẹ ngồi khóc trong chiều cha tôi đi làm về rất muộn. Trong khói lam chiều nhòe cả nước mắt chị em tôi. Mẹ đã gánh gồng cả gia đình trên đôi vai bé nhỏ, đôi chân ngấm nước ruộng vườn và một trái tim nhân hậu.

Dòng sông nhà tôi, đã bao mùa rồi không mang lũ về từ thượng nguồn. Cũng đã khá lâu rồi quê tôi không còn lũ, phù sa cũng không đủ bồi đắp cho những mảnh vườn rau hoa trái của xóm làng như xưa. Dòng sông giờ chỉ chảy một chiều và mỗi sớm mai nhận nước lên từ cửa biển. Sông cũng như tuổi thơ tôi thóp lại và cứ nhỏ dần trong những ngăn chứa của trái tim bé nhỏ của mỗi người. Ví chăng ký ức luôn là lớp bụi bám vào tấm gương phản chiếu của sự trưởng thành để chiều nay tôi có thể tự mình lau sáng bằng nước mắt. Trong một thời khắc tôi đứng trước biển lớn của tâm hồn, bỗng mọi cảm xúc dậy sóng không điểm dừng. Và hai tiếng quê hương lại bắt đầu réo gọi tôi từ thẳm sâu nỗi nhớ. Nhưng, nơi mỗi người bắt đầu lớn lên, đôi khi, dòng ký ức thường gánh gồng, đứt đoạn. Anh nói đúng, về quê, chỉ là để ngồi ngắm trọn một dòng sông đã bạc mầu như mái tóc mẹ năm nào.

Như con còng gió vừa vụt qua trước mắt tôi và trốn sâu trong cát mỏng biển chiều. Ai rồi cũng phải trưởng thành từ những ngụm ký ức dẫu nhỏ nhoi như hạt cát. Về nơi ta bắt đầu với một tình yêu trong sáng diệu vợi của những buổi chiều đẫm trong hoa cỏ may, đẫm trong mồ hôi và cả nước mắt một thời thơ dại. Lòng tự hỏi bao lần một câu hỏi không lời giải đáp, non sông đã nối liền một dải từ lâu mà sao mẹ tôi vẫn hanh hao những giấc ngủ chưa bao giờ lành lặn? Bởi vết thương chiến tranh hay bởi phận người?