GS, TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính:

Trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt

Một khối tư liệu đặc biệt gồm hàng nghìn bản vẽ thủ công các hoa văn, họa tiết của nhiều di tích lịch sử từ đầu thế kỷ 20 cho đến sau này đang được lưu giữ tại Viện Bảo tồn di tích, thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người làm nghề và nhiều người yêu văn hóa cổ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính (ảnh nhỏ) về việc khai thác khối di sản đặc biệt này phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích.
Kho tư liệu chi tiết về các di tích này giúp giữ lại cho mai sau một vốn di sản thật sự quý giá.
Kho tư liệu chi tiết về các di tích này giúp giữ lại cho mai sau một vốn di sản thật sự quý giá.

Di sản từ di sản

- Thưa ông, cuốn sách Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích mới phát hành đã thu hút sự chú ý của giới nghề. Đặc biệt, trong lời tựa cuốn sách, ông đã nhắc đến hàng vạn bản vẽ ghi thủ công từ khoảng đầu thế kỷ 20 đang được Viện lưu giữ. Ông có thể cho biết thêm về sự hình thành khối tư liệu quý giá này?

Trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt ảnh 1

- Trong công việc xây dựng tư liệu khoa học, có một hoạt động rất đặc thù đối với những người làm công tác bảo tồn di tích, đó là vẽ ghi hiện trạng di tích - ngày trước gọi là đạc họa (relever), ghi lại gần như 100% kích thước, chất liệu, hình dạng, đường nét… Đây là bộ môn do các nhà bảo tồn kiến trúc người Pháp đưa vào Việt Nam, vào những năm đầu của thế kỷ 20, bắt đầu từ việc vẽ ghi các tháp Chàm ở Mỹ Sơn, miền trung. Người có công lao đầu tiên trong việc này là kiến trúc sư người Pháp L.Bezacier, đã chủ trì việc đo vẽ, đạc họa gần 100 công trình kiến trúc gỗ có giá trị ở các tỉnh phía bắc, nhất là các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng. Vào năm 1959, ông ta đã cho in cuốn sách đầu tiên gồm cả trăm bản vẽ về đình Đình Bảng, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích… Nhờ thế, chúng ta có tư liệu để tiến hành trùng tu chùa Phật Tích sau này.

Người Việt Nam đầu tiên làm công tác đạc họa là họa sĩ Công Văn Chung, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương (đã mất cách nay gần 30 năm rồi).

- Sau những “viên gạch đầu tiên” đó, hoạt động đạc họa di tích được tiếp nối như thế nào, thưa ông?

- Vào những năm 60 thế kỷ trước, Bộ Văn hóa thành lập Cục Bảo tồn bảo tàng, trong Cục thành lập bộ phận tu sửa, phục chế - đó là sự nhen nhóm đầu tiên của tổ chức về bảo tồn, trùng tu di tích, kế thừa bài bản khoa học của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Bộ phận này đã bắt đầu việc đo vẽ, đạc họa các di tích, đó là nền tảng ban đầu của hoạt động trùng tu di tích một cách khoa học.

Lúc đó còn rất khó khăn về vật chất, thiếu phương tiện kỹ thuật, phải làm theo kiểu thủ công, bắc thang leo lên mái đình, mái chùa, lấy phấn kẻ trên những bức chạm trổ những hình vuông cạnh dài 10 cm để sau chuyển sang hình vẽ bút chì trên giấy cro-ki cho chính xác. Làm sao phải vẽ đúng tỷ lệ, đúng đường nét và đúng biểu cảm mà những bức phù điêu ấy thể hiện. Các bản vẽ đó đã có tuổi đời 40-50 năm, trở thành di sản rồi. Đồng thời, nó ghi lại, thể hiện tài năng và sự cảm thụ của các đạc họa viên. Ở thời điểm đó, chúng ta chưa có tiềm lực kinh tế để đầu tư nhiều cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nhưng chúng ta đã nhìn thấy trước những gì có giá trị, đặc biệt là những gì có khả năng bị hư hại, biến mất, để ghi lại thành tư liệu. Đặc biệt ở ta, các di sản văn hóa vật thể hầu hết bằng các vật liệu có nguồn gốc hữu cơ - gỗ hoặc đất nung, nên dễ hư hỏng. Hoặc những đợt duy tu, trùng tu đều có sự biến đổi, nên tư liệu về các di sản đó là sự ghi lại chắc chắn cho mai sau cái hiện trạng di sản còn gìn giữ được cho đến thời điểm đó.

Hơn 30 năm làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích, ngoài việc nghiên cứu di sản văn hóa vật thể, trùng tu di tích, xây dựng bài bản về công tác trùng tu di tích, tôi nghĩ, có một việc sẽ giúp giữ lại cho mai sau một vốn tài liệu thật sự quý giá, chính là kho tư liệu các bản vẽ ghi này.

- Khối tư liệu quý giá đó đã tạo cơ sở khoa học cho nhiều hoạt động trùng tu di tích sau này…

- Mọi lĩnh vực, bộ môn khoa học xã hội, đặc biệt là liên quan đến lịch sử thì công việc đầu tiên, tạo nền tảng cho tất cả chính là xây dựng tư liệu khoa học. Không có tư liệu khoa học thì mọi kết quả nghiên cứu đều dễ bị viển vông, không có căn cứ, đặc biệt đối với lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa vật chất, các di tích lịch sử văn hóa… Việc xây dựng tư liệu khoa học lấy từ bản thân các di tích, từ quỹ vật chất của quá khứ là vô cùng quan trọng.

Dấu mốc và quan điểm

- Cũng trong lời đề tựa cuốn sách, ông nhắc đến đình Tây Đằng như một di tích có vị trí đặc biệt trong sự hình thành và phát triển của ngành trùng tu di tích nước nhà?

- Có thể nói công cuộc trùng tu di tích theo bài bản khoa học thật sự bắt đầu vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Có ý nghĩa dấu mốc quan trọng nhất trong giai đoạn ban đầu này là công trình trùng tu ngôi đình cổ nhất Việt Nam - đình Tây Đằng. Hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa ở phía bắc của Việt Nam đều bằng gỗ, nên việc trùng tu một công trình kiến trúc gỗ như đình Tây Đằng, nếu giải quyết được những vấn đề khoa học - kỹ thuật thì sẽ mở ra đường hướng bài bản cho công tác tu bổ di tích.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo công trình tu sửa di tích này. Anh em làm chuyên môn tuy chưa được đào tạo bài bản lắm, nhưng cũng hiểu là phải giữ cho được các hiện vật gốc, và đã cố gắng họa lại các chi tiết theo tỷ lệ 1-1. Công việc kéo dài mấy năm liền, làm rất công phu nhưng vẫn chưa tìm được phương án tối ưu nhất, trong khi đình Tây Đằng ngày càng có nguy cơ đổ sập. Khi công trình vẫn đang vướng mắc, tôi tốt nghiệp ở Liên Xô về - là tiến sĩ về bảo tồn di tích đầu tiên ở Việt Nam. Bộ trưởng đã triệu tập tôi lên, tôi hiến kế cách thức trùng tu một công trình kiến trúc gỗ ở Việt Nam theo nguyên tắc: đối với các di tích kiến trúc gỗ Việt Nam, không có cách nào khác trong tu bổ ngoài các bài bản của thợ thủ công truyền thống - ứng dụng phương thức tu sửa nhỏ ngay khi các đình, chùa có hiện tượng hư hỏng, chứ không đợi hỏng nặng mới sửa. Vì họ hạn chế về phương tiện, vật liệu, nên họ chủ trương không thay thế nhiều, mà cố gắng giữ lại hết mức có thể. Chính điều đó lại trùng hợp về quan điểm trùng tu các di tích của thời hiện đại: công trình tu bổ phải giữ lại tối đa phần gốc, không phải vì không có nguyên liệu, mà vì đó chính là lịch sử. Chính vì thế, ở thời điểm đó, với đình Tây Đằng tôi chủ trương hạn chế tối đa sự thay thế, mà dùng cách chắp, vá, nối các khúc gỗ cũ, xà cũ, cột cũ, nếu hỏng thì cưa bớt rồi ghép, nối, bất đắc dĩ mới bỏ. Sau trùng tu, đình Tây Đằng có dáng vẻ gần như cũ, nhưng đứng vững.

- Tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc, GS Trần Lâm Biền nhận xét: Đình Tây Đằng hiện nay là minh chứng cho những sai lầm trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích giai đoạn hiện nay?

- Điều đó đúng một phần. Theo quan sát của tôi, công trình này đã mới hơn rất nhiều - kết quả của cuộc trùng tu cách đây gần 10 năm. Dở nhất là nhiều cấu kiện gỗ đã bị thay mới. Nên nhớ, các cột gỗ ở đình Tây Đằng bằng gỗ mít, có từ thế kỷ 15,16, rất quý. Trên thế giới, gỗ ở các công trình mà tồn tại được 5, 6 thế kỷ rất ít. Hầu hết các công trình trùng tu di tích hiện tại có đến 70-80% cấu kiện thay mới, theo quan điểm: trùng tu một lần, trùng tu cơ bản. Nhưng đó là quan điểm của những người không am hiểu về di tích. Một ông già thì không thể chăm sóc sức khỏe một lần được. Mà sau mỗi lần chăm sóc, trông “ông di tích” vẫn phải già như cũ mới là đạt yêu cầu. Nghề trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt, mỗi di tích là một loại bệnh mà hiện nay lại đưa ra một loạt quy định chuẩn hóa hoạt động này là không phù hợp.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.