Tác giả Chu Thơm:

Tôi không kiếm sống bằng nghề viết kịch

NDO -

Vài năm gần đây, tác giả Chu Thơm đã trở thành cái tên được các đơn vị nghệ thuật quan tâm khi đi tìm kịch bản. Dường như đợt liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nào ông cũng có kịch bản được dàn dựng. Những tưởng được đưa vào "tầm ngắm" như thế, ông phải lao vào viết như điên, sản xuất theo đơn đặt hàng, nhưng ông lại bảo: Tôi chỉ viết những điều mình tâm đắc.

Cảnh trong vở Mỹ nhân và anh hùng.
Cảnh trong vở Mỹ nhân và anh hùng.

Tôi không được chọn nghề...

- Khởi đầu bằng nghề mỹ thuật, nhưng người ta nhắc đến cái tên Chu Thơm nhiều hơn từ khi ông chuyển sang viết kịch bản truyền hình và sân khấu. Ban đầu ông chọn nhầm nghề ư?

Tôi không kiếm sống bằng nghề viết kịch ảnh 1

- Thật ra thì cuộc đời chẳng mấy ai chọn được nghề, nó là do số phận đưa đẩy. Từ một cậu sinh viên đang học Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tôi được cử sang Liên Xô (cũ) học từ năm 1970 - 1976 ngành trang trí sân khấu (SK). Về nước năm 1976, tôi làm trang trí mỹ thuật SK vở Tạm biệt Andriusa (đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) cho Lớp diễn viên Ðiện ảnh khóa II, rồi 1977 làm vở Những con hươu xanh (Ðạo diễn NSƯT Tạ Xuyên) cho Ðoàn kịch nói Quân đội. Thời kỳ này tôi đã bắt đầu dịch các kịch bản SK của Nga: Những loài chim tuổi trẻ chúng ta (Ðoàn kịch Quân đội), Năm buổi chiều (Ðoàn kịch Hà Nội)... Ngoài ra tôi cũng viết nhiều kịch bản phim truyền hình. Phim truyền hình đầu tiên của Ban Văn nghệ Ðài Truyền hình Việt Nam: Ðứa con lưu lạc là kịch bản của tôi viết cùng anh Tô Thi (khi đó là Trưởng ban Văn nghệ Ðài Truyền hình Việt Nam). Năm 1988, tôi viết vở kịch dài đầu tiên cho SK Người mang hai vết thương được hai đoàn kịch dựng bởi hai đạo diễn tên tuổi là NSND Doãn Hoàng Giang và NSND Phạm Thị Thành.

- Vậy thật ra ông đã viết kịch bản từ rất sớm, nhưng cứ có cảm giác từ khi về làm ở Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) người ta mới biết đến ông ở vai trò tác giả?

- Năm 1998, tôi viết Chuyện làng Vũ Ðại, cố đạo diễn NSƯT Khánh Vinh dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Cũng năm đó tôi viết Dòng sông ký ức cố đạo diễn NSƯT Khánh Vinh dựng cho Ðoàn kịch Quân đội, diễn 68 đêm liền trong một đợt lưu diễn. Sau đó là vở Thuyền lá (NSND Trọng Khôi dựng ở Nhà hát Kịch Việt Nam). Khi đó thời gian tôi dành viết kịch bản cho truyền hình nhiều hơn, đến mức trở thành người thân của truyền hình: Dư vị chiến tranh, Niềm tin trong trắng, Một chiều xa thành phố, Luật của rừng, Niềm tin của mẹ (Phim được giải trong LH phim truyền hình toàn quốc lần thứ 11)... Năm 2002, tôi được NSND Lê Tiến Thọ, khi đó là Cục trưởng Cục NTBD nhận về Cục. Tôi biết ơn anh Thọ. Anh là người có công "hích" tôi lại gần sân khấu, để được cọ xát nhiều với các đoàn nghệ thuật, học được nhiều kinh nghiệm ở các bậc đàn anh và bắt đầu viết có hiệu quả hơn cho SK.

- Tới nhà ông, thấy treo nhiều tranh, một số bạn bè cũng khoe có tranh ông vẽ tặng. Việc sáng tác kịch bản ngốn một quỹ thời gian tương đối lớn có khiến ông phải bỏ cọ rời toan không?

- Bây giờ tôi vẫn vẽ tranh, chí ít là cho mình và thích thú được tặng bạn bè. Ngày trước họa sĩ Nguyễn Hữu Ngọc đã chỉ dẫn tôi vẽ tranh lụa. Tôi cũng đã mở phòng tranh. Nhưng sau thấy mình vẽ không "ăn khách" cho nên không vẽ tranh bán nữa. Những năm gần đây, tôi tập trung viết kịch bản SK.

Tự tin với những điều mình đã làm

- Ông thuộc dạng viết chậm mà chắc. Khi viết kịch bản SK, điều ông quan tâm đầu tiên là gì?

- Tôi có cái may là chưa bao giờ phải lo lắng về kinh tế, vì được vợ chăm lo chu đáo từ bữa ăn, từ cái mặc, thậm chí đi công tác, đi trại viết còn mang tiền nhà đi. Vì thế tôi không đặt mục tiêu phải kiếm sống bằng nghề viết kịch, chỉ viết những gì mình tâm đắc.

Ðúng như bạn nói, tôi viết chậm. Vở Giếng thơi trong lòng phố viết nửa năm mới xong, vở 12 giờ viết trong một năm trời. Khi viết bất cứ vở nào, tôi cũng phải tìm ra thông điệp của nó. Các kịch bản của tôi phần lớn viết về thân phận con người, về sự rạn vỡ của gia đình Việt khi người Việt vốn ưa sự đoàn tụ thì nay cái guồng sống hối hả đang phá vỡ gia phong người Việt, nhiều giá trị đạo đức bị phá vỡ, những người một thời lầm lỗi tự vấn lương tâm. Vấn đề trong mỗi gia đình là điều tôi thích nói đến. Chuyện nhân tình thế thái không bao giờ cũ, vì thế các kịch bản của tôi được nhận xét là không có niên đại, không sợ bị lỗi thời. Tôi rất coi trọng văn học kịch, vì kịch nói ít được âm nhạc, ca múa hỗ trợ. Tôi không bị thúc ép vì chuyện cơm áo gạo tiền nên không làm vội. Cũng mừng là đi dự mấy trại viết, kịch bản của tôi đều được Ban Sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam xếp loại cao.

- Cho đến nay ông viết được bao nhiêu kịch bản SK rồi, có "đứa" nào phải nằm lâu trong ngăn kéo trò chuyện với lũ gián không?

- Cũng vài chục vở rồi, có điều chưa "đứa" nào phải nằm trong ngăn kéo với vợ chồng nhà gián. Vở Giếng thơi trong lòng phố chưa ráo mực thì Nhà hát Chèo Việt Nam đã xin kịch bản, năm 2009, vở Giai nhân và anh hùng mới viết xong thì Sân khấu Kịch Hồng Vân xin dựng nhưng trước đó nửa giờ, anh Lê Hùng, khi đó là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã có lời, rồi Mịch ơi là kịch Phú Nhuận, vở 12 giờ thì cũng đã có một vài đoàn xin kịch bản. Một số vở sau khi diễn trên SK còn được Ðài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng phát sóng.

- Dạo này thấy ông ít xuất hiện ở các dịp hội hè của giới SK, ông lại đang vùi đầu vào một kịch bản mới ư?

- Tôi luôn trong tình trạng làm không hết việc, ngoài viết kịch bản SK tôi còn viết báo, viết kịch bản đều đều cho Công ty Lasta, lại vừa nhận được lời mời viết cho an toàn giao thông, cho chương trình giao thừa của VTC và đang dự kiến viết một phim truyền hình 27 tập... Muốn gặp bạn bè nhưng thật ra là phải tự kỷ luật với chính mình vì lúc nào cũng thấy đang nợ nần, công việc cứ thôi thúc như đang sống những ngày cuối cùng. Lúc này tôi cũng đang dốc sức hoàn thành kịch bản Cha và con và tấm gương trong tháng bảy này, nên đêm nào cũng gõ máy đến ba giờ sáng. Có người bảo, ông có mấy cái nhà rồi, việc gì còn phải làm như điên, đêm nào sau 3 giờ sáng mới đi ngủ. Tôi bảo, viết kịch, viết báo là một nhu cầu, là sự giải tỏa những điều bức xúc. Không được làm việc tôi sẽ không sống nổi.

- Có người nói ông là người kênh kiệu, ít chịu ai. Ông nghĩ gì về nhận xét đó?

- Người ta cứ tưởng vậy vì sau LHSK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012, trong bài trả lời phỏng vấn báo Công an nhân dân khi được hỏi: Nếu được chọn để trao giải cao nhất, ông sẽ chọn vở nào? Tôi trả lời: sẽ chọn vở Làm... của tôi được Huy chương vàng về khán giả vì suất diễn nào cũng bán hết vé và còn phải xếp thêm ghế nhựa mới đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Không hiểu vô tình hay cố ý, phóng viên bỏ mấy từ "về khán giả", thế là người ta nói tôi ngông và kiêu. Thật ra tôi không kiêu mà chỉ tự tin với công việc mình làm. Tôi tự hào những gì mình gặt hái được là do mình cố gắng, không lèo lá, chạy chọt, không nhờ ai chống lưng.... Từ một tác giả tay ngang, giờ tôi đã được coi là một tác giả chuyên nghiệp.

- Ông đã có được một số kịch bản gây dấu ấn, ở đó thấy ông theo đuổi nguyên tắc thẩm mỹ: nghiêm túc mà hấp dẫn. Với ông, có tuyên ngôn gì to tát không?

- Khi viết tôi luôn có nguyên tắc: Phải hướng về phía trước để mọi người thấy không phải mình ăn may ở những kịch bản đã qua. Vở mới phải có thông điệp mới, kịch phải đi được vào đời sống. Muốn thế đừng dạy dỗ khán giả mà phải cho họ thấy hình bóng của mình trong đó. Vì thế tôi vẫn luôn theo đuổi việc viết về thân phận con người.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này.