Nghệ sĩ, biên đạo múa Xuân Lê:

Với tôi, sáng tạo tác phẩm là để mở ra những câu hỏi

Về Việt Nam tham gia chương trình Liên hoan múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019, nghệ sĩ, biên đạo múa Xuân Lê (ảnh nhỏ) đã nhận được sự chào đón của nhiều khán giả hâm mộ. Ðây là lần thứ tư anh về Việt Nam cùng với những đứa con tinh thần của mình. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về hành trình sáng tạo múa đương đại đầy đam mê của anh.

Mang tính chất của một tác phẩm ứng tác trên sân khấu nên “Vòng lặp” luôn và không bao giờ cố định.
Mang tính chất của một tác phẩm ứng tác trên sân khấu nên “Vòng lặp” luôn và không bao giờ cố định.

Cuộc đời như những vòng quay

- Xin chào nghệ sĩ múa Xuân Lê, “Vòng lặp” là tác phẩm múa đầu tay do anh làm biên đạo. Cảm xúc của anh như thế nào khi mang vở diễn này về Việt Nam?

- Vở múa được sáng tạo năm 2016 với chủ đề “Nguồn cội”. “Nguồn cội” là nơi chúng ta được sinh ra, là gia đình, là điểm khởi đầu quá trình tiến hóa và phát triển của mỗi cá nhân trên trái đất này. Cái tên “Vòng lặp” chính là muốn nói đến vòng đời, sự tuần hoàn, lặp đi lặp lại của sự sống. Tôi và ê-kíp của mình rất hân hạnh khi nhận lời mời tham dự festival này. Cảm xúc khi được về biểu diễn ở quê hương rất mạnh mẽ, đặc biệt với một chủ đề rất gần gũi như “Vòng lặp”. Tôi có cảm giác như được mang tặng một món quà với người thân của mình.

- Tác phẩm múa “Vòng lặp” được anh sáng tác năm 2016 và cũng đã biểu diễn trên nhiều sân khấu khác nhau. Lần này, khi về Việt Nam, có sự thay đổi nào không?

- Mang tính chất của một tác phẩm ứng tác trên sân khấu nên “Vòng lặp” luôn và không bao giờ cố định từ lúc tôi sáng tạo cho đến khi biểu diễn. Nó sẽ có sự biến đổi cho phù hợp với điều kiện sân khấu và có thể tương tác với khán giả.

Tôi dự định làm một tác phẩm dài hơi về chủ đề này và “Vòng lặp” là phần mở đầu. Tôi muốn nói đến yếu tố tập thể, cộng đồng, “cái ta” tập thể và “cái tôi” bên trong tâm hồn. Câu hỏi mà tôi luôn đặt ra trong tác phẩm là chúng ta đến từ đâu, tổ tiên chúng ta như thế nào, làm sao một cá nhân có thể phát triển và trưởng thành trong cuộc sống quá nhiều phức tạp, mâu thuẫn nảy sinh... Theo thuyết luân hồi, cuộc đời như vòng quay, con người ta sinh ra rồi lại tái sinh.

- Sự ngẫu hứng trên sân khấu có vẻ như là điều không chỉ với riêng anh mà dường như cũng là điều các nghệ sĩ múa đương đại theo đuổi. Ðiều đó liệu có mâu thuẫn với trục nội dung của vở diễn?

- Mỗi người đều có cách xây dựng tác phẩm khác nhau. Ở đây tôi muốn nói đến yếu tố cấu trúc. Ứng tác ở đây được hiểu là trong khuôn khổ, theo cấu trúc vở diễn, theo dòng cảm xúc. Giống như khi bạn ăn một món ăn, tùy vào thời điểm, tâm trạng mà sự cảm nhận về món ăn đó sẽ khác nhau. Tôi thấy việc sáng tạo tác phẩm cũng như thế. Biên đạo sẽ đưa ra cho diễn viên múa chủ đề, mầu sắc, tính chất vở diễn để ứng tác.

- Khán giả tại Hà Nội rất thích thú với phần trình diễn của anh. Ðó là những yếu tố không hoàn toàn thuộc về nghệ thuật múa đương đại mà còn có sự giao thoa của các bộ môn khác như xiếc hay patin…

- Tôi bắt đầu học trượt patin khi lên năm tuổi với sự định hướng của bố mẹ. Tôi dần yêu thích bộ môn này và tự nhủ sẽ gắn bó với môn nghệ thuật free style này và bắt đầu tham dự các cuộc thi ở nhiều trình độ khác nhau. Chính những cuộc thi đã mang đến cơ hội cho tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên. Tôi cũng đạt được những giải cao mang tầm quốc tế, thí dụ như đứng thứ sáu giải vô địch trượt patin thế giới (thể loại free style) năm 2009. Rồi một ngày, khi tôi tập trượt trên phố, một biên đạo múa đã nhìn thấy và đề nghị tôi tham gia buổi biểu diễn của anh ấy. Ðó là lần đầu tôi được tiếp xúc với nghệ thuật múa. Sau đó tôi tham dự những chương trình học múa, tìm hiểu bộ môn này đồng thời tìm cách làm thế nào để kết hợp giữa bộ môn trượt patin và múa đương đại.

Hợp đồng quan trọng nhất mà tôi có được nhờ vào sự kết hợp giữa múa và trượt patin là với nghệ sĩ Tuấn Lê trong các chương trình xiếc đương đại. Ở đấy, tôi gặp rất nhiều người bạn, đến từ nhiều môi trường khác nhau. Ðiều đó tiếp tục nuôi dưỡng trong tôi sự tìm tòi, học hỏi việc kết hợp các môn nghệ thuật khác nhau. Và vở diễn đầu tiên trong vai trò biên đạo - vở “Vòng lặp” là sự kết hợp ngẫu nhiên hai bộ môn nghệ thuật này.

- Nhưng làm thế nào để anh kết hợp được hai loại hình này?

- Bạn biết đấy, tôi lớn lên với những đôi giày trượt patin. Tuy nhiên, mục đích của tôi khi kết hợp hai bộ môn này là để tạo nên một vở múa đương đại chứ không phải làm cho người xem nhìn thấy một ai đó đang trượt patin. Với tôi múa đương đại là một thứ gì đó rất rộng lớn khiến cho mọi thứ đều có thể chuyển động. Có thể ban đầu bạn nhìn kỹ vào gót chân của người ta, qua những bước nhảy, nhưng sau đó thì bạn sẽ quên đi, có thể hòa cùng nó và phiêu theo những điệu múa. Cũng như vậy, tôi muốn những người đến xem tôi biểu diễn không phải chỉ nhìn theo đôi giày patin của tôi mà đang nhìn một cơ thể múa.

- “Vòng lặp” là sự băn khoăn trong chính con người anh, là sự tìm kiếm nguồn gốc, nguồn cội. Anh đã tìm được câu trả lời cho riêng mình chưa?

- Tôi dự định sẽ có ba tác phẩm về chủ đề này. Phần hai với tên gọi “Phản chiếu” sẽ được giới thiệu tới công chúng vào tháng chín tới. Phần ba tôi sẽ đề cập mối quan hệ giữa mình và môi trường chung quanh. Chắc là sẽ mất nhiều thời gian để nghĩ ra chủ đề cho phần cuối. Với tôi, việc sáng tác một tác phẩm không chỉ để trả lời các câu hỏi mà còn mong muốn mở ra những câu hỏi khác, để biểu đạt tư duy của mình cũng như mang đến những khám phá mới cho khán giả.

Với tôi, sáng tạo tác phẩm là để mở ra những câu hỏi ảnh 1

Sau ánh đèn sân khấu là một câu chuyện dài

- Sau một thời gian bén duyên với múa đương đại, được biết anh đã xây dựng được một đoàn múa của riêng mình?

- Công ty của tôi có thể coi là một gia đình. Chúng tôi là một vũ đoàn nhỏ và cũng không có nhiều tiền nên mỗi người đều phải đảm nhận công việc nhiều hơn vị trí của mình. Tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn. Bắt đầu từ năm 2016 cho đến bây giờ, tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy chiều hướng phát triển của công ty. Ðầu tiên chúng tôi chỉ diễn ở những sân khấu nhỏ ở Paris nhưng dần dần đã đến với nhiều festival, buổi trình diễn, cuộc thi ở nhiều nước khác.

- Sự phát triển của múa đương đại tại Pháp có mở ra nhiều cơ hội cho những vũ đoàn nhỏ như vũ đoàn của anh không?

- Khi khán giả đến xem chúng tôi múa, họ chỉ có thể nhìn thấy kết quả cuối cùng của chúng tôi. Cũng giống như việc bạn xem một tác phẩm, nó không chỉ là ý tưởng nghệ thuật mà là cả câu chuyện dài đằng sau. Cuộc sống của vũ đoàn sau ánh đèn sân khấu cũng như vậy.

Có thể nói Pháp là một đất nước có nền văn hóa phát triển, với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Với tôi, việc có nhiều công ty, vũ đoàn nghệ thuật sẽ tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật đa mầu sắc. Nhưng không phải ai cũng có thể giới thiệu đứa con tinh thần của mình. Ở Pháp có một hệ thống những người lên chương trình, cho phép chúng tôi có thể biểu diễn hay không, có thể hỗ trợ chúng tôi một phần chi phí dàn dựng tác phẩm... Ðiều đó tạo động lực cho chúng tôi sáng tạo nên những tác phẩm mới. Với một vũ đoàn, điều quan trọng là được tự do trong cách thể hiện, cân bằng giữa kinh tế và sáng tạo nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng múa đương đại hay bất cứ môn nghệ thuật nào khác cũng đòi hỏi niềm đam mê rất lớn. Chúng tôi không mong đợi kiếm được nhiều tiền từ việc này. Làm nghệ thuật phải đầu tư thời gian, thể xác, tinh thần cũng như phải hy sinh rất nhiều. Ðến thời điểm này tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nghệ sĩ múa Xuân Lê, sinh năm 1988, bố là người Việt Nam, mẹ là người Tây Ban Nha. Anh là một trong những gương mặt trẻ tài năng của làng múa đương đại Pháp.