Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên:

Trân trọng tâm huyết của các nghệ sĩ trong nước

Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên đã có 19 năm làm việc tại Dàn nhạc quốc gia Pháp (Orchestre National de France - ONF). ONF có bốn nhạc công người gốc Á, trong đó Việt Nam có hai, lại là hai anh em ruột, hai nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Nguyên và Nguyễn Hữu Khôi Nam. Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng nghệ sĩ bên lề đêm biểu diễn duy nhất của anh ở Hà Nội, trong chuyến trở về mới nhất của anh.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong đêm diễn tại Hà Nội.
Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cùng các đồng nghiệp Việt Nam trong đêm diễn tại Hà Nội.

Tôi hài lòng với nghề nghiệp

- Vị trí hiện tại của anh trong Dàn nhạc quốc gia Pháp - ONF là gì?

- Hiện nay, tôi đang giữ vị trí soliste bậc thứ ba, được xếp chỗ ngồi cố định ở hai hàng ghế đầu tiên của bè violon 2, khác với những nhạc công khác ngồi ở sau.

- Anh có thể giới thiệu những nét khác biệt trong cách thức tuyển chọn nhạc công của ONF nói riêng, của các dàn nhạc theo tiêu chuẩn châu Âu nói chung?

- Thí dụ như ở Paris, các dàn nhạc tuyển nhạc công qua các cuộc thi tuyển (concour) mà thường chỉ lấy một suất trong vòng định kỳ khoảng ba năm, mỗi đợt có chừng 50 thí sinh thi tuyển. Cuộc thi gồm ba vòng và chương trình thi được ra trước 45 ngày. Để tập kịp chương trình và có đủ bản lĩnh cộng với thể lực để vượt qua các nhạc công đến từ nhiều nước là một thành công cùng rất nhiều sự may mắn.

Trân trọng tâm huyết của các nghệ sĩ trong nước ảnh 1


- Như vậy, phải chăng cũng có những sự đào thải? Đã có những người đồng nghiệp của anh bị đào thải chứ? Và cảm giác của họ?

- À, thường thì rất ít trường hợp dàn nhạc đào thải nhạc công, trừ những người có sức khỏe hoặc tinh thần suy sụp. Các thành viên dàn nhạc làm việc chung lâu năm thành ra thân thiết như anh em. Với những bạn bè đã không thể tiếp tục được sự nghiệp, chúng tôi luôn theo dõi, động viên.

- Cảm nhận của riêng tôi là tiếng đàn của anh thật phong phú. Anh có thể cởi mở một chút về những thói quen sống của cá nhân, như là ngoài những giờ tập luyện thì anh thường dành thời gian cho đời sống tinh thần của mình như thế nào?

- Cảm ơn nhận xét của chị. Mỗi nghệ sĩ đều thể hiện tâm hồn của mình qua tiếng đàn, mà tâm hồn là kết quả của cuộc sống tinh thần và tình cảm. May mắn sống ở thành phố được xem như là một trong những trung tâm văn hóa thế giới, tôi cảm thấy thật thú vị tận hưởng đời sống tinh thần của mình. Cũng như nhiều người Paris khác thôi, tôi thích thưởng thức kịch, nhạc jazz, đi xem các triển lãm nghệ thuật thị giác... Nhưng thành thật là ngoài công việc biểu diễn và tập luyện cùng dàn nhạc, phần lớn thời gian còn lại tôi dành cho gia đình.

- Gắn bó với ONF đã lâu, có khi nào anh nghĩ sẽ thử thay đổi, chuyển sang một địa chỉ dàn nhạc khác chẳng hạn? Hay thậm chí làm một nhạc công tự do và sáng tác?

- Không, chưa từng (cười)! Thi được vào dàn nhạc là may mắn, biết vậy nên tôi rất hài lòng với nghề nghiệp bao năm qua của mình và không có ý định thay đổi.

Trình độ dàn nhạc và chất lượng buổi diễn tăng rõ rệt

- Những câu chuyện “đi xa là để trở về” luôn là một chủ đề được quan tâm từ cả hai phía người đi và ở lại. Với anh, anh có nghĩ mình đang “đi xa”? Những lúc nhớ về Việt Nam, quê nhà, cha mẹ, bạn bè ở đây, anh thường mong về điều gì?

- Khi rời Việt Nam sang Pháp học, tôi thường nhớ nhà nhưng bây giờ sau 25 năm sống ở Pháp và lập gia đình, có con, nỗi nhớ ấy có lẽ đã đằm lại. Thực tế là nhiều năm qua, tôi vẫn luôn có may mắn được về Việt Nam biểu diễn hằng năm nên chỉ mong sao có thể tiếp tục cuộc sống và sự nghiệp theo nhịp đi như vậy.

- Thường xuyên có dịp quay trở về và tham gia biểu diễn, giao lưu với đồng nghiệp và công chúng trong nước, trong cảm nhận của anh, đời sống của nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam thời gian gần đây có điều gì đáng lưu ý, đáng mừng? Và những điều mà anh cảm thấy chia sẻ với đồng nghiệp ở trong nước, từ góc độ nghề nghiệp?

- Điều đáng mừng đầu tiên phải nói là trình độ dàn nhạc và chất lượng các buổi diễn ở Việt Nam tăng lên rõ rệt. Điều này, theo cá nhân tôi, là nhờ tâm huyết và sự chung tay, khả năng truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp, học trò của nhiều nghệ sĩ Việt Nam có đẳng cấp thế giới như các nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, Tăng Thành Nam, nghệ sĩ piano Bích Trà, Thu Hiền, Quỳnh Trang, các nghệ sĩ cello như NSND Trần Thị Mơ, NSND Ngô Hoàng Quân, rồi những nhạc trưởng như Lê Phi Phi, Trần Vương Thạch...

Tuy nhiên, tôi thấy các bạn bè đồng nghiệp trong nước vẫn chưa có điều kiện tốt về thu nhập qua lương và thù lao biểu diễn. Không gian làm việc, tập luyện của họ không tốt, thậm chí phải nói là rất khó khăn, thiếu thốn. Chính vì thế, tôi càng trân trọng và quý mến tinh thần đam mê nghệ thuật của các đồng nghiệp trong nước hơn nữa. Tôi không hiểu sâu về khí nhạc Việt Nam những năm gần đây lắm nhưng hy vọng, nền âm nhạc nước mình sẽ sớm được sánh vai với bạn bè thế giới.

- Một đạo diễn điện ảnh người Việt sống ở Pháp có nói với tôi rằng, sống ở Pháp, anh ấy cảm giác luôn chống chếnh như ngồi trên cái ghế chỉ còn ba chân… Với riêng anh, một người Việt Nam cũng sống ở Pháp, cảm giác thường trực của anh về cuộc sống ở Pháp là thế nào?

- Tôi có cảm giác như Việt Nam là người mẹ, nơi Nguyên sinh ra và thấm đậm tình cảm thuở ấu thơ. Còn nước Pháp là nơi đã tạo bước cho Nguyên trưởng thành trong sự nghiệp. Vì thế, tôi không có cảm giác chông chênh, mà luôn có niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

ONF được thành lập năm 1934, là dàn nhạc danh tiếng hàng đầu nước Pháp với 80 nhạc công thành viên. Dàn nhạc thuộc quyền quản lý của Đài phát thanh quốc gia Pháp (Radio France). Ngoài các buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc riêng và đưa lên phát thanh, ONF còn thường xuyên có các chuyến lưu diễn châu Âu và thế giới như một đại sứ của văn hóa Pháp.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne, đã thi đậu vào Nhạc viện Quốc gia Paris, ngôi trường âm nhạc danh giá nhất nước Pháp. Năm 1997, anh tốt nghiệp thủ khoa bộ môn violon ở Nhạc viện này và tiếp tục theo học hệ cao học trước khi thi đậu vào ONF, năm 1999.

Anh học violon ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh từ khi 14 tuổi, sớm trở thành quán quân của nhiều giải thưởng quốc gia như giải nhất Tài năng trẻ violon năm 1989, giải nhất Cuộc thi âm nhạc quốc gia Mùa thu năm 1990. Năm 1991, với sự hỗ trợ của Maurice Bourgue, nghệ sĩ kèn oboe nổi tiếng của dàn nhạc giao hưởng Berlin Karajan, anh đã được tới Pháp để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình.