Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Văn học Việt còn ít trang viết hay về ẩm thực

Văn học viết về ẩm thực vốn là một đề tài vô cùng hấp dẫn nhưng chưa có nhiều người cầm bút tham gia vào lãnh địa này vì nhiều lý do khác nhau. Chia sẻ với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có những lý giải thú vị.

Văn học Việt còn ít trang viết hay về ẩm thực

Đề tài ẩm thực chưa được quan tâm

- Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, theo ông thì ở Việt Nam có hay không một dòng văn học gọi là văn học ẩm thực?

- Sòng phẳng mà nói, chúng ta chưa có một dòng, hay một nhánh của văn học gọi là văn học ẩm thực. Mới chỉ có những nhà văn viết về ẩm thực như Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân. Lý do là trong một thời gian rất dài đất nước ta trải qua chiến tranh. Trong chiến tranh mà bàn về cái ăn cái uống thì chính các nhà văn cũng cảm thấy không phải lắm, có lẽ thế. Ngay cả Nguyễn Tuân khi bàn về phở cũng từng bị phê bình. Nhưng nếu nhìn sang các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu thì dòng văn học ẩm thực rất đậm nét.

Văn học Việt còn ít trang viết hay về ẩm thực ảnh 1

Đã bắt đầu có một số nhà văn quan tâm trở lại lĩnh vực văn học viết về ẩm thực. Ảnh: ĐĂNG KHOA

- Ngay cả trong thời kỳ hiện đại chúng ta đang sống đây, hình như đề tài ẩm thực vẫn chưa được nhiều nhà văn để mắt tới?

- Có một số nhà văn cho rằng ẩm thực là một đề tài quá nhỏ, quá bình thường, nhà văn sao lại cầm bút để viết về chuyện ăn uống. Nhưng đây là một quan điểm sai. Bởi vì ẩm thực là nghệ thuật sống, là sự hưởng thụ, là văn hóa, là cố hương, là những ký ức, thậm chí là tâm linh, là rất nhiều điều kỳ diệu hàm chứa trong đó. Chúng ta có dòng văn học trinh thám, văn học công nhân, văn học quân đội, văn học công an, văn học về giáo dục, văn học nông thôn nhưng riêng ẩm thực, một nghệ thuật kỳ vĩ của nhân loại, gắn liền, đi cùng với nhân loại thì lại bị đối xử hờ hững là điều rất không công bằng. Đối với tôi, một bữa ăn ngon có thể khai mở rất nhiều điều. Ẩm thực thậm chí còn như một phương pháp để giải tỏa stress, giải tỏa những nặng nề trong tâm trí.

- Việt Nam được xem là một quốc gia ẩm thực với rất nhiều món ăn ngon được truyền thông thế giới ca ngợi, nhưng trong văn học những trang viết để tôn vinh ẩm thực Việt vẫn chưa tương xứng. Các nhà văn chắc chắn sẽ còn cảm thấy mắc nợ đề tài này?

- Trong du lịch hiện nay thế giới vẫn đặt Việt Nam là một trong những điểm đến đáng chú ý, vì ngoài những di sản thiên nhiên, văn hóa thì còn là sự quyến rũ của ẩm thực. Nói thật là cách tuyên truyền, quảng bá về ẩm thực của chúng ta còn ít và chưa thật sự hấp dẫn. Quảng bá ẩm thực ở đây cần phải được quan niệm là quảng bá về di sản, về văn hóa, về sự tinh tế cũng như vẻ đẹp của tâm hồn Việt. Các nhà văn chắc chắn còn nợ bạn đọc những trang viết hay về ẩm thực. Theo như tôi quan sát, bắt đầu có một số nhà văn đã quan tâm trở lại với đề tài này. Ban đầu là trên những trang báo Tết. Ở đó họ viết những chuyên đề về ẩm thực các vùng miền, ẩm thực ngày Tết rất thú vị. Khi đời sống giàu có hơn lên, miếng ăn không chỉ là chuyện để no bụng, thì người ta sẽ quan tâm nhiều hơn các giá trị khác của vấn đề ẩm thực.

Món ăn ngon nhất là món mẹ nấu

- Ông là người đã đi nhiều nơi trên thế giới, thưởng thức nhiều món ăn ngon của nhiều quốc gia khác nhau, nhưng vì sao trong cuốn sách “Mùi của ký ức” ông chỉ dành để viết về những món ăn dân dã của Làng Chùa - quê hương của ông?

- Tôi xin kể lại một câu chuyện về một bộ phim hoạt hình tôi đã được xem ở Mỹ. Khi một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng của nước Pháp đến một nhà hàng ở Paris để thưởng thức món ăn, đầu bếp ở đó đã náo loạn không biết phục vụ ông ta món gì để ông ta hài lòng. Rồi một chú chuột lém lỉnh đã mách cho người đầu bếp trẻ nấu một món ăn đặc biệt. Tôi nhớ mãi hình ảnh trên phim, nhà phê bình một tay cầm bút và một tay cầm dĩa để thử món ăn và ngay khi ông ta bắt đầu thưởng thức miếng đầu tiên, chiếc bút trên tay ông ta rơi xuống. Điều gì xảy ra trong món ăn đó vậy? Xin thưa, ông ta vừa nếm món rau dại hầm. Khi ông ta ăn món ăn đó thì ký ức tuổi thơ dội về. Trong những năm tháng đói khát của nước Pháp, mẹ của ông ta cứ buổi chiều từ cánh đồng băng giá trở về và nhặt những cây rau dại trên cánh đồng để nấu cho các con của mình ăn. Hương vị của món ăn đó đã đeo đuổi suốt cuộc đời ông, trở thành một vùng ký ức không bao giờ có thể phai nhạt. Câu chuyện từ nước Pháp cho ta thấy trong món ăn chứa đựng cả văn hóa, ký ức, con người và lịch sử.

Quay trở lại câu chuyện Làng Chùa và cuốn sách “Mùi của ký ức”, giống như nhân vật trong bộ phim tôi vừa kể, đối với tôi, món ăn ngon nhất trên đời cũng chính là món ăn mẹ nấu. Tôi đã viết về những món ăn tuổi thơ vì trong tôi cũng đầy ắp ký ức. Khi ký ức dội về mạnh mẽ, những món ăn không chỉ là những món ăn thông thường nữa, mà nó chứa đựng toàn bộ những năm tháng ấu thơ của mình. Nơi đó có mẹ, có bà, có cha, có cô dì chú bác họ hàng, có đói khát, có thương yêu, đau khổ và hạnh phúc. Chính những điều đó đã làm cho từng món ăn quê nhà trong tôi trở nên bất diệt. Tôi nhớ câu chuyện nhà văn Lê Lựu sau khi sang Mỹ trở về hùng hồn tuyên bố, nước rau muống vắt chanh là món ngon nhất thế giới. Có thể nhiều người sẽ buồn cười nhưng đối với tôi, Lê Lựu không nói sai. Sở dĩ không có món ăn nào quyến rũ ông bằng nước rau muống luộc bởi vì ông đã sống với những món ăn đó trong suốt cuộc đời mình và nó mang lại cho ông một vị giác khác. Cái vị giác này không phải từ công thức nấu ăn chung nào đó mà nó là ám ảnh của hồn vía quê nhà, những hồi ức, thói quen cũng như tình yêu văn hóa của nhà văn.

- Ông có thường xuyên vào bếp nấu ăn cho các thành viên trong gia đình không?

- Không chỉ tôi mà nhiều nhà văn có sở thích vào bếp nấu ăn và nấu ăn ngon như Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Lưu… Tôi cam đoan rằng, nấu ăn cần trí tưởng tượng, cần trực giác mạnh. Khi nhà văn nấu ăn, bằng cảm quan nghệ thuật của mình họ sẽ làm cho món ăn trở nên đẹp đẽ, màu sắc và hương vị hơn. Trong nấu ăn cần rất nhiều tình yêu, chứ không chỉ đơn giản là công thức. Ẩm thực cũng chứa một tính giáo dục rất cao. Tôi thường dạy con tôi bằng cách nấu cho chúng ăn các món mà ông bà xưa đã nấu. Trong lúc nấu ăn, tôi nói với chúng những câu chuyện về rau khúc, canh cua, cá kho…

- Liệu một người cầm bút có thể trở thành nhà văn lớn khi viết về ẩm thực không, thưa ông?

- Không có đề tài nào là nhỏ hơn đề tài nào. Nếu một người muối dưa giỏi họ là một nghệ nhân, còn một người làm giò kém họ chỉ là một người nấu ăn tồi. Vấn đề không phải nguyên liệu là cái gì, mà quan trọng là nghệ thuật nấu đem lại món ăn như thế nào. Nhà văn viết về lịch sử vĩ đại nếu viết hay thì trở thành vĩ đại và nhà văn viết về một món ăn nếu viết hay cũng sẽ trở thành vĩ đại. Ở đây, chúng ta không nói về sách dạy nấu ăn, mà nói về văn học ẩm thực và câu chuyện là viết về một vùng văn hóa, một vùng số phận, một vùng quan hệ mang tên ẩm thực. Thậm chí trong món ăn chứa đựng cả tâm linh nữa. Đừng bao giờ đổ lỗi cho đề tài, vấn đề chỉ là chúng ta không theo đuổi nó đến tận cùng thôi, không viết đủ hay để chinh phục độc giả thôi. Đề tài chỉ là một cái cớ. Nó chỉ là cái mắc áo để cho anh treo cái áo nghệ thuật, cái áo tư tưởng, cái áo cảm xúc của anh lên đó.

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

Vũ Quỳnh Trang (Thực hiện)