NGHỆ SĨ SÁO LÊ THƯ HƯƠNG:

Tôi theo đuổi con đường “đa hương sắc”

Đang theo học tiến sĩ biểu diễn sáo Flute tại Mỹ nhưng Lê Thư Hương vẫn dành tâm huyết cho những dự án ở Việt Nam nhằm góp phần đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng. Chị dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thú vị về con đường âm nhạc của mình.

Lê Thư Hương biểu diễn ở Trường UNT (Đại học Bắc Texas - Mỹ).
Lê Thư Hương biểu diễn ở Trường UNT (Đại học Bắc Texas - Mỹ).

Cơ hội của cả nghệ sĩ và công chúng

- Là một nghệ sĩ đồng hành cùng chương trình Vietnam Connection Music Festival (VNCMF-Liên hoan Âm nhạc Kết nối Việt Nam) đã ba năm, chị thấy hiệu ứng của khán giả Việt Nam như thế nào?

- VNCMF kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015 cho đến nay được đón nhận và phản hồi rất tích cực từ phía công chúng cũng như các nghệ sĩ tham gia. Công chúng có cơ hội được tiếp xúc và giao lưu với các nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam và quốc tế như nghệ sĩ Bùi Công Duy, Vũ Việt Chương, Ngô Hoàng Quân, Paul Leenhouts, James Scott, Christoph Hammer… và nhiều nghệ sĩ khác. Yếu tố giáo dục cũng được đề cao trong các chương trình như trao học bổng cho các học sinh tiềm năng, lên lớp masterclass hay các chương trình biểu diễn của các tài năng trẻ được công chúng đặc biệt quan tâm và ủng hộ nhiệt liệt.

- VNCMF đã trở thành một chương trình mang tính định kỳ, diễn ra vào tháng 8 hằng năm. Chương trình năm nay sẽ có điều gì đặc biệt?

- VNCMF 2018 sẽ bao gồm 11 buổi hòa nhạc khác nhau tại Hà Nội-Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh với số lượng các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam tham gia đông nhất từ trước đến nay. Đặc biệt có hai nhóm tứ tấu đàn dây Ulysses String Quartet và Quatuor Arod gồm những nghệ sĩ trẻ tài năng đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế đến từ Hoa Kỳ và Pháp, bên cạnh những giáo sư/nghệ sĩ gạo cội cũng như các tài năng trẻ của Việt Nam và Hoa Kỳ.

- Đang có ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam du học quay trở về tổ chức những buổi biểu diễn thường niên ở Việt Nam, nhằm đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Liệu đó có phải là những tín hiệu khả quan để kích hoạt đời sống âm nhạc cổ điển đang chìm lắng ở Việt Nam?

- Vì công chúng không được nghe thường xuyên về các chuyên mục âm nhạc cổ điển trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên họ nghĩ là nó đang chìm lắng. Thực tế là âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn hoạt động thường xuyên và tồn tại trước tiên bởi các nghệ sĩ tâm huyết trong nước. Việc có ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn theo tôi là điều hiển nhiên và bình thường, đó là sự đóng góp và trách nhiệm của cá nhân mỗi nghệ sĩ, để chung tay tạo nên một tổng thể phong phú và đa dạng hơn cho nền âm nhạc chung. Qua đó công chúng sẽ có thêm cơ hội thưởng thức nhiều chương trình khác nhau hơn.

- Sự mất cân bằng giữa pop và nhạc cổ điển có phải là một trở ngại cho các nghệ sĩ theo đuổi con đường cổ điển như chị?

- Xu hướng tất yếu phù hợp với thời đại của âm nhạc giữa các thể loại là ngày càng tiến gần hơn đến nhau, tìm tiếng nói chung trong sự học hỏi, hòa hợp và đan xen. Bạn có thể tìm thấy một bản nhạc cổ điển có lối phá cách của jazz, hay ngược lại có thể tìm thấy một bản nhạc pop có sử dụng hòa âm chặt chẽ và học thuật trong âm nhạc cổ điển. Tôi không gọi đó là sự mất cân bằng mà có thể coi là sự đối trọng lẫn nhau đầy ngẫu hứng nhưng tế nhị của các thể loại âm nhạc, tùy thuộc vào không gian, thời gian và ý đồ của người nghệ sĩ.

Tôi không muốn tự giới hạn mình

- Chị nói, chị theo đuổi con đường “đa hương sắc” trong hành trình âm nhạc của mình. Điều đó nên được hiểu như thế nào?

Tôi theo đuổi con đường “đa hương sắc” ảnh 1

- Âm nhạc đối với tôi là một điều gì đó rất trong trẻo. Nó là thứ ngôn ngữ quốc tế mà ta không cần học cũng có thể hiểu, đặc biệt nó là một cầu nối đơn giản nhất từ trái tim đến trái tim, giữa con người với con người. Nhà văn viết truyện cổ tích nổi tiếng người Đan Mạch H.C. Andersen có câu: “Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng” (Hãy để âm nhạc thay lời muốn nói). Tuy được đào tạo là một nghệ sĩ cổ điển chuyên nghiệp nhưng tôi không muốn chỉ giới hạn mình ở một thể loại nhất định. Ngoài cổ điển, tôi còn chơi cả nhạc đương đại, nhạc dân tộc, nhạc pop. Bạn cũng có thể gặp tôi thử nghiệm với nhạc blue và jazz như trong chương trình “Hương sắc Paris” tại L’espace tối 9-6 vừa qua. Đối với tôi âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng không phải là một cái gì đó cao siêu và ngoài tầm với, bạn chỉ cần lắng nghe và thưởng thức theo cách của riêng mình, khi cảm nhận được sự rung động nghĩa là âm nhạc đã chạm vào trái tim bạn rồi đó.

- Từ một nghệ sĩ sáo flute trở thành một nghệ sĩ solo và hơn thế, chị còn mang tiếng sáo của mình rong ruổi ở nước ngoài. Hẳn đó là một hành trình đầy khó khăn và khắc nghiệt? Chị đã đi như thế nào trên hành trình đó?

- Đó là một con đường rất dài, tương đối chông gai, đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh và kiên nhẫn không chỉ của cá nhân mà cả người thân. Tôi may mắn có được một gia đình rất yêu nghệ thuật và ủng hộ tôi hết mình trong mọi hành trình, cùng với sự khổ luyện và đam mê của bản thân. Trước mỗi chương trình solo (độc tấu) với dàn nhạc, trung bình mỗi ngày tôi phải tập từ 6-8 tiếng trong nhiều tháng trước đó. Có những hôm tập cả ngày, đến tối rất mệt, thậm chí không nói được nữa vì kiệt sức, hoặc những lúc đang sốt hoặc ốm vẫn phải chơi sáo bình thường…. Đổi lại là 30 phút thăng hoa trên sân khấu, theo tôi đấy là một sự hy sinh lớn và cống hiến hết mình đối với bất kỳ nghệ sĩ solo nào. Bên cạnh đó, nhất thiết cần phải có kỹ năng điêu luyện và bản lĩnh sân khấu tốt.

- Sáo flute khá kén người nghe và nó rất Tây. Chị làm thế nào để có sự kết nối với văn hóa Việt Nam trong tiếng sáo của mình?

- Tiếng sáo flute được so sánh là gần gũi nhất với giọng hát con người, vì vậy thực ra nó rất dễ nghe vì sự truyền cảm vốn có. Để tạo được sự khác biệt, mình phải biết kết hợp và áp dụng vào thế mạnh của mình, đấy là tính dân tộc và bản sắc riêng của mỗi người. Tôi thường xuyên khai thác biểu diễn các tác phẩm của Việt Nam cũng như các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng phương Đông để thể hiện màu sắc đặc trưng của Á châu.

- Chị đang học tiến sĩ ở Mỹ, có vẻ như khát vọng của Lê Thư Hương không chỉ dừng lại ở một giảng viên hay một nghệ sĩ biểu diễn?

- Đó là các yếu tố quan trọng làm nên tôi ngày hôm nay. Giảng dạy để truyền kiến thức và tình yêu âm nhạc cho các thế hệ kế tiếp, việc này giúp cho tôi trở nên kiên nhẫn và tư duy hơn. Trong khi biểu diễn mang lại cho tôi sự thăng hoa, sáng tạo không ngừng nghỉ và nuôi dưỡng đam mê. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều cơ hội tham gia các dự án cộng đồng và các dự án liên kết văn hóa, đặc biệt là các chương trình trao đổi văn hóa-giáo dục.

- Tôi từng được thưởng thức tiếng sáo của chị, nó bay bổng, phóng khoáng, tự do như tâm hồn người nghệ sĩ ưa xê dịch và không bao giờ chịu khuôn mình vào một giới hạn. Những chuyến đi mang lại cho chị điều gì?

- Tôi luôn thích khám phá những chân trời mới và học hỏi, trải nghiệm những điều mới lạ. Tôi cũng là người tương đối ích kỷ và quyết liệt, đã thích gì là phải tìm cách thực hiện bằng được. Các cụ có câu mà tôi rất tâm đắc: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, học qua kinh nghiệm bản thân, qua những người chung quanh mình, qua mỗi trải nghiệm mình gặp hằng ngày. Kinh nghiệm sống ở nhiều nơi khác nhau, gặp gỡ những người bạn đồng nghiệp, những người thầy và sự sáng tạo không ngừng nghỉ là món quà vô giá tôi có được sau mỗi hành trình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.