Ca sĩ Bông Mai:

Trẻ em Việt Nam cần được hát bài hát Việt Nam

Dành thời gian và tâm huyết cho dự án nhạc thiếu nhi trên kênh Sing Channel, ca sĩ Bông Mai chia sẻ rằng, đó là nơi chị khai phá kho tàng gần 3.000 bài hát thiếu nhi Việt Nam theo cách của mình với mong muốn, trẻ em Việt Nam có cơ hội hát bài hát Việt Nam nhiều hơn.

Nhiều chương trình gameshow trẻ em bị dư luận phê phán vì lạm dụng bài hát người lớn.
Nhiều chương trình gameshow trẻ em bị dư luận phê phán vì lạm dụng bài hát người lớn.

Ba nghìn và 80%

- Lần đầu có một dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi, Sing Channel. Đó có phải là cách chị đang tiếp nối ý nguyện của ba chị, nhạc sĩ An Thuyên?

Trẻ em Việt Nam cần được hát bài hát Việt Nam ảnh 1

- Người khởi xướng dự án này là ba tôi và bác Hoàng Long, Hoàng Lân, bác Phan Phương. Các cụ tập hợp lại thành một nhóm xây dựng tổng tập bài hát thiếu nhi do các nhạc sĩ thế hệ trước viết, toàn những bậc lão thành trong nền âm nhạc Việt Nam. Khi làm xong tập một thì ba tôi mất, nhưng đã có bản thảo cho tập 2, 3. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ là mình chỉ tiếp nối công việc ba đang làm. Nhưng khi trực tiếp tìm hiểu bản thảo, tôi thấy có quá nhiều thứ hay. Tôi hoàn thành xong tập hai, mang sách đến tặng các nhạc sĩ, gặp gỡ họ. Có những người lớn tuổi rồi, nhận được sách họ rất xúc động. Và tôi thấy trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở đó. Bởi những bài hát trong cuốn sách vẫn không được vang lên.

- Và chị bắt đầu dự án Sing Channel, chọn cách tiếp cận với khán giả hoàn toàn khác thay vì những cuốn sách nhạc lặng lẽ?

- Tôi xin các bác được sử dụng các bài hát trong vòng ba năm, mọi người ủng hộ. Hiện tại tôi đã có hơn 3.000 bài hát thiếu nhi và chỉ 20% số đó đã được phổ biến rộng rãi, còn khoảng 80% trong số đó chưa ai biết, có nhiều bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng như Huy Du, Hồ Bắc, Trần Hoàn. Rất nhiều tình cảm và động lực để tôi làm tiếp dự án, nhưng mỗi thế hệ sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Tôi tìm hiểu về digital, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và tôi gần như phải học từ đầu, thậm chí sang cả nước ngoài tìm hiểu xem mọi người làm thế nào. Cuối năm vừa rồi, tôi tung thử vài sản phẩm, đến bây giờ đã có khoảng 20 sản phẩm trên kênh Sing Channel. Nhiều người cho rằng tôi điên rồ, không nhiều người làm những công việc cho cộng đồng và không có lợi nhuận như thế. Nhưng tôi muốn trẻ em được nghe nhạc một cách thuần túy, trong sáng nhất.

- Tôi khá giật mình khi nghe chị nói đến con số 3.000 bài hát và trong đó gần 80% chưa được công bố. Vậy mà nhiều năm qua, chúng ta vẫn lấp liếm rằng trẻ em thiếu bài hát quá nên phải hát bài người lớn?

- Tôi vẫn bị choáng ngợp vì mình bước vào mảnh đất quá màu mỡ mà rất hoang sơ. Nên bình tĩnh và tỉnh táo để biết bắt đầu từ đâu mới quan trọng. Nóng vội sẽ hỏng. Nếu nhìn từ yếu tố kinh doanh, kiếm lợi nhuận thì không đi xa được. Tôi làm dự án này với mong muốn không chỉ thời điểm này mà mãi mãi về sau mọi người có một kho dữ liệu để tìm kiếm. Nó là nơi trung chuyển trao đổi, tác giả có địa chỉ để gửi đến. Tín hiệu mừng là có nhiều bạn nhạc sĩ trẻ đã liên hệ với tôi và muốn tham gia một cách cống hiến bởi các bạn biết mục đích của dự án.

Chúng ta quá thiếu bài hát cho thiếu nhi và chúng ta cũng chỉ kêu gào vậy thôi chứ không ai đủ tâm huyết đứng ra làm. Vì thế không có gì hay hơn là tự mình làm. Bây giờ các bài hát đang phát trên Youtube, Facebook… Các tác giả có bài hát trong dự án này đều có một tài khoản trên Youtube để có thể truy cập vào Sing Channel nghe bài hát của mình. Chúng tôi có hướng dẫn cụ thể cho các bác tiếp cận internet. Tôi không chỉ dừng lại trên Sing Channel mà sẽ có cách thể hiện khác nữa, tuy nhiên không yêu chiều theo thị hiếu mà gần gụi, mộc mạc.

- Trong số 3.000 bài hát có những bài cũ rồi, không khí của bài hát nay cũng đã khác, chị có cách làm mới như thế nào để tiếp cận khán giả hôm nay?

- Sing Channel hát trực tiếp từ studio, mộc mạc, chân thật, không có những MV các con mặc xinh đẹp lộng lẫy rồi hát nhép. Cho dù bé hay nghệ sĩ lớn đều hát trực tiếp, không làm màu bản phối. Có hai lý do, những bài hát quen với thế hệ trước, trong hoàn cảnh xã hội đơn giản, không quá phức tạp màu sắc về âm thanh. Còn với khán giả ngày nay, tôi muốn họ có cách nhìn khác hơn về âm nhạc thiếu nhi, đó là âm nhạc không chỉ mang lại sự trong sáng, hồn nhiên mà có thể hát bất cứ lúc nào. Đó là lý do mà tất cả bản phối của kênh Sing Channel đều là acoustic, đơn giản, nhẹ nhõm. Chúng tôi hình dung một gia đình ngồi quây quần với nhau để nghe, hát và xem. Ông bà có thể kể cho các con nghe bài hát ký ức của mình và con cháu có thể chia sẻ về cách tiếp cận của người trẻ.

Mang nhạc thiếu nhi ra thế giới

- Chị đang đi một con đường khó khăn và chắc chắn gặp không ít những trở ngại?

- Với những người trong nghề có rất nhiều đánh giá khác nhau về chất lượng nghệ thuật. Tôi chọn hướng acoustic, mọi thứ ở mức chừng mực, chân thật nhất. Sing Channel không hướng tới cụ thể một đối tượng khán giả nào. Nó được làm để cho gia đình, là cơ hội để mọi người trong gia đình gắn kết với nhau hơn, hiểu nhau hơn qua âm nhạc. Sắp tới chúng tôi sẽ giới thiệu thêm những bài hát lời Nhật, Đức, Anh… Trong một chuyến đi Mỹ năm ngoái, tôi gặp cộng đồng người Việt bên đó, tôi thấy quá vô lý khi trẻ em Việt không biết bài hát Việt Nam. Tôi muốn có một dự án giúp các bạn biết đến quê hương Việt Nam, để những bạn trẻ Việt kiều cũng có thể hát Hạt gạo làng ta - một bài hát gần gụi, quê hương. Mỗi thế hệ sẽ có một cách tiếp cận khác nhau, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không phổ cập ra thế giới.

- Nhưng một dự án phi lợi nhuận, theo chị, có đi được đường dài khi nó đòi hỏi khá nhiều công sức và tiền bạc?

- Mức độ “điên” của tôi cũng có giới hạn, tôi không bảo thủ đến mức không cho ai tham gia vào dự án mà tôi muốn tìm người có chung quan điểm. Mục đích khi tôi ký với các tác giả là tất cả các bài hát này khi được sử dụng làm sản phẩm kinh doanh, quảng cáo sẽ lấy tiền trả lại cho tác giả, mang lại nguồn thu cho họ. Đây là dự án lớn, đòi hỏi sự đầu tư và hy sinh nhiều hơn vì nhạc thiếu nhi rất khó thu được tiền, rất thiệt thòi cho các nhạc sĩ. Nhiều người trong số họ đang đau ốm, cuộc sống rất khó khăn, dự án không giúp cho các nhạc sĩ sống tốt hơn nhưng giúp họ có thêm niềm tin, nó không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà cả vật chất nữa. Tôi bắt đầu dự án này như một start-up. Bất lợi khi tôi đã ở tuổi 40, mình phải học hỏi nhiều thứ từ các bạn trẻ. Nhưng cũng có lợi thế khi mình có kinh nghiệm, biết chọn điểm rơi, dừng và phát triển cho tốt. Đến thời điểm hiện tại, nó hoàn toàn là tiền của một cá nhân bỏ ra sản xuất. Trong sáu tháng đầu tôi muốn tạo cho mọi người thói quen nghe và sắp tới sẽ là những dự án nhỏ khác chạy theo dự án này như về tin tức, những thứ liên quan đến trẻ em, các bố mẹ có thể cho con truy cập vào trang web của Sing Channel mà không cần nghi ngại trang web này có sạch không.

- Điều gì khiến chị có đủ dũng khí để bắt đầu một start-up ở tuổi không còn trẻ như thế?

- Đó là gien di truyền từ ba, ba tôi trẻ và rất yêu trẻ, vì thế không có lý do gì khi mình chưa già mà lại trì trệ được. Lúc đầu tôi bị stress mấy tháng trời vì một lĩnh vực mới mẻ quá, cả một khoảng trống phía trước và mình đứng một mình, rẽ trái, phải, mình phải tự quyết định. Quyết định thì phải học. Nếu giấu dốt, sợ, mất sĩ diện với bạn trẻ thì không làm được. Có lúc nản nhưng tôi được tiếp năng lượng bằng cách nói chuyện với các bác nhạc sĩ, nghe họ kể câu chuyện của mình, thỉnh thoảng, được nhận những cuộc điện thoại bày tỏ niềm xúc động vì lần đầu tiên những sáng tác của họ được cất lên. Đôi khi chính những người lớn tuổi mang lại cho mình năng lượng tích cực và nhiều giá trị khác.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.