Vấn đề của chúng ta là… lao động chưa đủ

Có rất nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan, khiến cho hoạt động giao lưu văn học giữa Việt Nam với thế giới hiện vẫn còn bị động và manh mún. Trong khi, đó là một khía cạnh quan trọng và hiệu quả của hoạt động ngoại giao nhân dân mà chúng ta chưa thật sự chú trọng - dịch giả, nhà thơ Thụy Anh (ảnh nhỏ, bên trái) chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Vấn đề của chúng ta là… lao động chưa đủ

Đã có sự chuyển động tích cực hơn

- Được xuất bản ở Nga cách đây hơn nửa thế kỷ, cuốn sách thiếu nhi thú vị - Cung và Xung vừa có “chuyến trở về” ấn tượng tại Việt Nam cuối năm 2019. Chị có thể chia sẻ về mối duyên nào dẫn đến sự kiện đặc biệt này?

- Trong năm 2018, có hai người bạn vong niên, hai người anh của tôi, nhắc đến hai nhân vật đặc biệt này. Đó là dịch giả Nguyễn Quốc Hùng và nhà báo Phan Việt Hùng. Những thông tin họ đưa lại khiến tôi cảm thấy thích thú - đặc biệt là, không biết có phải do công tác bảo mật thời chiến hay không mà tài liệu bằng tiếng Việt về cặp voi xé rừng sang nước bạn gần như không có. Anh Nguyễn Quốc Hùng có cơ duyên gặp được con gái họa sĩ Shevchenko, người đã say mê câu chuyện đôi voi Việt Nam ngay từ khi còn là sinh viên Mỹ thuật ở Leningrad. Và thế là, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước Việt - Nga, chúng tôi đã trò chuyện, kết nối NXB Kim Đồng với con gái của họa sĩ, từ đó có được ấn phẩm nhỏ bé này. Bé nhỏ, mỏng thôi nhưng cuốn sách mang trong mình một câu chuyện dài, dày dặn về tình bạn thủy chung giữa hai đất nước, về lịch sử dân tộc... mà bạn đọc trẻ tuổi bây giờ rất cần tiếp cận.

- Ngoài văn học Nga, thì văn học các nước được mua bản quyền và giới thiệu khá rầm rộ ở Việt Nam. Các nhà xuất bản, nhà sách như Nhã Nam, Trẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ còn mời các tác giả sang Việt Nam giao lưu. Điều này tạo nên cú huých, động lực trao đổi, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước?

- Mảng sách dịch trong những năm qua phát triển mạnh và tôi nghĩ, dù là giới thiệu sách best seller hay sách các dòng kén người đọc hơn thì đều là cú huých đối với các tác phẩm của nhà văn trong nước, khiến nền văn học “quốc nội” cũng chuyển động tích cực hơn, tạo được không khí trao đổi, giao lưu văn hóa ấm áp hơn giữa Việt Nam và các nước.

- Còn việc quảng bá văn học Việt Nam sang Nga và rộng hơn, ra nước ngoài thì sao? Nhìn đi nhìn lại, chúng ta cũng chỉ mới có mấy đầu sách được xuất bản ra nước ngoài như Truyện Kiều, Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận và gần đây là sách của Nguyễn Nhật Ánh... Theo chị, vì sao có sự chậm trễ như vậy?

- Cho dù chúng ta có các hội nghị quảng bá văn học Việt Nam tương đối rầm rộ và các cuộc giao lưu với các nhà thơ, nhà văn quốc tế, việc dịch thuật và giới thiệu tác phẩm của Việt Nam ra thế giới vẫn chưa hiệu quả và manh mún. Thậm chí, tôi còn cho rằng, các nguồn lực đang bị tản mát, không tập trung. Tôi thích cách làm của Hàn Quốc: họ không tổ chức hội nghị hội thảo, họ tìm kiếm, phát hiện và đào tạo dịch giả văn học. Các dịch giả nước ngoài được cấp học bổng sang học tập trung tại đất nước sở tại, tìm hiểu văn hóa văn học, làm việc cùng các tác giả, đắm chìm trong không khí văn chương Hàn Quốc, phân tích và tranh luận về các tác giả cụ thể, tác phẩm cụ thể. Từ hoạt động đó hình thành những “team” hợp ý gồm dịch giả; tác gia; nhà lý luận văn học; biên tập viên. Bấy giờ, họ bắt tay vào lựa chọn tác phẩm để giới thiệu, dịch thử một vài chương gửi ra nước ngoài để các nhà chuyên môn về xuất bản thẩm định, thử phản ứng thị trường. Tác phẩm nào đáp ứng được các tiêu chí của giới chuyên môn về văn học và xuất bản ở nước đó sẽ tiếp tục được chuyển ngữ... Theo chỗ tôi được biết thì ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tổ chức được công việc dịch thuật có hệ thống và dài hơi như vậy.

- Được biết, có nhiều tác giả trẻ hiện nay đi bằng những “kênh riêng” để đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài. Việc xuất bản quảng bá còn rất manh mún trong khi nó cần một kế hoạch, chiến lược tổng thể?

- Các kênh quảng bá và tự giới thiệu mình, các tác giả vẫn tìm được bằng cách này hay cách khác. Nhưng để tác phẩm đến được thật sự với công chúng, sách được đàng hoàng xuất hiện trên kệ sách của hiệu sách, thêm nữa, được nhắc tới hoặc giới thiệu ở hội sách thì... chưa! Thậm chí, có những ấn phẩm chỉ được in với lượng ấn bản cực ít và chỉ để tặng, biếu. Văn học chỉ được tính là được quảng bá tốt nếu có người đọc, đến được với công chúng nước sở tại, tạo được ấn tượng nhất định với một bộ phận độc giả. Đó là trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh... Chúng ta cần có thêm các mối quan hệ giao lưu với các NXB quốc tế, “chào hàng” ấn tượng với họ. Bên cạnh đó, cần thiết kế các không gian văn chương của mình trên mạng được dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đó là cách tự giới thiệu mình khá tốt. Đó có thể là công việc của các tổ chức văn hóa như các hội nhà văn, hội văn học nghệ thuật, đương nhiên, với sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ văn hóa…v.v. Các tác giả, dịch giả Việt Nam nên tích cực xuất hiện và thể hiện mình ở các festival văn chương quốc tế...

Việc tổ chức dịch, đăng và giới thiệu các tác phẩm văn học Việt trên các tạp chí ngành ngoại giao, du lịch... cũng là một kênh thú vị vừa để quảng bá văn học vừa tạo chiều sâu cho du lịch, ngoại giao. Tôi nghĩ, vấn đề của chúng ta ở đây là... lao động chưa đủ! Muốn giới thiệu tác phẩm, phải có bản dịch đã chứ! Có bản dịch rồi mới hội thảo, bàn luận, tranh cãi, trích dẫn, khen chê được chứ! Tôi ước sao, chúng ta không tổ chức các hội nghị quá hoành tráng hai năm một lần như hiện giờ mà tập trung chuẩn bị cho một festival nho nhỏ nào đó 3-5 năm/lần bằng cách đầu tư chuyển ngữ các tác phẩm ra một số thứ tiếng phổ biến mà các nước khác có thể thông qua đó cập nhật thông tin. Khoảng thời gian giữa các hội nghị, các festival là lúc phải lao động cật lực có kế hoạch, chiến lược, phân công công việc rõ ràng. Các khoản tài chính dành để tổ chức Hội nghị có thể tập trung cho chính quá trình chuẩn bị này. “Chính hội” chỉ đơn giản là lúc cùng nhìn lại, đánh giá, phân tích và hân hoan với kết quả làm việc của thời gian trước đó.

Câu hỏi quan trọng cần được trả lời

- Năm 2019, chị được mời đi dự một festival văn học lớn ở Nga, tại đó, chị thấy vị thế của văn học Việt Nam ra sao so với các nước trong khu vực và châu Á?

- Cho dù rất “tự ái”, tôi vẫn phải thú nhận rằng, bên ngoài họ không biết nhiều đến chúng ta, trừ các bạn Hàn Quốc có chút khái niệm về văn học Việt Nam nhờ cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Năm vừa rồi, tôi có mang theo các tác phẩm của Hồ Anh Thái, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Trương Quý, Phong Điệp do dịch giả Quỳnh Hương và Irina Vinskovskaia chuyển ngữ. Tôi in và photo các bản dịch, chuyển cho các nhà xuất bản ở Nga, có vài người bày tỏ sự quan tâm, nhưng số lượng các bản dịch cũng chưa đủ nhiều để gây sức nặng với họ.

- Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do hạn chế việc đưa văn học Việt ra thế giới là khan hiếm dịch giả. Theo chị, nhận định này có đúng không?

- Đó là lý do rất dễ được nói ra nhưng theo tôi, hoàn toàn không thuyết phục. Dịch giả có hay không là do họ có được khuyến khích, cổ vũ, hỗ trợ hay không! Vấn đề ở cách tổ chức chứ không phải ở việc khan hiếm nguồn lực. Chúng ta giống những người chưa làm đã kêu khó vậy. Tôi muốn đặt ra mấy câu hỏi như thế này: Ai muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài? Cá nhân các nhà văn? Hội nhà văn? Hay ngành ngoại giao, ngành du lịch, ngành xuất bản? Hay... chung chung là “nhà nước”? Trả lời câu hỏi này rất quan trọng. Ai muốn thì người đó mới hành động, nôm na là động lực hành động. Chúng ta có động thái nào phát hiện các dịch giả, đào tạo họ, hỗ trợ họ, đồng hành cùng họ, khuyến khích họ, vinh danh họ? Nếu không có đơn vị, cá nhân nào theo dõi, đánh giá công sức lao động của các dịch giả, không có kế hoạch kết nối các thế hệ dịch giả... thì việc khan hiếm dịch giả sẽ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân!

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Vấn đề của chúng ta là… lao động chưa đủ ảnh 1

Chọn mua sách dịch từ nước ngoài tại Trung tâm sách Hà Nội, số 4 Đinh Lễ. Ảnh: NGỌC MAI